Tên luận án: Hành động cầu khiến trong tiếng Hàn (có so sánh với tiếng Việt) và vấn đề ứng dụng trong dạy tiếng
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 9222024
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Vân Yên
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp - TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM
Tóm tắt nội dung luận án
Luận án đi sâu tìm hiểu các phương thức biểu hiện hành động cầu khiến trong tiếng Hàn trên ngữ liệu lời thoại phim truyền hình - một loại diễn ngôn quen thuộc, ít nhiều gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp và có đối chiếu với tiếng Việt. Dựa trên cơ sở đó, luận án đưa ra những gợi ý về phương pháp giảng dạy hành động cầu khiến cho sinh viên bằng ngữ liệu lời thoại phim truyền hình.
Những kết quả của luận án
1. Luận án đã trình bày các cơ sở lý luận có tính chất nền tảng cho việc triển khai toàn bộ nội dung luận án.
2. Trên cơ sở kết quả khảo sát, luận án miêu tả và phân tích 2 loại hành động cầu khiến trong tiếng Hàn: hành động cầu khiến trực tiếp (mục đích cầu khiến được thể hiện ngay trên bề mặt ngôn ngữ) và hành động cầu khiến gián tiếp (được thực hiện thông qua các hành động tại lời khác).
3. Dựa vào định hướng mục đích nghiên cứu trên, luận án khẳng định hành động cầu khiến là hành động nói năng xuất hiện thường xuyên trong tiếng Hàn và tiếng Việt. Hành động cầu khiến là hành động ngôn từ có mức xâm phạm thể diện cao, cả thể diện âm tính và thể diện dương tính vì tính chất của hành động cầu khiến đòi hỏi, bắt buộc, điều khiển người khác làm một việc nào đó, có nghĩa là xâm phạm quyền riêng tư, quyền tự chủ của cá nhân đối với đối tượng giao tiếp. Có nhiều yếu tố tác động đến việc hình thành hành động cầu khiến như: ngữ cảnh giao tiếp, vị thế giao tiếp, mức độ thân/sơ giữa người nói và người nghe, yếu tố văn hóa, thói quen tư duy,... Các yếu tố này đã được luận án vận dụng để phân tích, lý giải các hành động cầu khiến trong tiếng Hàn, trong sự so sánh với tiếng Việt.
4. Trong chương 2 và 3, bằng ngữ liệu khảo sát, luận án đã phân loại, miêu tả và phân tích để làm rõ các phương thức biểu hiện hành động cầu khiến phổ biến trong từng nhóm dựa trên các tham tố như mục đích giao tiếp, ngữ cảnh giao tiếp, vị thế giao tiếp giữa sp1 và sp2, mức độ lợi/thiệt khi thực hiện X, khả năng từ chối/thực hiện X,… Làm rõ tỷ lệ hành động cầu khiến trực tiếp trong so sánh với hành động cầu khiến gián tiếp. Song song đó, luận án so sánh, đối chiếu chiến lược, cách thức thực hiện hành động cầu khiến trong tiếng Hàn và tiếng Việt để tìm ra những tương đồng và dị biệt trong ngôn ngữ của hai dân tộc.
5. Trong chương 4, từ kết quả khảo sát hành động cầu khiến trong giáo trình và phim truyền hình, luận án đã đưa ra những đánh giá chung về nội dung giảng dạy hành động cầu khiến trong giáo trình dạy tiếng Hàn dành cho người nước ngoài, đưa ra những gợi ý phương pháp giảng dạy hành động cầu khiến cho sinh viên học tiếng Hàn theo mô hình dạy - học PPP (Presentation - Practice - Production).
Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể trực tiếp ứng dụng vào việc giảng dạy ngoại ngữ nói chung và giảng dạy hành động cầu khiến tiếng Hàn theo định hướng giao tiếp nói riêng, đóng góp vào việc biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Hàn như một ngoại ngữ. Bên cạnh đó, luận án cũng có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu liên quan đến vấn đề hành động ngôn từ và hành động cầu khiến.
Trong phần ứng dụng trong dạy tiếng, chúng tôi chỉ dừng lại ở những gợi ý phương pháp giảng dạy hành động cầu khiến tiếng Hàn bằng ngữ liệu phim truyền hình. Chúng tôi hy vọng cùng hướng nghiên cứu của luận án sẽ có các đề tài đi sâu hơn vào ứng dụng giảng dạy hành động ngôn từ nói chung và hành động cầu khiến nói riêng, phát triển các gợi ý ứng dụng của chúng tôi trên cơ sở điều tra khảo sát và thí nghiệm kiểm chứng.
Hãy là người bình luận đầu tiên