Khoa học công nghệ

Giảng viên ĐHQG-HCM là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đoạt giải Tạ Quang Bửu

  • 18/05/2022
  • Sáng 18/5, tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu - giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM - vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022. Cô Nguyễn Thị Lệ Thu là một trong hai nhà khoa học trên cả nước được nhận giải thưởng này.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu.

    PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu - Khoa Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách Khoa  ĐHQG-HCM, là tác giả chính của đề tài “Tailoring the Hard−Soft Interface with Dynamic Diels−Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature”.

    Cô Lệ Thu cho biết, Nội dung công trình nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyuretan có cơ tính cao đồng thời kết hợp được tính năng ‘tự lành’ vết rạn nứt và vết cắt, nhờ vào cấu trúc phân tử chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại vị trí bề mặt phân pha.

    “Đối với các công trình nghiên cứu trước đây trên thế giới, vật liệu polyuretan trên cơ sở liên kết thuận nghịch Diels-Alder đều có cơ tính thấp hoặc chỉ có thể “tự lành” ở nhiệt độ cao (110-180 độ C). Hệ vật liệu nghiên cứu trong công trình này là vật liệu polyuretan trên cơ sở liên kết Diels-Alder được công bố đầu tiên trên thế giới cho thấy có tính năng “tự lành” tốt ở nhiệt độ dịu nhẹ (60-70 độ C) mà vẫn đảm bảo có cơ tính cao” - PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu giải thích.

    Cô cũng chia sẻ Giải thưởng Tạ Quang Bửu là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với các nhà khoa học nói chung. Đặc biệt với điều kiện nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học trẻ, trong đó có các nhà khoa học nữ sẽ được khích lệ để theo đuổi đam mê trong nghiên cứu khoa học.

    TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia, Kushiro College, Kushiro, Nhật Bản - cho biết: "Công trình của PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu triển khai theo một hướng rất hay là phát triển tính năng tự lành (self healing) và nâng cấp cơ tính của PU composite theo cơ chế D-A. Vật liệu PU khá bền và rẻ, có thể tổng hợp từ nhiều nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng như dầu cọ, dầu ăn… nên tốt cho môi trường. Có thể nói, đây là bài tiên phong trong xu hướng vật liệu PU composites tự lành, một hướng rất có tiềm năng ở Việt Nam. Có lẽ bài hoàn toàn từ trong nước nên chưa được quan tâm đúng mức nhưng tôi nghĩ, lượng trích dẫn sắp tới sẽ còn tăng nhiều”.

    Đây là lần thứ hai nhà khoa học của Trường ĐH Bách Khoa được nhận giải thưởng danh giá này. Trước đó, GS Phan Thanh Sơn Nam nhận giải vào năm 2017.

    Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng danh giá hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ trao cho tác giả của các công trình khoa học xuất sắc được thực hiện tại Việt Nam và công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển.

    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên