Tên đề tài: Ngôn ngữ các loại biển công cộng tiếng anh và tiếng việt trên bình diện ngôn ngữ học văn hóa
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 9220241
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Ngọc Trường Linh
Người hướng dẫn khao học: GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp - TS. Trần Thị Minh Phượng
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Ngôn ngữ các loại biển công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự đồng bộ, văn minh, hiệu quả khi làm công cụ không thể thiếu cho các loại hình dịch vụ và tiện ích công cộng. Đặc biệt, các loại biển công cộng tiếng Anh và song ngữ Việt-Anh còn thể hiện sự chào đón của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu một số khía cạnh về văn hóa và ngữ dụng có ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ các loại biển công cộng tiếng Anh và tiếng Việt ở các cộng đồng bản ngữ (giới hạn ở nhóm đối tượng biển báo và biển thương mại được tìm thấy tại Mỹ và Việt Nam) để phục vụ cho việc so sánh đối chiếu và ứng dụng thực tiễn giữa hai ngôn ngữ. Luận án vận dụng đường hướng nghiên cứu của Ngôn ngữ học văn hóa do Sharifian đề xuất với cơ sở lý thuyết từ nền tảng tri nhận luận để tiếp cận tri nhận văn hóa của hai cộng đồng ngôn ngữ đang xét thông qua các ý niệm hóa văn hóa được phân tích và khái quát dưới dạng các lược đồ văn hóa ngữ dụng (cách biểu đạt), phạm trù văn hóa (nội dung biểu đạt) và ẩn dụ văn hóa (phương thức biểu đạt). Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự phân hóa đáng kể giữa hai hệ thống ý niệm hóa văn hóa được mã hóa trong ngôn ngữ các loại biển công cộng ở cách biểu đạt (các hành động/sự kiện ngôn từ, đơn vị và hành động ngữ dụng), nội dung biểu đạt (các điển dạng của phạm trù) và phương thức biểu đạt (các mô hình tri nhận), phản ánh những thói quen vận dụng và tiếp nhận có tính đặc trưng ở mỗi cộng đồng ngôn ngữ. Kết quả nghiên cứu là nền tảng khoa học cho các hoạt động dịch thuật, đánh giá và đào tạo liên quan đến tương tác văn hóa trong cảnh quan ngôn ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt ở cấp độ ý niệm hóa.
2. Những kết quả của luận án
Các đóng góp về lý luận có thể được tóm tắt như sau:
Thứ nhất, luận án đã cơ bản khái quát được 48 khối ngữ dụng điển hình trong các loại biển công cộng tiếng Anh (Mỹ), 32 khối ngữ dụng điển hình trong các loại biển công cộng tiếng Việt và 38 khối ngữ dụng tương đồng trong cả hai cộng đồng ngôn ngữ. Sự phân hóa giữa các khối ngữ dụng chủ yếu diễn ra ở các đơn vị ngữ dụng (pragmemes) và các hành động ngữ dụng (practs) với những cách thức biểu đạt khác nhau về mặt cấu trúc ngữ nghĩa và cú pháp, phản ánh các đối tượng được tập trung chú ý khác nhau cho cùng một hành động/sự kiện ngôn từ đặc trưng gắn với các lược đồ văn hóa như nhau (CHỈ DẪN, NHẮC NHỞ, BẮT BUỘC, QUẢNG CÁO).
Thứ hai, luận án đã khái quát được một số nội dung biểu đạt cụ thể có tính điển hình trong ngôn ngữ các loại biển công cộng tiếng Anh (Mỹ) và tiếng Việt thông qua một số thống kê các điển dạng và tiểu phạm trù của 36 phạm trù văn hóa được mã hóa. Sự phân hóa giữa các phạm trù văn hóa được phát hiện ở các biểu thức ngôn ngữ (các điển dạng) không những khác nhau về ý nghĩa từ vựng mà còn khác nhau về ý nghĩa ngữ dụng, biểu hiện qua khả năng kết hợp với các phạm trù và lược đồ văn hóa khác nhau (có ý nghĩa khác nhau ở từng đối tượng ngữ cảnh). Sự phân hóa còn nằm ở mức độ hoạt hóa giữa các điển dạng: có biểu hiện đa dạng ở cộng đồng ngôn ngữ này nhưng có dấu hiệu hạn chế hay triệt tiêu ở cộng đồng ngôn ngữ khác.
Thứ ba, một số lý giải có tính tri nhận cho các cách thức và nội dung biểu đạt (các lược đồ và phạm trù văn hóa) trong ngôn ngữ các loại biển công cộng được khái quát bằng 12 mô hình ẩn dụ văn hóa trong tiếng Anh (Mỹ), 11 mô hình ẩn dụ văn hóa trong tiếng Việt và 4 mô hình ẩn dụ văn hóa tương đương ở cả hai cộng đồng ngôn ngữ. Sự phân hóa giữa các ẩn dụ văn hóa bắt nguồn từ sự lựa chọn các kích thích khác nhau, thuộc các chiều kích tri nhận khác nhau và cuối cùng cho ra những hình bóng khác nhau (những đối tượng như nhau song được vận dụng và tiếp nhận với những ý nghĩa rất khác nhau). Sự phân hóa trên đồng thời được luận giải từ thói quen vận dụng ngôn ngữ ở cấp độ hệ thống, từ thực tế truyền thống, lịch sử, chính trị, tâm lý và xã hội giữa hai cộng đồng ngôn ngữ đang xét.
Các đóng góp về thực tiễn ứng dụng bao gồm:
Thứ nhất, kết quả nghiên cứu của luận án là nền tảng lý luận để xây dựng một bộ nguyên tắc đánh giá nguồn gốc văn hóa của các loại biển biển công cộng (biển báo và biển thương mại) tại một khu vực địa lý có sự tương tác ngôn ngữ và văn hóa giữa tiếng Anh và tiếng Việt.
Thứ hai, từ cơ sở phân loại các nhóm ý niệm hóa văn hóa như trên, việc tạo lập và dịch thuật các loại biển công cộng cũng có nhiều lựa chọn đa dạng khác nhau ở bình diện văn hóa, tùy thuộc vào mục đích của người tạo lập văn bản (bảo tồn hay hội nhập văn hóa), đối tượng người đọc trọng tâm (người bản ngữ hay người nước ngoài) và yêu cầu của ngữ cảnh giao tiếp.
Thứ ba, luận án đã đề xuất một số mô hình giảng dạy tiếng Anh quốc tế bằng dự án tiếp cận cảnh quan ngôn ngữ hay hướng dẫn trực tiếp và gián tiếp các ý niệm hóa văn hóa từ kết quả nghiên cứu của luận án nhằm phát triển năng lực siêu văn hóa cho người học tiếng Anh tại Việt Nam, bao gồm các khả năng nhận thức, chấp nhận, đàm phán và lựa chọn giữa các dị biệt văn hóa mã hóa trong cách thức, phương thức và nội dung biểu đạt của tiếng Anh.
3. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Thứ nhất, các ý niệm hóa văn hóa trong ngôn ngữ các loại biển khẩu hiệu với mục đích cổ động trong tiếng Anh và tiếng Việt cần được khảo sát và khái quát ở các cộng đồng bản ngữ.
Thứ hai, hệ thống các trường hợp vận dụng cá biệt các loại biển công cộng có thể được thu thập và phân tích bằng các công cụ của Ngôn ngữ học văn hóa để làm rõ hơn một số điểm đặc trưng trong tri nhận văn hóa của một cộng đồng ngôn ngữ.
Thứ ba, các ý niệm hóa văn hóa mã hóa trong các loại biển công cộng cần thiết phải được khái quát và so sánh chi tiết ở từng ngữ vực cụ thể như ngôn ngữ chính quyền, ngôn ngữ người dân, ngôn ngữ doanh nghiệp, ngôn ngữ dịch vụ và ngôn ngữ an toàn lao động.
Thứ tư, việc đánh giá mức độ tương tác văn hóa tại một địa điểm cụ thể có thể được thực hiện tại các địa điểm du lịch quốc tế nhằm có những chiến lược bảo tồn hay hội nhập văn hóa phù hợp đối với việc sử dụng ngôn ngữ.
Thứ năm, một khảo sát thực nghiệm với những đề xuất tạo lập và dịch thuật các loại biển công cộng sẽ giúp phát huy tính hiệu quả và tin cậy khi vận dụng thực tế.
Cuối cùng, các phương pháp phát triển năng lực siêu văn hóa trong việc dạy và học tiếng Anh quốc tế bằng ngữ liệu cảnh quan ngôn ngữ cũng cần có thêm những nghiên cứu thực nghiệm.
Hãy là người bình luận đầu tiên