Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng lan tỏa sâu rộng, công nghệ thông tin (CNTT) đang đóng vai trò nền tảng trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả của giáo dục. Đặc biệt, tại Bình Dương – một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, giáo dục tư nhân đang chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng đối với việc ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng quản lý và giảng dạy. Phần mềm ERP quản lý thông tin và hoạt động doanh nghiệp giáo dục, do giảng viên Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP. HCM nghiên cứu và phát triển. Với hơn 7 năm ứng dụng thực tiễn tại Trung tâm ngoại ngữ Houston 123, đã chứng minh hiệu quả trong việc tối ưu hóa quản lý, giảm chi phí hành chính, và tự động hóa các quy trình vận hành.
Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công nghiệp hóa và đô thị hóa. Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp đã kéo theo sự gia tăng dân số trẻ, nhu cầu học ngoại ngữ, kỹ năng và giáo dục nâng cao tại các trung tâm tư nhân. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra các thách thức lớn: Quy mô học sinh ngày càng tăng: Khó khăn trong việc quản lý thông tin học sinh và lớp học; Chi phí vận hành cao: Do các quy trình quản lý thủ công, chưa được tối ưu hóa; Chất lượng giảng dạy chưa đồng bộ: Việc theo dõi tiến độ học tập và đánh giá chất lượng giảng dạy gặp nhiều hạn chế.
CNTT mang đến các giải pháp mạnh mẽ giúp giải quyết các vấn đề nêu trên thông qua: Số hóa dữ liệu: Lưu trữ và truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác; Tự động hóa quy trình: Giảm thiểu các thao tác thủ công, tăng hiệu suất làm việc; Phân tích thông minh: Cung cấp dữ liệu và báo cáo hỗ trợ ra quyết định quản lý chiến lược.
Phần mềm ERP do giảng viên Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP. HCM phát triển là một hệ thống tích hợp toàn diện, được thiết kế chuyên biệt cho các trung tâm giáo dục. Các tính năng nổi bật bao gồm: Quản lý thông tin học sinh: Lưu trữ thông tin cá nhân, kết quả học tập và lịch sử thanh toán; Quản lý lớp học: Theo dõi số lượng học sinh, lịch học, phân bổ giáo viên; Quản lý thu chi học phí: Tự động hóa việc thu học phí, ghi nhận và báo cáo tài chính chi tiết; Theo dõi tiến độ học tập: Báo cáo tiến độ học của từng học sinh theo thời gian thực; Chăm sóc khách hàng (CRM): Quản lý tương tác với học sinh và phụ huynh, tăng mức độ hài lòng.
Một trong những doanh nghiệp ứng dụng thành công phần mềm này là Trung tâm ngoại ngữ Houston 123, là hệ thống trung tâm ngoại ngữ và bồi dưỡng văn hóa uy tín bậc nhất tại Bình Dương hoạt động theo mô hình Afterschool Center với 9 chi nhánh ở 5 huyện thị phát triển, bao gồm: Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Phú Giáo.
Với hơn 7 năm triển khai tại trung tâm này, phần mềm ERP đã mang lại các kết quả ấn tượng: Giảm 30% chi phí hành chính: Nhờ tự động hóa các quy trình quản lý thông tin và tài chính; Tăng hiệu quả quản lý: Tất cả dữ liệu được đồng bộ hóa và dễ dàng truy cập từ các chi nhánh khác nhau, thông tin dữ liệu được đồng nhất; Cải thiện chất lượng dịch vụ: Các thông tin học sinh và phụ huynh được cập nhật nhanh chóng, chính xác. Phần mềm không chỉ giúp quản lý thông tin nội bộ mà còn hỗ trợ chia sẻ dữ liệu minh bạch với phụ huynh và học sinh thông qua các kênh trực tuyến, từ đó nâng cao niềm tin và sự hài lòng của khách hàng.
Trung tâm ngoại ngữ Houston 123 là một điển hình cho việc ứng dụng CNTT vào quản lý doanh nghiệp. Để có thể ứng dụng tốt các trung tâm giáo dục cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ như: Trang bị máy tính, máy chủ và đường truyền internet ổn định. Cài đặt các phần mềm quản lý hiện đại, thân thiện với người dùng.
Việc ứng dụng CNTT, đặc biệt là các giải pháp ERP, không chỉ giúp các trung tâm giáo dục tư nhân tại Bình Dương nâng cao hiệu quả quản lý mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Phần mềm ERP của giảng viên Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP. HCM là một ví dụ điển hình về việc sử dụng năng lực công nghệ để giải quyết các thách thức thực tiễn. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự đầu tư bài bản của các trung tâm, Bình Dương có thể trở thành một điểm sáng trong việc đổi mới giáo dục tư nhân trên cả nước.
Bài: Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Công nghệ Thông tin
Hãy là người bình luận đầu tiên