Địa phương

Đại học và doanh nghiệp chung tay hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên – góp phần phát triển kinh tế - xã hội

  • 18/10/2024
  • Hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, mạng lưới kết nối thị trường và cơ hội thực tiễn giúp sinh viên phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Việc chia sẻ các nguồn lực như phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật và không gian làm việc giữa các trường đại học, trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm và doanh nghiệp giúp sinh viên tiếp cận công nghệ, giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên. Sự hợp tác giữa các bên không chỉ tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.

    Sinh viên hiện nay đang ngày càng quan tâm đến khởi nghiệp như một hướng đi tiềm năng sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết họ đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý và chưa có khả năng xây dựng mối quan hệ trong thị trường. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các trung tâm, vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp trong Đại học không chỉ giúp sinh viên hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp mà còn góp  phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp không chỉ là nhà tài trợ mà còn là người đồng hành quan trọng, giúp sinh viên tiếp cận những kinh nghiệm quý báu và tạo điều kiện cho họ phát triển toàn diện. Để nâng cao hiệu quả của các chương trình khởi nghiệp, cần thiết phải có sự tham gia tích cực và dài hạn của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ sinh viên và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

    Sinh viên tham gia hoạt động tại Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC)
    Sinh viên tham gia hoạt động tại Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC)

    Vai trò của doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp

    Doanh nghiệp có thể hỗ trợ tổ chức các khóa học, chương trình đào tạo và cuộc thi khởi nghiệp, từ đó giúp sinh viên trang bị kiến thức thực tiễn và phát triển kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên và thị trường, giúp   sinh viên nhận biết nhu cầu thị trường và có thể điều chỉnh dự án kinh doanh của mình theo hướng thực tế hơn. Điều này thể hiện cụ thể tại ĐHQG-HCM về việc hình thành nên Quỹ khởi nghiệp dưới sự hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Tập đoàn Tôn Hoa Sen và Tập  đoàn Liên Thái Bình Dương.

     

    Năm

    2020

    2021

    2022

    2023

    Tổng số lượng startup đã hỗ trợ

    99

    105

    110

    120

    Số lượng nhân sự làm việc cho startup

    650

    500

    530

    670

    Số lượng sinh viên thực tập tại startup

    2250

    2500

    2700

    3000

    Tổng tiền quy đổi tương ứng gói hỗ trợ khởi nghiệp

    3.450.298.000

    3.500.000.000

    3.550.000.000

    3.700.000.000

    Tổng số các dự án đã hỗ trợ tại IEC

     

    Việc doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với những ý tưởng kinh doanh sáng tạo từ sinh viên, từ đó tìm ra những giải pháp mới để phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Thêm vào đó, doanh nghiệp có thể hỗ trợ khởi nghiệp thông qua việc tài trợ vốn các dự án tiềm năng, giúp sinh viên có nguồn vốn ban đầu để phát triển ý tưởng thành sản phẩm thực tế.

    Các hình thức hỗ trợ khởi nghiệp của doanh nghiệp

    Đầu tiên, một trong những cách hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp có thể cung cấp cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên là hỗ trợ tài chính. Nguồn vốn này có thể đến dưới dạng đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, tài trợ, hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi giúp sinh viên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Với nguồn tài chính từ doanh nghiệp, sinh viên có thể dễ dàng khởi đầu hành trình khởi nghiệp mà không cần lo lắng về các chi phí ban đầu như phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường hay tiếp thị.

    Thứ hai, doanh nghiệp còn có thể cố vấn và hỗ trợ kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên thông qua các chương trình thực tập, cố vấn hoặc cộng tác. Đây là cơ hội để sinh viên học hỏi trực tiếp từ những chuyên gia trong ngành, nắm bắt được các kỹ năng quản lý và chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể mở rộng mạng lưới kết nối cho sinh viên, giúp họ tiếp cận thị trường thực tế cũng như xây dựng mạng lưới quan hệ khách hàng, đối tác tiềm năng.

    Cuối cùng, tài trợ cho các chương trình ươm tạo, đào tạo, sự kiện và cuộc thi khởi nghiệp cũng là một hình thức hỗ trợ khởi nghiệp quan trọng. Thông qua việc tổ chức hoặc tài trợ cho các chương trình này, doanh nghiệp không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên mà còn tạo ra cơ hội cho họ rèn luyện kỹ năng, phát triển ý tưởng và tìm kiếm nhà đầu tư. Những sự kiện như vậy không chỉ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp mà còn giúp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên.

    Sinh viên thuyết trình dự án tại IEC
    Sinh viên thuyết trình dự án tại IEC

    Đại học và doanh nghiệp chung tay hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên

    Việc xây dựng các chương trình hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp và các trường  đại học, trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm là một yếu tố quan trọng. Các khóa đào tạo liên kết giữa các bên sẽ giúp sinh viên tiếp cận kiến thức thực tiễn, kỹ năng quản lý và kinh nghiệm từ thực tế. Điều này không chỉ giúp sinh viên khởi nghiệp có một nền tảng  vững chắc mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực sáng  tạo và giàu tiềm năng. Thực tế, IEC đã tổ chức hệ thống các chương trình khởi nghiệp cho sinh viên theo lý thuyết về “Hành trình doanh nhân”, bao gồm các sự kiện truyền cảm hứng, hội thảo chuyên đề, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, chương trình thực tập, ươm tạo và tăng tốc. Đến nay, hằng năm IEC tổ chức hơn 100 các sự kiện, chương trình liên quan với hơn 10.000 lượt sinh viên học sinh tiếp cận và tham dự.

    Việc hợp tác giữa các trường đại học, trung tâm khởi nghiệp và doanh nghiệp để chia sẻ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò quan trọng  trong hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Các phòng thí nghiệm hiện đại tại các trường thường không được sử dụng hết công suất, trong khi sinh viên khởi nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận trang thiết bị nghiên cứu. Việc chia sẻ nguồn lực này giúp sinh

    viên tiếp cận công nghệ và thiết bị cần thiết với chi phí thấp hơn dưới sự tài trợ của doanh nghiệp, từ đó phát triển sản phẩm và thực hiện thử nghiệm thực tế. Ngoài ra, các hạ tầng kỹ thuật như dịch vụ đám mây, hệ thống máy tính và không gian làm việc chung (co-working spaces) cũng rất cần thiết cho các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Sự hợp tác giữa trường Đại học (cơ sở vật chất) và Doanh nghiệp (chi phí duy tu, bảo trì, nâng cấp) để chia sẻ hạ tầng này giúp sinh viên vượt qua rào cản kỹ thuật và phát triển dự án dễ dàng hơn, tận dụng tốt các tài nguyên sẵn có.

    Từ năm 2016, tại Khu Công nghệ phần mềm đã lập các đề án thông qua Sở Thông tin truyền thông của TP.HCM thiết lập phòng lab về IoT nhằm hỗ trợ cho các Startup về trong lĩnh vực IoT như Mimosatek, Inut Fatform, Busmap v.v…Xây dựng hạ tầng không gian làm việc chung như Co-creation Space, Magik Lab hỗ trợ cho các dự án mới từ sinh viên và giảng viên. Từ đó đã tạo ra được các Startup như Cohota, Casso, Aircity, My Aloha, Rfthing, Gcall, Funimart, Shub v.v

    Bài: ThS. Lê Nhật Quang, Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên