Tên đề tài: Hình tượng Chằn (Yak) trong nghệ thuật Đông Nam Á lục địa
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Tâm Anh
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Phan Thị Thu Hiền
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Đông Nam Á là một khu vực đa dân tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Văn hóa của vùng Đông Nam Á dù rất phong phú, đa dạng nhưng ở các quốc gia trong khu vực vẫn có sự thống nhất dựa trên những yếu tố chung của một khu vực địa lý - lịch sử - văn hóa. Vùng văn hóa ấy chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ - một trong những trung tâm văn minh nhân loại, đồng thời cũng là cái nôi của nhiều tôn giáo trên thế giới. Nhìn một cách tổng thể, hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng từ bộ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Theo tiến trình lịch sử, bộ sử thi được lưu truyền bằng nhiều ngôn ngữ và tạo ra vô số phiên bản. Thông qua Ramayana và các khía cạnh tôn giáo Bà la môn trong đời sống của cư dân Đông Nam Á, chúng tôi đặc biệt lưu tâm một hình tượng mà tiếng Việt gọi là Chằn (Yak). Hình tượng Chằn (Yak) mà chúng tôi luận bàn trong đề tài hiện diện không chỉ trong nghệ thuật tạo hình mà cả trên sân khấu biểu diễn tại các quốc gia Đông Nam Á. Khái niệm Chằn (Yak) sử dụng trong luận án là nhằm chỉ những đối tượng liên quan đến các sinh vật siêu việt, nhân vật yêu quỷ, thần linh gắn với huyền thoại bắt nguồn từ văn hóa Ấn Độ, bao gồm: Yaksha mà trong tiếng Việt gọi là Dạ xoa, Dã xoa: tiểu thần, á thần và Rakshasa - Tiếng Việt gọi là La sát – yêu quỷ: kẻ thù của anh hùng (trong sử thi Mahabharata và Ramayana).
Kết quả nghiên cứu trình bày trong luận án cho thấy qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với Ấn Độ, một số tiểu khu vực ở Đông Nam Á đã sớm tiếp nhận tôn giáo (Bà La Môn giáo và Phật giáo) và văn học cổ đại Ấn Độ, đặc biệt là tác phẩm Mahabharata và Ramayana. Theo đó, các đối tượng siêu nhiên trên đã có một quá trình chuyển hóa và trở thành hộ thần – môn thần hiện diện tại khu vực Đông Nam Á. Qua quá trình tiếp xúc văn hóa bản địa Đông Nam Á, hình tượng này trở nên đa dạng hơn trong cách thức thể hiện: vùng Java - Indonesia tạo hình vị hộ thần – môn thần quỳ; vùng Chămpa Việt Nam và Campuchia thì xu hướng đứng thể hiện phổ biến hơn. Chằn (Yak) tạo hình ở Đông Nam Á trở nên thoát tục, hình tướng trang nghiêm, oai nghi và mang tính thiêng hơn. Điểm đặc biệt trong tư duy Đông Nam Á là nhấn mạnh sự đối xứng, cân bằng nên các vị hộ thần – môn thần giai đoạn sau đa phần đều chuyển đổi dáng vẻ: kiểu đứng thẳng hoặc kiểu hai chân khuỳnh đối xứng. Trong nghệ thuật tạo hình, dưới góc nhìn Ký hiệu học, có thể thấy cái biểu đạt của Chằn (Yak) trong nghệ thuật tạo hình chính là hộ thần – môn thần; còn cái muốn biểu đạt hay lớp nghĩa sâu xa của Chằn (Yak) chính là biểu tượng cho sự gìn giữ, duy trì ổn định và hài hòa trong xã hội. Xét trên sân khấu biểu diễn, Chằn (Yak) có xu hướng đại diện cho cái ác, cho những điều xấu xa cần bị trừng phạt và tiêu diệt. Song, các nhân vật Chằn (Yak) ấy vẫn sở hữu phẩm chất thần thánh và năng lực phi phàm. Có thể thấy cái biểu đạt của Chằn (Yak) trong nghệ thuật biểu diễn chính là những kẻ hung tợn, phá hủy; còn cái muốn biểu đạt hay lớp nghĩa sâu xa của Chằn (Yak) chính là biểu tượng những điều bất thiện trong đời sống. Từ việc khảo cứu hình tượng Chằn (Yak) thể hiện trong nghệ thuật tạo hình và biểu diễn ở các quốc gia Đông Nam Á lục địa (cụ thể địa bàn nghiên cứu là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam), luận án cũng rút ra một số điểm tương đồng và khác biệt trong các biểu hiện của Chằn (Yak). Qua đó, nhận diện ra mã màu sắc chủ đạo là xanh lá cây; mã văn hóa biểu trưng của Chằn (Yak) thể hiện chính là mẫu hình mà qua đó cư dân Đông Nam Á nhận thức về thế giới xung quanh. Đó chính là mô thức về tính hài hòa, đồng điệu giữa thần linh – con người – thiên nhiên.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
Dưới góc nhìn Văn hóa học, luận án đã tổng hợp một cách hệ thống và cung cấp những quan điểm chuyên sâu về hình tượng Chằn (Yak), góp phần bổ sung minh chứng cho sự hội nhập văn hóa ở khu vực Đông Nam Á. Dựa trên những đặc điểm của hình tượng Chằn (Yak) trong nghệ thuật tạo hình và biểu diễn, luận án đã giải mã các lớp nghĩa của Chằn (Yak). Từ một đối tượng nghiên cứu cụ thể, luận án có đóng góp nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật về biểu tượng văn hóa.
2.2. Về phương diện thực tiễn
Kết quả của luận án có thể xem như bộ sưu tập cung cấp tư liệu, hình ảnh về Chằn (Yak) trong văn bản tôn giáo, sử thi, trong nghệ thuật điêu khắc, hội họa và nghệ thuật trình diễn. Kết quả của luận án là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác nghiên cứu.
3. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
NCS tự nhận xét phần nhận diện các giá trị văn hóa về Chằn (Yak) vẫn chưa thật đầy đủ trọn vẹn do phạm trù nghiên cứu khá rộng, có những vấn đề liên quan đến vũ trụ luận và triết học Phật giáo mà năng lực hiện tại của NCS chưa đủ để phân tích sâu. Đây cũng chính là khoảng trống còn bỏ ngỏ trong luận án. Một số hướng trong tương lai, công trình này có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển theo hướng mở rộng hoặc chuyên sâu như: Chằn (Yak) - Từ quan niệm vũ trụ luận đến kiến trúc tôn giáo ở Đông Nam Á, Hình tượng môn thần trong nghệ thuật Đông Nam Á.
Hãy là người bình luận đầu tiên