Tên đề tài luận án tiến sĩ: Xây dựng phương pháp luận và bộ chỉ thị tính toán hiệu suất sinh thái cấp tỉnh: trường hợp tỉnh Bình Dương và Đồng Nai
Chuyên ngành: Quản lý Tài nguyên môi trường
Mã số: 9850101
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đoàn Ngọc Như Tâm
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Chế Đình Lý và TS.Trương Thị Kim Chuyên
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh.
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Chỉ số hiệu suất sinh thái gồm có 3 chỉ số thành phần: phát triển kinh tế xã hội (SDI), tiêu thụ tài nguyên (RCI) và áp lực môi trường (EPI). Kết quả nghiên cứu cho thấy Đồng Nai có chỉ số SDI trung bình tốt hơn so với Bình Dương trong nhiều năm (có khác biệt thống kê). Về tiêu thụ tài nguyên, không có khác biệt thống kê giai đoạn 2005 - 2018 giữa Bình Dương và Đồng Nai. Tuy Bình Dương công nghiệp hóa mạnh hơn song áp lực môi trường (EPI) trung bình của Đồng Nai và Bình Dương không khác biệt về mặt thống kê. So sánh hiệu suất sinh thái cho thấy hiệu suất sinh thái của Đồng Nai tốt hơn Bình Dương (rất có ý nghĩa thống kê). Cả hai tỉnh có hiệu suất sinh thái đều đạt mức khá bền vững và không chênh lệch nhau nhiều.
+ Những kết quả của luận án
1. Luận án đã xây dựng thành công 03 bộ chỉ thị của ba chỉ số phụ cấu thành HSST gồm: bộ chỉ thị phát triển kinh tế xã hội với 10 chỉ thị, gồm các chỉ thị mang tính tương đối tính trên đầu người, trên ngàn dân hay trên vạn dân. Đối với bộ chỉ thị tiêu thụ tài nguyên, đã sàn lọc 12 chỉ thị sau khi đã loại trừ các chỉ thị có hiện tượng đa cộng tuyến. Riêng bộ chỉ thị áp lực môi trường, có xem xét các chỉ thị phát thải khí nhà kính, đã sàn lọc 13 chỉ thị phù hợp.
2. Các chỉ số phụ SDI, RCI và EPI đã được tích hợp thành công cho giai đoạn 2005-2018 bằng kỹ thuật phân tích nhân tố FA và phân tích thành phần chính PCA. Đã chọn 4 nhân tố đại diện, chiếm từ 98-99 % phương sai của dữ liệu, từ đó tính toán chỉ số tổng hợp SDI, RCI và EPI.
3. Áp dụng khái niệm và phương pháp luận của HSST địa phương để thực hiện tính toán và đánh giá so sánh EEI hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai giai đoạn 2005-2018 là rất phù hợp và cho các kết quả đáng khích lệ. Về mặt phát triển kinh tế xã hội, Đồng Nai có SDI trung bình tốt hơn so với Bình Dương trong nhiều năm. Về mặt tiêu thụ tài nguyên, RCI trung bình hai tỉnh là không có khác biệt trong giai đoạn nghiên cứu. Về mặt áp lực môi trường, EPI của Đồng Nai và Bình Dương không khác nhau trong giai đoạn 2005 -2018. So sánh HSST, EEI của Đồng Nai tốt hơn Bình Dương. Cả hai tỉnh có EEI đều đạt mức khá bền vững và không chênh lệch nhau nhiều.
4. Nhằm đối sánh với cách tiếp cận HSST, luận án nghiên cứu thử nghiệm về quan hệ giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường bằng phương pháp đường cong môi trường Kuznets, áp dụng vào hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Phần lớn Mô hình đường cong Kuznets môi trường nước mặt ở Bình Dương và Đồng Nai có điểm chuyển đổi chậm, đồ thị không có đỉnh nhọn, điểm chuyển đổi thường 2-3 năm, đa số trong giai đoạn 2008-2011.
So sánh giữa hai cách tiếp cận nghiên cứu theo HSST và theo đường cong Kuznets: Ưu điểm của cách tiếp cận đường cong Kuznets môi trường là khối lượng công việc ít. Nhược điểm của mô hình đường cong Kuznets là chỉ xem xét từng yếu tố môi trường, và chỉ có thể nghiên cứu ở đầu thời kỳ công nghiệp hóa, không phù hợp với giai đoạn hiện nay. Ưu điểm của cách tiếp cận HSST là xem xét kinh tế xã hội, môi trường tài nguyên toàn diện, tổng thể và có hệ thống, có thể nghiên cứu ở bất kỳ giai đoạn nào. Nhược điểm của cách tiếp cận HSST là mất nhiều công sức để xử lý dữ liệu, phải nghiên cứu nhiều biến số môi trường.
5. Từ kết quả nghiên cứu, các giải pháp cải thiện HSST cho hai tỉnh tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã được đề xuất. Để đánh giá HSST cấp tỉnh, luận án đã đề xuất khung phương pháp luận xây dựng bộ chỉ thị và tích hợp chỉ số bằng phương pháp thống kê đa biến định lượng nhằm khách quan hóa quá trình đánh giá và có thể so sánh giữa các tỉnh để giúp cho các nhà hoạch định chính sách áp dụng vào chiến lược phát triển bền vững của một tỉnh.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Qua nghiên cứu luận án, cùng với Bình Dương và Đồng Nai, các tỉnh thành khác có thể đầu tư mở rộng nghiên cứu đánh giá HSST, trong đó cần hoàn thiện bổ sung các chỉ thị chưa được nghiên cứu trong luận án như các chỉ thị ô nhiễm không khí, các chỉ thị liên quan đến kinh tế tuần hoàn, liên quan đến sức khỏe môi trường của cộng đồng dân cư.... Các tỉnh thành cần đầu tư biên soạn phần mềm tính toán tự động HSST, tự động cập nhật số liệu thống kê hàng năm, có sẵn cơ sở dữ liệu hệ số phát thải để các cơ quan chức năng, tham mưu của các tỉnh sử dụng để có thông tin hỗ trợ cho việc điều chỉnh định hướng phát triển theo hướng phát triển bền vững, có HSST ngày càng cao hơn...
Hãy là người bình luận đầu tiên