Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM còn nhiều tiềm năng phát triển

  • 11/04/2022
  • Đó là nhận định chung của các đại biểu trong chương trình gặp mặt giữa ĐHQG-HCM và cộng đồng doanh nghiệp tại nhà Điều hành ĐHQG-HCM, chiều 9/4.

    Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo tại Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM.

    Chương trình với chủ đề “Doanh nghiệp và Đại học: Hành trình kết nối - hợp tác - phát triển” do ĐHQG-HCM tổ chức nhằm tăng cường sự kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp, cùng hợp tác phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục và cộng đồng. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự.

    Nhiều dự án cần hợp tác công tư

    Phát biểu mở đầu, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đề cập kết quả khảo sát gần 40 ngàn sinh viên ĐHQG-HCM về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ông cho biết hơn 60% hộ gia đình của những sinh viên này có ít nhất một nguồn thu nhập bị ảnh hưởng và hơn 60% sinh viên lo lắng về việc đóng học phí.

    “Có thể hiểu được sự lo lắng này của các em khi quá trình tự chủ đại học đang diễn ra, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm, học phí gia tăng. Làm thế nào để những khó khăn đó không là rào cản ngăn bước các em tới giảng đường là một câu hỏi lớn và khó” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.

    Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết thêm, thời gian qua ĐHQG-HCM nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và đã dùng khoản tài trợ này cho việc bảo lãnh sinh viên vay 0% lãi suất; cấp học bổng cho sinh viên và học viên sau đại học; khen thưởng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học, giảng dạy xuất sắc cũng như tài trợ cho dự án nghiên cứu tiềm năng…

    Đề cập Kế hoạch Chiến lược của ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh ĐHQG-HCM sẽ tập trung 3 nhóm chiến lược đột phá để ưu tiên đầu tư nguồn lực: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học; Xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học và Xây dựng khu đô thị đại học xanh, thông minh, bản sắc. Các chiến lược này sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030 đứng trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu châu Á của ĐHQG-HCM.

    PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy - Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính ĐHQG-HCM, cho biết để giảm sức ép đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn kinh tế khó khăn, ĐHQG-HCM khẩn trương đẩy mạnh công tác kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa bằng các phương thức đầu tư PPP, liên doanh liên kết. Đây là các phương thức phù hợp và cấp thiết khi luật đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực.

    Theo ông Thụy, các dự án đang được ĐHQG-HCM kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư như: Trường Đại học Sức khỏe (nâng cấp từ khoa Y) và bệnh viện ĐHQG-HCM (theo mô hình Trường - Viện) nhằm khám chữa bệnh, nghiên cứu và thực hành, đảm bảo nhu cầu dạy và học cho sinh viên Khoa Y và nhu cầu khám chữa bệnh của ĐHQG-HCM và người dân; khu hồ cảnh quan phục vụ các hoạt động sinh hoạt ngoài trời cho sinh viên; khu trung tâm thể dục thể thao; nhà công vụ (khu tiếp theo); xây dựng thêm 2 khối nhà ở Khu Công nghệ phần mềm; trung tâm nghiên cứu tiên tiến - đổi mới sáng tạo (với hình thức mời gọi các doanh nghiệp cùng hợp tác khai thác, sử dụng)…

    Điều kiện tăng trưởng rất lớn

    PGS.TS Vũ Hải Quân trao bổng cho các nghiên cứu sinh vào đầu tháng 4. Đây là đợt trao học bổng do doanh nghiệp tài trợ 1,5 tỷ đồng.

    Ông Giang Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Becamex IDC - cho biết đã đồng hành ĐHQG-HCM trong nhiều năm thông qua UBND tỉnh Bình Dương với vai trò phát triển nguồn nhân lực, kết nối doanh nghiệp và đầu tư hạ tầng. Ông kỳ vọng trong giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều hợp tác sâu rộng hơn với ĐHQG-HCM.

    Ông Lê Như Thạch - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng BCONS, cho biết tập đoàn này sẽ tài trợ 2 tỷ/năm liên quan các hoạt động về quỹ học bổng nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM trong vòng 5 năm tới. Ông cũng khẳng định các dự án xây dựng nêu trên sẽ được ông cùng hội đồng quản trị công ty thảo luận và nghiên cứu sâu hơn để tham gia đầu tư hỗ trợ ĐHQG-HCM.

    Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, ĐHQG-HCM sẽ là trung tâm giáo dục đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao lớn nhất trong trục kết nối phát triển giữa TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên tính kết nối giữa ĐHQG-HCM với các khu chế xuất, khu công nghệ cao, tức giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất chưa cao, do đó chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của hệ thống đại học này.

    “Điều kiện tăng trưởng và phát triển của ĐHQG-HCM là rất lớn vì nó được tính trong không gian chung của Thủ Đức, TP.HCM và các khu vực lân cận. Khi kết nối phát triển Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, TP Thủ Đức chính là điểm trung tâm của sự kết nối này và ĐHQG-HCM là trung tâm đào tạo lớn nhất. Do đó, ĐHQG-HCM cần sớm phối hợp với TP.HCM và TP Thủ Đức rà soát lại và xây dựng mới đề án quy hoạch để phù hợp với xu thế phát triển chung của hai thành phố này” - ông Hiếu đánh giá.

    Đề cao sự hợp tác giữa ĐHQG-HCM và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng trong sự phát triển của ĐHQG-HCM sẽ luôn có sự chung tay đầu tư công và tư. Bên cạnh những đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ông Trương Tấn Sang đề nghị phần đầu tư ở lĩnh vự tư, tức dành cho khối doanh nghiệp cần được ĐHQG-HCM và các doanh nghiệp thảo luận cụ thể, chi tiết về các nội dung có thể hợp tác phát triển.

    Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng lưu ý để khai tác tối đa tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp, ĐHQG-HCM cần đảm bảo về cơ chế hợp tác phù hợp với pháp luật hiện hành, đảm bảo sự vận hành hợp lý, cùng có lợi giữa đôi bên và tạo sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư.

    Tại chương trình, ban tổ chức đã công bố số tiền 30 tỷ đồng của 3 doanh nghiệp tài trợ ĐHQG-HCM để hỗ trợ phát triển hoạt động nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và hoạt động nghiên cứu khoa học trong 5 năm.

    PHIÊN AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên