ĐHQG-HCM sở hữu đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao với số cán bộ giảng dạy (CBGD) kết hợp với nghiên cứu triển khai (R&D) là 2.677 người. Trong đó, trên 1.300 cán bộ đạt trình độ tiến sĩ. ĐHQG-HCM còn được Chính phủ đầu tư 2 phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) cấp quốc gia và 11 PTNTĐ cấp ĐHQG theo các hướng nghiên cứu thế mạnh của ĐHQG-HCM. Với nền tảng này, ĐHQG-HCM đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Hơn 3.500 công bố khoa học quốc tế
Trong giai đoạn 2013-2018, ĐHQG-HCM đã công bố 3.675 bài báo trên các tạp chí quốc tế, trung bình tăng khoảng 15%/năm và số bài báo thuộc danh mục SCI, SCIE là 2.198 bài. Trong đó, trên 50% bài báo đăng trên các tạp chí chất lượng cao, được xếp hạng Q1, vượt hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 39%.
Nếu chia theo lĩnh vực, các nhóm ngành trong ĐHQG-HCM có tỷ lệ công bố quốc tế cao gồm: khoa học cơ bản (Toán - Lý - Hóa) chiếm tỷ lệ 28%; công nghệ thông tin - điện và điện tử - viễn thông chiếm tỷ lệ 16%; công nghệ sinh học - khoa học y sinh đạt 14%; KH&CN vật liệu đạt 13%. Các nhóm ngành KHXH&NV và Kinh tế - Luật do có tính chất đặc thù nên có tỷ lệ công bố còn hạn chế.
Bên cạnh hoạt động công bố khoa học, tài sản trí tuệ của ĐHQG-HCM được thể hiện qua các bằng sở hữu trí tuệ (SHTT) đạt nhiều kết quả khả quan.Tổng số đơn đăng ký bảo hộ SHTT của toàn hệ thống ĐHQG-HCM tính đến tháng 10/2018 là 423 đơn. Trong đó, 155 đơn được cấp bằng, đạt tỷ lệ 37% và hơn 50% những đơn này là các sáng chế, giải pháp hữu ích cũng như thiết kế bố trí mạch tích hợp hứa hẹn trở thành các đối tượng SHTT tiềm năng, mang tính thương mại cao.
Sản phẩm KH&CN tiêu biểu
Theo thống kê đến tháng 6/2018, các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM đã nghiên cứu và phát triển được 179 sản phẩm ứng dụng KH&CN. Trong đó, có 25% sản phẩm đã được chuyển giao thành công, 36% sản phẩm đã sẵn sàng để chuyển giao ngay, 39% sản phẩm cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm.
Một số sản phẩm tiêu biểu:
Viện Công nghệ Nano (INT) đã tích cực triển khai hoạt động CGCN, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, cụ thể là bán các bản quyền chế tạo vật liệu và linh kiện nano cho các công ty, bên cạnh đó INT cũng sẽ tiến đến thành lập “start-up” dưới dạng công ty Khoa học Công nghệ để phát triển và kinh doanh các sản phẩm nghiên cứu của đơn vị. Các sản phẩm này thường là “quy trình công nghệ” và “prototype” được chế tạo từ các đề tài nghiên cứu R&D, nên cần phải được hoàn thiện và đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp để có thể thương mại hóa.
Mô hình mà INT hướng đến là công ty cổ phần với sự tham gia của các đối tác công nghiệp có kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Phần đóng góp của INT sẽ là các công nghệ, bản quyền và sở hữu trí tuệ. Cụ thể các sản phẩm sau sẽ được đưa vào kế hoạch thương mại hóa trong tương lai gần:
Vật liệu nano khử khuẩn ứng dụng trong công nghiệp nuôi thủy sản (tôm, cá);
Các loại đèn tiết kiệm năng lượng sử dụng bóng LED được chế tạo bằng công nghệ nano, hệ thống chiếu sáng tự động dùng năng lượng mặt trời và đèn LED;
Pin mặt trời hiệu suất cao, chế tạo bằng công nghệ màng mỏng thân thiện môi trường;
Cổng kiểm soát tự động và cổng nhà giữ xe (parking) sử dụng công nghệ thẻ nhận dạng RFID;
Mực in nano dẫn điện dùng cho in phun;
Hệ thống cảm biến nano dùng trong quan trắc chất lượng nước, đặc biệt quan trắc môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản (tôm, cá);
Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động....
Ngoài ra, INT đã góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nano (CRAN) để phát triển sản phẩm “Rùa xanh” - Thiết bị cảm biến đo chỉ tiêu chất lượng nước nuôi thủy hải sản. Phần đóng góp của INT trong công ty này là nhân lực, công nghệ, bản quyền và sở hữu trí tuệ. Công ty đã quảng bá, tiếp thị sản phẩm “Rùa xanh” đến các khách hàng tiềm năng ở các tỉnh ĐBSCL. Đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề mua sản phẩm “Rùa xanh” và nano bạc, tuy nhiên họ yêu cầu cần phải cải tiến sản phẩm và giảm giá thành. Công ty CRAN hiện đang vẫn thiếu nhân lực giỏi quảng bá tiếp thị và nắm vững kỹ thuật nên khâu bán sản phẩm vẫn còn gặp khó khăn.
Từ năm 2017 đến nay, nhóm nghiên cứu của INT đã đi khảo sát và làm việc với các công ty, trang trại ở các tỉnh Ninh Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang để thử nghiệm, ứng dụng hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thuỷ hải sản, nano bạc khử khuẩn và tiến hành trao tặng 06 hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho các địa phương: An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long.
Hãy là người bình luận đầu tiên