Tin tổng hợp

Nhà khoa học ĐHQG-HCM đề xuất giải pháp triển khai Nghị quyết số 57 cho tỉnh Đồng Tháp

  • 20/03/2025
  • Ngày 20/3, tại trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, ĐHQG-HCM và Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp đồng tổ chức “Hội nghị thảo luận giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Giám đốc ĐHQG-HCM PGS.TS Vũ Hải Quân và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong đồng chủ trì hội nghị.

    PGS.TS Vũ Hải Quân đề xuất thực hiện chương trình nghiên cứu chung với tỉnh Đồng Tháp.

    Vai trò đồng hành của ĐHQG-HCM là rất quan trọng

    Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết cơ cấu kinh tế của Đồng Tháp là nông nghiệp và là dư địa tiềm năng để đưa khoa học, công nghệ (KHCN), chuyển đổi số (CĐS), đổi mới sáng tạo (ĐMTS) vào ứng dụng, phát triển. Các ứng dụng này sẽ giúp nông nghiệp của tỉnh trở thành trụ cột thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực kinh tế khác.

    “Với định hướng này, buổi làm việc hôm nay sẽ khởi đầu cho các hợp tác cụ thể về KHCN, CĐS, ĐMST giữa ĐHQG-HCM và Đồng Tháp, để giúp Đồng Tháp thực hiện các mục tiêu phát triển của mình”, ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

    Đặt vấn đề về ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), ông Lê Quốc Phong cho rằng 5 lĩnh vực chủ lực của nông nghiệp Đồng Tháp là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và sen. Tuy nhiên đối với việc chế biến sau thu hoạch, Đồng Tháp vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của các lĩnh vực này. Chẳng hạn, cá tra của tỉnh đã được tận dụng từ cung ứng nguyên liệu tươi đến thực phẩm ăn ngay nhưng tỉnh có thể khai thác thêm ở cá tra như thế nào? Hoặc cây sen, một sản phẩm truyền thống có giá trị kinh tế của tỉnh, ngoài là một dược liệu quý tỉnh có thể phát huy thêm giá trị gì về cây sen?

    Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu mở đầu hội nghị.

    Ông Phong cũng cho biết Tổng bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu đến năm 2030 tỉnh dẫn đầu về nông nghiệp thông minh của đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2045 phát triển các ngành kinh tế mới dựa trên nội lực của tỉnh như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Bài toán đặt ra cho tỉnh là nên tiếp cận như thế nào, bắt đầu từ đâu? Vai trò đồng hành hợp tác, hỗ trợ của ĐHQG-HCM là rất quan trọng trong việc cùng tỉnh giải quyết những bài toán này.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Đồng Tháp là địa phương thứ hai sau TP.HCM ĐHQG-HCM đồng hành cùng triển khai thực hiện Nghị quyết số 57. Thông qua Hội nghị, ĐHQG-HCM mong muốn đóng góp cho tỉnh nhà, bổ sung thêm những góc nhìn của các nhà khoa học bên cạnh góc nhìn của các nhà quản lý của tỉnh về công tác CĐS, KHCN, ĐMST.

    “Tỉnh Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho ĐHQG-HCM thực hiện đúng sứ mệnh của mình là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Đến Đồng Tháp là trách nhiệm của ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM đã nghiên cứu kỹ chương trình hành động của tỉnh cũng như đối sánh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam bộ. Qua đó, ĐHQG-HCM sẽ có những đề xuất hợp tác cụ thể, đáp ứng nhu cầu của tỉnh”, ông Quân nhấn mạnh.

    Thống nhất cao với các đề xuất của ĐHQG-HCM

    GS.TS Trần Linh Thước kiến nghị xây dựng trung tâm nghiên cứu cơ bản về nông nghiệp công nghệ cao.

    Theo GS.TS Trần Linh Thước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo ĐHQG-HCM, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng lại thiếu các trung tâm nghiên cứu cơ bản để làm chủ giống.

    Ông Thước đề xuất tỉnh có thể xây mới hoặc dựa trên sự kết hợp của các đơn vị như Trường ĐH Đồng Tháp, ĐHQG-HCM, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II để xây dựng trung tâm nghiên cứu cơ bản về chỉnh sửa bộ gen kết hợp di truyền phân tử… nhằm ươm tạo sản xuất giống. Từ đó, trung tâm sẽ cung cấp giống chuẩn cho các đơn vị sản xuất. Ngoài ra, trung tâm này sẽ đảm nhận công tác bảo tồn nguồn gen để phát triển cây giống, con giống.

    Trong khi đó, GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho rằng, vấn đề nghiên cứu cơ bản về cây giống, con giống là vấn đề chung của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh có thể chia sẻ nguồn lực chung để cùng phát triển. Đối với tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu của tỉnh là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, tỉnh phải xây dựng các chính sách tạo ra hạ tầng công nghệ và các tiềm lực KHCN chứ không đặt nguồn lực vào việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản.

    GS.TS Mai Thanh Phong đề xuất tỉnh cần xây dựng các chính sách tạo ra hạ tầng công nghệ nhằm thu hút doanh nghiệp.

    Ông Phong cũng lưu ý, tỉnh cần có chính sách thu hút nhân tài là các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời việc thu hút nhân tài không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công mà còn trong lĩnh vực tư.

    GS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết dựa trên kinh nghiệm hợp tác với Đồng Tháp trước đó cũng như thực hiện các đề án du lịch NNCNC ở Bình Dương gần đây, nhà trường có thể đồng hành xây dựng các mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái tại tỉnh.

    Cụ thể, Trường ĐH KHXH&NV sẽ hợp tác cùng tỉnh xây dựng đề án mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái ở Làng hoa Sa Đéc. Theo đó, mô hình kiểu mẫu này ngoài giúp làng hoa thể hiện sự vượt trội về kinh tế nông nghiệp còn có thể phát triển thêm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, du lịch NNCNC…

    GS.TS Ngô Thị Phương Lan đề nghị hợp tác cùng tỉnh xây dựng đề án mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái.

    Chia sẻ với đề xuất của GS.TS Trần Linh Thước, PGS.TS Trần Cao Vinh, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển giống giữ vai trò vô cùng quan trọng về mặt dài hạn đối với việc phát triển NNCNC của tỉnh. Điều này đòi hỏi sự đồng hành giữa địa phương và ĐHQG-HCM để sử dụng tối ưu nguồn lực của nhà nước. Theo đó, ĐHQG-HCM là nơi cung cấp các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về giống cây trồng và địa phương sẽ là nơi triển khai thực tiễn.

    PGS.TS Trần Cao Vinh cho rằng phát triển giống giữ vai trò quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao dài hạn của tỉnh.

    Đề xuất về việc xây dựng nguồn nhân lực NNCNC, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM kiến nghị tỉnh Đồng Tháp cần đào tạo định hướng cho học sinh lựa chọn các ngành liên quan các môn học khoa học cơ bản (STEM). Những em học sinh này sẽ nguồn nhân lực chủ lực trong tương lai để thực hiện NNCNC. Đồng thời, ĐHQG-HCM sẽ hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về AI, STEM và phối hợp 3 bên giữa ĐHQG-HCM, trường đại học và doanh nghiệp của tỉnh cùng UBND tỉnh để xây dựng các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

    GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết thêm, định hướng phát triển NNCNC của tỉnh Đồng Tháp hoàn toàn phù hợp với chương trình trọng điểm về công nghệ sinh học của ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM sẵn sàng đồng hành xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên quan lĩnh vực công nghệ sinh học để giúp tỉnh nghiên cứu các ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng.

    GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đồng Tháp hoàn toàn phù hợp với chương trình trọng điểm về công nghệ sinh học của ĐHQG-HCM.

    Hội nghị còn lắng nghe các đề xuất từ phía ĐHQG-HCM về chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, y tế, môi trường; ứng dụng chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho tỉnh Đồng Tháp.

    Phát biểu kết luận hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết đối với các vấn đề tỉnh Đồng Tháp đã nêu ra, ĐHQG-HCM sẽ tập hợp các chuyên gia trả lời tất cả câu hỏi, chậm nhất là ngày 25/3 để gửi về cho tỉnh.

    Ông đề nghị tỉnh Đồng Tháp phối hợp giữa ĐHQG-HCM và Trường ĐH Đồng Tháp tổ chức bình dân học vụ số để tạo kiến thức nền tảng về công nghệ số cho nguồn nhân lực của tỉnh.

    Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực, PGS.TS Vũ Hải Quân mong tỉnh quan tâm thêm về sinh viên đang theo học tại ĐHQG-HCM. Theo đó, tỉnh sẽ có thêm chương trình rà soát nắm bắt tình hình để hỗ trợ, tạo điều kiện học tập cho các em.

    Hiện tại, ĐHQG-HCM tham gia đào tạo bác sĩ cho tỉnh Đồng Tháp với khoảng 20 bác sĩ. ĐHQG-HCM mong muốn hệ thống bệnh viện của tỉnh phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho các sinh viên này thực tập tại bệnh viện của tỉnh. Sau khi các em tốt nghiệp, tỉnh sẽtạo điều kiện công tác cho các em làm việc tại hệ thống bệnh viện của tỉnh nhằm phục vụ lại cho tỉnh.

    Đồng thời, PGS.TS Vũ Hải Quân mong tỉnh Đồng Tháp chọn một doanh nghiệp, cùng ĐHQG-HCM, Trường ĐH Đồng Tháp xây dựng chương trình nghiên cứu chung gắn với nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên. Chương trình này hứa hẹn tạo đột phá, chẳng hạn về NNCNC với nguồn đầu tư bài bản, định hướng sản phẩm cụ thể. Đây sẽ là mô hình tiên phong 3 nhà doanh nghiệp - đại học - nhà nước thực hiện Nghị quyết số 57 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

    Ông Lê Quốc Phong cho biết, từ các đề xuất của ĐHQG-HCM tại hội nghị, tỉnh sẽ viết lại chương trình hành động theo hướng có trọng điểm hơn, lộ trình cụ thể hơn và mang tính khả thi cao hơn.

    Tỉnh hoàn toàn thống nhất cao với các đề xuất của ĐHQG-HCM. Trong tháng 3 này, tỉnh sẽ xúc tiến việc ký thỏa thuận và thực hiện một chương trình nghiên cứu chung như đề xuất của ĐHQG-HCM.

    Toàn cảnh hội nghị.

     

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên