Khoa học công nghệ

ĐHQG-HCM tham gia phát triển kinh tế tri thức *

  • 16/10/2020
  • Các kết quả bước đầu của ĐHQG-HCM trong việc tham gia phát triển kinh tế tri thức ở TP.HCM giai đoạn 2016-2020 cũng như các định hướng giải pháp và sản phẩm giai đoạn 2020-2030 đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của ĐHQG-HCM trong việc gắn kết thành phố này.

    ĐHQG-HCM đã đào tạo và cung cấp cho thành phố và các tỉnh phía Nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ trong giai đoạn 2016-2020.

    Theo đó, ĐHQG-HCM là điểm tựa của thành phố về  đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tư vấn xây dựng và phản biện chính sách trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tri thức.

    Thách thức của nền kinh tế tri thức số

    Những năm gần đây, kinh tế tri thức phát triển qua một giai đoạn mới, thường được biết đến với tên gọi kinh tế tri thức số hay kinh tế số. Trong nền kinh tế số, tri thức mới được tạo ra từ dữ liệu lớn dựa vào trí tuệ nhân tạo. Mô hình kinh tế số này bao gồm 3 tầng.

    Ở tầng cơ sở, dữ liệu và thông tin được trao đổi, thu thập thông qua các thiết bị kết nối như Internet vạn vật, điện thoại di động, camera… Tầng trung gian dữ liệu sẽ được chuyển về các trung tâm lưu trữ điện toán đám mây thông qua hệ thống mạng wifi, 5G… Tại đây, dữ liệu sẽ được lưu trữ và xử lý sử dụng các công nghệ điện toán đám mây tiên tiến. Và tầng trên cùng, các thuật toán về trí tuệ nhân tạo được áp dụng trên nền tảng dữ liệu lớn để tạo ra các tri thức mới, các sản phẩm mới, các giá trị mới, áp dụng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội như y tế, năng lượng, giao thông, thương mại,…

    Kinh tế tri thức số dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

    Kinh tế tri thức số đã chứng kiến sự hình thành và phát triển vượt bậc của nhiều tập đoàn công nghệ mới. Năm 2006 chỉ có Microsoft và General Electric là các tập đoàn công nghệ nằm trong nhóm 10 tập đoàn đạt doanh thu lớn nhất toàn cầu. 10 năm sau, tức năm 2016, 7/10 tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, gồm Google, Facebook, Amazone.  Riêng Apple đã trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới với doanh thu vượt mốc 2.000 tỷ USD vào cuối tháng 8/2020.

    Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) với hạt nhân là trí tuệ nhân tạo hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội trong tương lai. Theo dự báo của tổ chức McKinsey công bố năm 2018, đến năm 2030, 70% công ty trên toàn thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và GDP toàn cầu tăng 13 nghìn tỷ USD. Cũng trong năm này, tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả công việc ở Hoa Kỳ sẽ là 38%, ở Nhật Bản là 24% và ở Hàn Quốc là 22%.

    Tuy nhiên CMCN4 và trí tuệ nhân tạo cũng tạo ra những thách thức.

    Trước nhất, là tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn so với 3 cuộc CMCN trước. Để đạt con số 50 triệu người dùng, chiếc điện thoại bàn cần 75 năm, tivi cần 25 năm; nhưng trò chơi Pokémon Go chỉ cần đúng 19 ngày!

    Tiếp đến là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến như công nghệ 5G. Con người không chỉ giao tiếp bằng lời nói và chữ viết như trước. Giờ đây, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho hình thức giao tiếp với mạng xã hội, các loại thiết bị, robot.

    Cuối cùng là xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ. Một trong số những câu hỏi đó là khả năng bị thay đổi về hành vi, cảm xúc của con người trước sự gia tăng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Hay nói cách khác, phải chăng hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhiều hơn so với 3 cuộc CMCN trước đó?

    Các thách thức này đặt ra trách nhiệm của giáo dục đại học trong việc phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học để thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức.

    Vai trò của ĐHQG-HCM

    ĐHQG-HCM được thành lập từ năm 1995, với tầm nhìn hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong top đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam.

    ĐHQG-HCM hiện có hơn 6.000 giảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó, hơn 1.000 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư; đào tạo gần 72.000 sinh viên hệ đại học chính quy; hơn 7.000 học viên sau đại học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, quản lý, luật, khoa học sức khỏe…

    Giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đảng bộ ĐHQG-HCM đã xác định mục tiêu trở thành một hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM.

    Để tham gia phát triển kinh tế tri thức cho thành phố, ĐHQG-HCM xác định: nhân lực trình độ cao là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy, hệ thống thể chế chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin là lực đẩy.

    Theo đó, về đào tạo, trong giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM đã đào tạo và cung cấp cho thành phố và các tỉnh phía Nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển thành phố nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung.

    Tính đến nay, ĐHQG-HCM có 66 chương trình được kiểm định quốc tế và thể hiện vị trí tiên phong khi đạt Top 701-750 trong bảng xếp hạng QS thế giới, công bố năm 2020.

    Về Khoa học và công nghệ, cũng trong giai đoạn này, ĐHQG-HCM đã công bố trên 20.000 công trình tại các hội nghị, tạp chí trong và ngoài nước; thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỉ đồng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với 458 đơn.

    Xuất bản khoa học của ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020.

    Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, phần mục tiêu đề cập đến các nội dung: Đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và phát triển nhanh bền vững. Các nội dung này cũng nằm trong mục tiêu phát triển kinh tế tri thức. Nói cách khác, phát triển kinh tế tri thức có thể được xem như là một mục tiêu của thành phố trong giai đoạn tới. Trong bốn chương trình phát triển thành phố giai đoạn 2020 -2025, tầm nhìn đến năm 2030, cả bốn chương trình này đều gắn với bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức.

    Dựa trên 4 trụ cột của kinh tế tri thức cùng 4 chương trình phát triển của thành phố, ĐHQG-HCM đã đề xuất các giải pháp và sản phẩm tham gia phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2020-2030.

    Theo đó, về đào tạo, ĐHQG-HCM chủ động tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực. Cụ thể: Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời; Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

    Sản phẩm dự kiến sẽ gồm (1) Các chương trình đào tạo trình độ quốc tế với điểm nhấn là ngành trí tuệ nhân tạo; (2) Thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ; (3) Phát triển sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực then chốt như: giao thông, y tế, tài chính, thương mại.

    Về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, ĐHQG-HCM chủ động tham gia Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, thông qua các chương trình và đề án như: Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa; Chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn; Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM.

    Từ đó đưa ra các giải pháp tư vấn về chính sách phát triển các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn;  các sản phẩm công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa có giá trị ứng dụng cao cùng điểm nhấn là hệ sinh thái khởi nghiệp tại ĐHQG-HCM.

    Về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, ĐHQG-HCM chủ động tham gia thực hiện các đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố, gồm: Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp; Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số TP.HCM.

    Sản phẩm dự kiến sẽ là các giải pháp tư vấn cho hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng số. Điểm nhấn là đưa Khu Công nghệ Phần mềm của ĐHQG-HCM trở thành một hạt nhân quan trọng trong mạng lưới các Khu CNPM quốc gia.

    Về hệ thống thể chế chính sách, ĐHQG-HCM chủ động tham gia các đề án trong chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố. Cụ thể, Đề án xây dựng thành phố thông minh; Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh; Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

    Sản phẩm dự kiến sẽ là hệ thống các chính sách và giải pháp liên quan đến mô hình đô thị thông minh, phương pháp quản trị hiệu quả trong nền tảng hạ tầng số như: chính sách về dữ liệu, chính sách cho các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, chính sách đảm bảo an ninh mạng… Điểm nhấn là đến 2030, ĐHQG-HCM trở thành một hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

    PGS.TS VŨ HẢI QUÂN

    (*) Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa XI, PGS.TS Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM đã có bài tham luận phân tích vai trò của ĐHQG-HCM trong việc tham gia xây dựng hệ thống giải pháp, phát triển các sản phẩm kinh tế tri thức cho TP.HCM giai đoạn 2020-2030. Website ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài tham luận đặc sắc về chủ đề thời sự này. Tít và trung đề do Website ĐHQG-HCM đặt.

    4 trụ cột của kinh tế tri thức

    Mặc dù có các thuật ngữ khác nhau, như kinh tế dựa trên tri thức hay kinh tế tri thức, song tất cả đều cơ bản đồng thuận rằng tri thức là yếu tố then chốt trong sự phát triển. Ngân hàng Thế giới đánh giá: ở các nền kinh tế tiên phong, cán cân đang nghiêng về tri thức. Tri thức thực sự đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, hơn cả yếu tố đất đai, hơn cả yếu tố tư liệu sản xuất, hơn cả yếu tố lao động.

    Các nhà khoa học đã chỉ ra bốn trụ cột của kinh tế tri thức, bao gồm: (1) giáo dục đào tạo, (2) nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo (3) hạ tầng (công nghệ thông tin) và (4) thể chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Bốn trụ cột này có mối quan hệ hữu cơ, tạo ra các giá trị mới của kinh tế tri thức.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên