Tin tổng hợp

Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ thảo luận hợp tác ĐHQG-HCM về vi mạch

  • 26/04/2024
  • Sáng 26/4, tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM đã diễn ra buổi làm việc giữa đại diện Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ với ĐHQG-HCM. Ông Ramin Toloui - Trợ lý Ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, dẫn đầu đoàn công tác.

    Toàn cảnh buổi làm việc giữa đại diện Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ và ĐHQG-HCM.

    Đại diện đón tiếp đoàn có TS Bùi Thị Hồng Hạnh - Trưởng ban Ban Đối ngoại và Phát triển dự án ĐHQG-HCM, PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, PGS.TS Nguyễn Lưu Thuỳ Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM, PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ ĐHQG-HCM kiêm Phó Trưởng ban Ban Đào tạo ĐHQG-HCM, PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Phó Trưởng ban Ban Đào tạo.

    Đoàn công tác đã tham quan trung tâm dữ liệu (data center) tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Đoàn cũng tham quan triển lãm thành tựu nghiên cứu của ĐHQG-HCM trong lĩnh vực AI và giao lưu với sinh viên các trường thành viên ĐHQG-HCM đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi quốc tế về AI.

    Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch, trí tuệ nhân tạo (AI)... Đại diện Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tìm hiểu sâu hơn về những cách thức và chính sách mà ĐHQG-HCM tuyển sinh, tuyển dụng, bồi dưỡng và hỗ trợ nhân tài.

    Ông Ramin Toloui - Trợ lý Ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vận hành Quỹ An ninh và Đổi mới Công nghệ Quốc tế (ITSI) được thành lập bởi Đạo luật CHIPS (CHIPS Act of 2022). Sáng kiến này thúc đẩy năng lực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP) tại các quốc gia đối tác của ITSI ở châu Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tăng cường chuỗi cung ứng linh hoạt cho các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ.

    Việt Nam là một trong những quốc gia đối tác của quỹ này. Theo ông Ramin Toloui, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như ĐHQG-HCM có vai trò lớn trong việc thu hẹp các lỗ hổng về nhân lực các ngành công nghệ cao.

    Lãnh đạo Ban Đào tạo cho biết ĐHQG-HCM đã phát triển các chương trình đào tạo về vi mạch. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM cũng xây dựng các khóa đào tạo ngắn dành cho người học chuyển tiếp từ lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật liên quan sang lĩnh vực vi mạch. Theo PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, một lợi thế là Khu Đô thị ĐHQG-HCM nằm lân cận nhà máy của Intel tại Việt Nam, Khu Công nghệ cao TP.HCM.

    Bà Anne Benjaminson, Quyền Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, đánh giá ĐHQG-HCM là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về các cơ hội hợp tác trong tương lai.

    Ông Ramin Toloui - Trợ lý Ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhận định các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như ĐHQG-HCM có vai trò quan trọng.
    Đoàn công tác tham quan trung tâm dữ liệu (data center) tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin.
    Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng các đại diện của ĐHQG-HCM và sinh viên đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi quốc tế.

    Tin, ảnh: LÊ HOÀI

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên