Chiều 24/11, tại TP.HCM, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM phối hợp cùng Ban đại diện cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách Khoa (BKA) tổ chức diễn đàn thường niên Công nghiệp - Đại học - Doanh nghiệp với chủ đề “Khởi đầu một nền tảng”. Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Diễn đàn thường niên Công nghiệp - Bách Khoa - Doanh nghiệp có sự tham gia của 3 diễn giả chính là ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO, Chủ tịch BKA. Diễn đàn cũng đón tiếp 40 khách mời tham gia tọa đàm trực tiếp đến từ đại diện lãnh đạo Sở Công thương trực thuộc các tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, đại diện Trường ĐH Fulbright, nhiều đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng hơn 500 khán giả tham dự trên các nền tảng trực tuyến.
Hợp tác là nhân tố thúc đẩy
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cho biết: "Mặc dù liên kết giữa Công nghiệp - Đại học - Doanh nghiệp là tất yếu và quan trọng, nhưng thực tế cho thấy luôn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức do sự khác biệt về quan điểm, lợi ích, do khoảng cách giữa lí thuyết và thực tiễn, thậm chí tiềm ẩn cả những rủi ro cho mỗi bên liên quan tới bí quyết công nghệ, bản quyền công nghiệp và sự cạnh tranh về nguồn nhân lực”.
Sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo, và xa hơn nữa thúc đẩy phát triển nền công nghiệp của quốc gia. Những hợp tác này về lâu dài sẽ dẫn tới những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, điều mà khó có thể đạt được nếu như mỗi bên đều hoạt động độc lập với nhau. Đây là một vấn đề lớn và mang tính dài hạn, đòi hỏi nhiều trí tuệ và sức lực không ngừng nghỉ của nhiều cá nhân và tổ chức.
Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, công nghiệp hoá - hiện đại hoá cần được đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu. Do đó, nhằm tăng cường liên kết 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, ông Hoài đề nghị Trường ĐH Bách Khoa, Tập đoàn THACO và các doanh nghiệp BKA phối hợp với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương để sớm xây dựng Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ phía Nam và các tỉnh lân cận.
PGS.TS Nguyễn Danh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa nhận định rằng liên kết giàu tiềm năng giữa Công nghiệp - Bách Khoa - Doanh nghiệp sẽ tạo động lực tăng cường kiểm định, tăng cường nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng quản trị số và chuyển đổi số trong giảng dạy nghiên cứu để hướng đến mục tiêu tháo gỡ vướng mắc trong hợp tác công tư.
Những tắc nghẽn và vướng mắc
Cục trưởng Cục Công nghiệp ngành công nghiệp hiện nay tại Việt Nam có một số “điểm nghẽn” trên các phương diện như nội lực, nhân lực, trình độ công nghệ, đầu tư… Trước tình hình này, Cục trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá cao sự kết hợp giữa đại học và các doanh nghiệp vì sẽ góp phần tháo gỡ được những điểm nghẽn trên.
Ông cũng cho rằng Sở Công Thương cần tham mưu cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, điều này dẫn đến việc đòi hỏi liên kết giữa Nhà trường - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp và các bên liên quan phải cải thiện những hạn chế, đồng thời nâng cao vai trò tư duy và cách tiếp cận mới. Theo đó, cần chuyển đổi từ phụ thuộc nguồn lực bên ngoài - ngoại lực - sang chủ động phát triển nội lực, cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số.
PGS.TS Nguyễn Danh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cho biết năng lực đào tạo, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và sự hài lòng của doanh nghiệp với sinh viên của trường khá cao, tuy nhiên còn tồn đọng các hạn chế cần cải thiện như năng lực ngoại ngữ và khả năng lãnh đạo. Ông cũng đề xuất mô hình hợp tác tăng cường liên kết Công nghiệp - Bách Khoa - Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy động lực phát triển trong quá trình tự chủ đại học.
Nhìn từ góc độ nhà phân tích chính sách, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường ĐH Fulbright chia sẻ về “bo mạch chủ” cho nền công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, nước ta đạt nhiều thành quả sau 3 thập niên thực hiện chính sách công nghiệp hoá, xuất hiện nhiều “cụm ngành”, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân… Ông cho rằng mục tiêu của nền công nghiệp Việt Nam cần bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, tư duy mở với tầm nhìn xa toàn cầu và đề xuất tăng chi ngân sách cho khoa học - công nghệ.
Theo TS Tuấn, chính sách không chỉ xuất phát từ Bộ Công Thương mà cần phải phối hợp các cơ quan liên quan. Ông cũng đề xuất thành lập 3 trụ cột chính sách phát triển công nghiệp, phát huy vai trò đối tác 3 bên, tạo nên kiến trúc liên minh cho nền công nghiệp mới cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.
Góc nhìn đa chiều
Tại diễn đàn, các diễn giả đã cùng chia sẻ về các khía cạnh khác nhau của việc khai thác thế mạnh hợp tác của các bên, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các đối tác trong việc khai thác này. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO, Chủ tịch BKA nhấn mạnh vai trò của công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí, điện - điện tử trong xu thế hội nhập hiện nay.
Diễn đàn đã nhận được thảo luận sôi nổi về nhiều khía cạnh của mối liên kết 3 bên Công nghiệp - Đại học - Doanh nghiệp, đặc biệt là những giải pháp như đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa nhà doanh nghiệp, nhà trường và chính quyền, thúc đẩy sự chủ động và năng lực của doanh nghiệp, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của sinh viên kĩ thuật, định hướng nền công nghiệp trong tương lai… Có các quan điểm và đề xuất kiến nghị rằng cần khẳng định vai trò của nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nhà trường và doanh nghiệp, trong đó hai bên tận dụng nền tảng và ưu điểm của nhau, cần tăng cường đầu tư cho R&D, sinh viên cần bổ sung kỹ năng cần thiết như quản lí, quản trị.
Trong đánh giá lưới điện thông minh TP.HCM, ngành điện lực cần có sự đồng hành của các trường và doanh nghiệp. Mối quan hệ “cộng sinh” giữa Công nghiệp - Bách khoa - Doanh nghiệp được nhấn mạnh, cũng như ý kiến cho rằng hợp tác và cạnh tranh tuy đối nghịch nhau nhưng hoàn toàn có thể đồng hành để thúc đẩy sự phát triển. Một số đề xuất tại diễn đàn bao gồm tập trung phát triển công nghệ và các cụm công nghiệp, các giải pháp cụ thể nâng cao đầu tư cho công nghệ, xây dựng các chương trình nghiên cứu dẫn dắt kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp, chương trình đào tạo sau khi ra trường có vai trò của doanh nghiệp…
Không chỉ dừng ở câu chuyện nguồn nhân lực chất lượng cao, quan hệ tốt đẹp giữa Công nghiệp - Đại học - Doanh nghiệp được đánh giá là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho tiến trình phát triển của mỗi bên. Doanh nghiệp kì vọng sẽ tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lực khoa học - công nghệ, nghiên cứu - phát triển từ các trường đại học, trong khi trường đại học kì vọng nhận được từ doanh nghiệp những bài học thực tiễn, những đóng góp quý báu cho chương trình đào tạo cũng như một phần kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Để đạt được những mục tiêu này, các bên đều cần những chính sách phù hợp và tích cực từ chính quyền, cơ quan quản lí.
LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên