Tin tổng hợp

Sự tác động của Covid-19 đến sức khỏe tâm thần của sinh viên ĐHQG-HCM

  • 07/11/2021
  • Ngày 7/11, ĐHQG-HCM đã công bố kết quả nghiên cứu về sự tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên ĐHQG-HCM. Nghiên cứu do Trường ĐH Quốc tế ĐHQG-HCM thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc ĐHQG-HCM và sự phối hợp của các trường thành viên trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐHQG-HCM với Tập đoàn Hưng Thịnh.

    PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã và đang là mối lo ngại hàng đầu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm thần, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên nói chung và sinh viên nói riêng. Để có đầy đủ thông tin về tác động Covid-19 đối với cuộc sống của sinh viên ĐHQG-HCM trong giai đoạn này, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM đã chỉ đạo nhóm thực hiện khảo sát này.

    Khảo sát được tiến hành từ ngày 18/10/2021 đến ngày 25/10/2021 trên nền tảng trực tuyến cho đối tượng là tất cả sinh viên đại học đang theo học tại ĐHQG-HCM, bao gồm 6 nội dung: Việc giảng dạy và đánh giá sinh viên trực tuyến; Tâm thần và sức khỏe của sinh viên trong giai đoạn Covid-19; Covid-19 và quan điểm của sinh viên về nghề nghiệp; Covid-19 và tài chính cá nhân, gia đình; Ý kiến về các chính sách hỗ trợ người học; Thông tin cá nhân.

    Sinh viên chịu áp lực học tập trực tuyến cao nhất

    PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài - Thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, có tất cả 37.150 sinh viên tham gia khảo sát. Trong đó có 17.969 nữ (48,4%) và 19.181 nam (51,6%). Kết quả khảo sát cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu thì vấn đề áp lực học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Sinh viên có xu hướng lo lắng về việc này, cả vì lý do trang thiết bị và căng thẳng liên quan đến đại dịch, cả vì sự mất đi nề nếp của trường học cùng những khoản hỗ trợ chính thức hoặc không chính thức, cũng như đặc biệt lo lắng về sự an toàn khi phải sống trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy hiểm.

    Ngoài ra, còn có áp lực tâm thần đáng kể khác lên sinh viên là: nỗi lo lắng khả năng đóng học phí (58,9%); có mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu (27,7%) hay làm việc quá sức (27,1%).

    Sự khác biệt về đặc điểm sức khỏe tâm thần ở nam và nữ sinh viên. Đồ họa: Nhóm NC.

    Khảo sát đã ghi nhận sự thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt là vấn đề mà đa số các sinh viên mắc phải (chiếm 56,8%), bên cạnh mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều (chiếm 56,2%). Đáng chú ý, 48% sinh viên được khảo sát thừa nhận đã cảm thấy bản thân nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống của bản thân trong thời gian dịch bệnh. Ngoài ra cũng xảy ra các vấn đề như mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức, hay quên cũng như sự thay đổi tính tình trở nên cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do, tương ứng là 36,5% và 35,7%. Vấn đề ngại tiếp xúc với người khác (kể cả người thân) cũng tồn tại trong 26,7% sinh viên được khảo sát bên cạnh các vấn đề về tiêu hóa chiếm 26,3%.

    Từ số liệu thu được, cuộc khảo sát đã cho thấy rối loạn giấc ngủ và thiếu định hướng trong học tập và cuộc sống chính là vấn đề phổ biến ở một bộ phận sinh viên ĐHQG-HCM trong thời gian dịch bệnh bên cạnh những vấn đề về hành vi và sức khỏe khác.

    Cần tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên

    Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề và áp lực tâm thần ở sinh viên. Những biện pháp hỗ trợ đặc biệt là các hoạt động giao lưu và các hoạt động tương tác là cần thiết, đặc biệt trong thời gian sinh viên học trực tuyến. Ngoài ra, những sinh viên nữ, sinh viên gặp khó khăn về tài chính hay những sinh viên có cha mẹ mất vì Covid-19 là những đối tượng cần được trợ giúp nhất về mặt tâm thần.
     

    Sự khác biệt về đặc điểm sức khỏe tâm thần ở các lứa sinh viên. Đồ họa: Nhóm NC.

    Chỉ ra một số vấn đề lưu tâm về sức khỏe tâm thần của sinh viên trong giai đoạn dịch Covid-19, nhóm nghiên cứu cho rằng ĐHQG-HCM nói chung và các cơ sở giáo dục thành viên nói riêng nên có những biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có một cuộc sống tâm thần tốt để tiếp cận chương trình học một cách tối ưu. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 4 biện pháp giúp tăng cường sức khỏe tinh thần cho sinh viên.

    Đó là cần khai thác tốt những dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên để khắc phục những hậu quả về mặt phi vật chất do Covid-19 gây ra. Đồng thời, cần triển khai nhanh, trên diện rộng những chính sách hỗ trợ tài chính, gia hạn và tặng học bổng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên gặp khó khăn vì Covid-19 yên tâm học tập.

    Mặt khác nhóm nghiên cứu mong muốn có các chương trình giao lưu trực tuyến để sinh viên tương tác và trò chuyện cùng mọi người; mở các chương trình học thuật giúp sinh viên học tập và rèn luyện kỹ năng mềm như tập thể dục, nấu ăn, chơi nhạc cụ, để giúp sinh viên hòa nhập, giảm thiểu tác động xấu về tâm thần do Covid-19 và giãn cách gây ra.

    Cuối cùng, nhóm cho rằng cần tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động cộng đồng để khắc phục và giảm thiểu các hậu quả tâm thần do đại dịch Covid-19 gây ra.

    Sự khác biệt trong chọn lựa phương pháp bảo vệ sức khỏe tâm thần của sinh viên ở các cơ sở đào tạo trong ĐHQG-HCM. Đồ họa: Nhóm NC.

    6 vấn đề về sức khỏe tâm thần của sinh viên cần chú ý
    Với hơn 37.000 phản hồi từ sinh viên ĐHQG-HCM, kết quả nghiên cứu đã phác họa rõ nét những ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch Covid-19 mang tới đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên, qua đó cũng bộc lộ một số vấn đề cần chú ý:
    1.    Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên cần được tăng cường thêm, đặc biệt nên hướng tới các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến của sinh viên trong giai đoạn Covid-19 gồm: Rối loạn giấc ngủ (56,2%); Tính tình thay đổi hay cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do (35,7%); Mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức, và hay quên (36,5%).
    2.    Có 1 tỉ lệ nhỏ nhưng đáng lưu tâm về về sinh viên phản ánh bị ngược đãi/bạo lực/ quấy rối bằng cơ thể hoặc ngôn ngữ (4,4%) và đáng ngạc nhiên là có tỉ lệ nhỉnh hơn các sinh viên nam so với sinh viên nữ bị ngược đãi (4,9% và 3,9%) cảm thấy bị phân biệt đối xử về các vấn đề liên quan đến giới tính (6,0% và 5,8%).
    3.    Áp lực học trực tuyến xuất hiện nhiều từ năm đầu đến năm 3 và giảm dần ở những năm về sau, trong khi vấn đề ngại tiếp xúc với người khác gia tăng đều theo năm học của sinh viên từ năm 1 tới năm 6.
    4.    Với kết quả có đến 56,8% thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập thể hiện việc tổ chức giảng dạy trong giai đoạn Covid-19 còn nhiều hạn chế. Ngoài ra còn có nhiều sinh viên không hài lòng với chất lượng bài giảng trực tuyến tuy đánh giá áp lực học trực tuyến không khác biệt với các nhóm khác nhưng lại chịu các áp lực khác cao hơn và cũng là nhóm thường gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần hơn các nhóm khác (65,1%).

    5.    Có 48% ý kiến cho thấy sự tự ti, mất phương hướng hay mơ hồ về mục đích sống của bản thân hay có đến 19.443 sinh viên (chiếm 52,3%) lựa chọn “Không làm việc vì không có nhu cầu” và có 4.681 (12,6%) sinh viên “Chưa từng nghĩ đến tìm việc làm”.
    6.    Có tỉ lệ cao các sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ tham gia vào các hoạt động tích cực, giảm nhẹ những tổn thương tâm thần do đại dịch gây ra như rèn luyện sức khỏe/tập thể dục tại nhà (80%), tham gia các hoạt động giữ liên lạc và trò chuyện với người thân (84,5%), tham gia các hoạt động thiện nguyện (32,9%), học thêm các kỹ năng và kiến thức mới (74,5%) và giải trí tại nhà (89,3%).

    BẢO KHÁNH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên