Ngày 03/4/2025, Giám đốc ĐHQG-HCM đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045” nhằm cụ thể hóa chủ trương thực hiện nhanh, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo đó, một trong những lý do quan trọng giải thích Việt Nam đến nay chưa làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ nền là do chúng ta chưa thực sự coi trọng và phát triển khoa học cơ bản (KHCB). KHCB đóng vai trò nền tảng trong phát triển các công nghệ mới. Nghiên cứu cơ bản là điểm khởi đầu trong chuỗi nghiên cứu khoa học, từ khám phá đến ứng dụng và sản xuất. Tuy nhiên, đầu tư cho KHCB đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài. Dù đóng vai trò quan trọng, các ngành KHCB trong những năm gần đây đang dần mất đi sức hút, với số lượng thí sinh đăng ký theo học và điểm chuẩn đầu vào ngày càng giảm, trong khi Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 thế giới về thành tích Olympic quốc tế giai đoạn 2015-2024 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học… Nguyên nhân chính xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của KHCB. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, chưa tạo được động lực đủ mạnh để thu hút sinh viên tài năng; triển vọng nghề nghiệp đối với các ngành KHCB chưa thực sự hấp dẫn, thường có thu nhập không cao, công việc lại đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, cống hiến lớn. Những yếu tố này khiến ngày càng ít sinh viên lựa chọn theo đuổi con đường KHCB, tạo ra thách thức không nhỏ cho sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia. Để có những đột phát về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì trước tiên cần phát triển KHCB để tạo nền tảng vững chắc. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường tiềm lực quốc gia. Các kết quả của KHCB là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Đó chính là nòng cốt của sự phát triển bền vững của đất nước.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM có quy mô lớn nhất cả nước, bao gồm 08 trường đại học, 01 viện nghiên cứu thành viên, với đội ngũ khoảng 1.600 tiến sĩ trong đó bao gồm 350 giáo sư, phó giáo sư.
ĐHQG-HCM hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế, về số lượng các chương trình được kiểm định quốc tế; luôn đứng trong tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, tốp 200 trường đại học hàng đầu châu Á và có 15 ngành đào tạo thuộc tốp 500 thế giới theo Bảng xếp hạng QS. Nhiều ngành trong lĩnh vực KHCB của ĐHQG-HCM được xếp hạng cao trên thế giới như Toán học (tốp 301-350), Vật lý & Không gian (tốp 501-550), Hoá học (tốp 601-650), Khoa học môi trường (tốp 401-450), Chính trị và Nghiên cứu quốc tế (tốp 301-400), Ngôn ngữ (tốp 251-300).
Mỗi năm, ĐHQG-HCM cung cấp khoảng gần 20.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ trong hầu hết tất cả các lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Vùng ven biển và Nam Trung Bộ; nhiều doanh nhân thành đạt, nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trong và ngoài nước đã trưởng thành từ đây.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đưa nghiên cứu khoa học cơ bản trở thành nền tảng phát triển kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia, ươm mầm nhân tài khoa học, là tiền đề cho các phát minh và làm chủ công nghệ chiến lược, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam.
Một số chỉ tiêu quan trọng của Chương trình trong giai đoạn 2025-2030 bao gồm: đào tạo được khoảng 1.000 cử nhân, kỹ sư tài năng, 600 thạc sĩ, 300 tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học cơ bản; 36.000 cử nhân, kỹ sư; 3600 thạc sĩ; 600 tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ; Mời được 300 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành, 100 giáo sư thỉnh giảng từ các trường đại học, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; Công bố trên 20.000 bài báo khoa học lĩnh vực KHCB và các lĩnh vực liên quan trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; Các nhóm nghiên cứu về Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, khoa học môi trường, kinh tế, quản lý, ngôn ngữ học; Các trung tâm xuất sắc về Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ chip-bán dẫn, Công nghệ sinh học-y sinh, Công nghệ vật liệu tiên tiến, Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo đạt trình độ tiên tiến hàng đầu khu vực và thế giới đạt trình độ tiên tiến hàng đầu khu vực và thế giới;
Giải pháp phát triển KHCB tại ĐHQG-HCM dựa trên 3 trụ cột chính đó là: (1) Phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học; (2) Tích hợp nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo; (3) Xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, đồng bộ với chuyển đổi số;
1. Phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học
- Miễn học phí, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên tài năng, người học sau đại học theo học các ngành khoa học cơ bản;
- Thu hút và tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành đến làm việc tại ĐHQG-HCM;
- Đột phá đổi mới chương trình đào tạo các ngành KHCB gắn với các công nghệ chiến lược; cho phép các tài năng trẻ học theo lộ trình riêng;
- Phát triển kho học liệu số cho các lĩnh vực KHCB;
- Nâng cao năng lực giảng dạy các môn toán và khoa học (STEM) cho giảng viên đại học, giáo viên phổ thông; tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM cho học sinh, sinh viên.
2. Tích hợp nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo
- Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về toán học gắn với các công nghệ chiến lược như: Trí tuệ nhân tạo và học máy; Công nghệ tài chính và phân tích dữ liệu; Công nghệ blockchain; Mật mã học và an ninh mạng…
- Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý gắn với các công nghệ chiến lược: Công nghệ chip bán dẫn, Vật liệu điện từ, điện tử và quang tử; Lưu trữ và chuyển hóa năng lượng;
- Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về hóa học gắn với các công nghệ chiến lược: Công nghệ y và dược phẩm; Công nghệ vật liệu tiên tiến; Công nghệ năng lượng và môi trường; Công nghệ thực phẩm; Công nghệ dầu khí và hóa dầu; Công nghệ điện tử và pin;
- Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về sinh học gắn với các công nghệ chiến lược: Công nghệ gen; Công nghệ tế bào gốc; Công nghệ vắc-xin và dược phẩm sinh học; Công nghệ xét nghiệm sinh học; Công nghệ sinh học thực vật; Công nghệ sinh học chăn nuôi;
- Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực Khoa học trái đất, Khoa học biển gắn với các công nghệ chiến lược: Công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý; Công nghệ dự báo thiên tai và biến đổi khí hậu; Công nghệ khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên; Công nghệ quan trắc và bảo vệ môi trường; Công nghệ năng lượng tái tạo; Công nghệ nghiên cứu biển và đại dương; Công nghệ địa kỹ thuật và kỹ thuật xây dựng;
- Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực khoa học xã hội, bao gồm Triết học, Xã hội học, Tâm lý học, Kinh tế học, Ngôn ngữ học, Nhân học, Khoa học chính trị, Lịch sử, Địa lý, Luật, Truyền thông;
- Phát triển các trung tâm xuất sắc về các công nghệ chiến lược, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, Chip-bán dẫn, Công nghệ sinh học-y sinh, Công nghệ hóa dược, Công nghệ vật liệu, Năng lượng hạt nhân và Năng lượng tái tạo;
- Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia.
3. Xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, đồng bộ với chuyển đổi số
- Thành lập trung tâm dữ liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản;
- Thành lập 3 phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu về Vật lý, Hóa học, Sinh học;
- Thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu liên ngành.
Hiệu quả kỳ vọng
Chương trình nhằm cụ thể hóa các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo những cơ chế và điều kiện thuận lợi để ĐHQG-HCM tiệm cận nhanh và vững chắc đến mục tiêu trở thành một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á (tốp 100).
Với những đầu tư và cơ chế triển khai có được từ Chương trình, ĐHQG-HCM sẽ tăng cường thu hút và phát triển được đội ngũ nhà khoa học trong lĩnh vực KHCB và khoa học liên ngành có trình độ cao hợp tác cùng nhau; tuyển chọn và tạo điều kiện phát triển các học sinh, sinh viên và học viên cao học, nghiên cứu sinh tài năng trong lĩnh vực KHCB và khoa học liên ngành nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ lõi. Cùng với đó, việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc thuộc lĩnh vực KHCB và khoa học liên ngành nhằm vận dụng một cách tối đa tiềm năng và lợi thế của ĐHQG-HCM trong việc giải quyết các vấn đề nghiên cứu mang tính cơ bản và liên ngành, phối hợp chuyên gia từ nhiều đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng giải các bài toán đa ngành, đa lĩnh vực từ thực tế; phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh đã đề ra trong Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Hãy là người bình luận đầu tiên