Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Hãy tin vào tài năng và sức mạnh của tuổi trẻ*

  • 18/11/2022
  • Mùa tựu trường năm 1964, GS.TS Mai Trần Ngọc Tiếng - Khoa trưởng Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (tiền thân của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM ngày nay), đã có Đôi lời nhắn nhủ nồng nhiệt và sâu sắc đến toàn thể sinh viên trong trường. Đôi lời nhắn nhủ ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

    Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Website ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu bài phát biểu của GS.TS Mai Trần Ngọc Tiếng để quý bạn đọc cùng suy ngẫm về nghề giáo xưa và nay.

     

    “Các em sinh viên thân mến,

    Nhân dịp tựu trường năm nay, tôi thay mặt toàn thể nhân viên giảng huấn, kỹ thuật và hành chính, gởi đến các em lời chào thân ái và khích lệ.

    Tôi hân hoan chào đón các hội viên mới của năm nay vào đại gia đình Khoa Học. Hẳn các em còn dáng bỡ ngỡ trước cổng trường. Hẳn các em sẽ thấy khó khăn không ít trong việc chọn ngành và chọn nghề mai sau.

    Các em hãy an lòng: nhà trường đã đặc biệt chú tâm đến điểm ấy. Ngoài việc cố gắng hướng dẫn các em, như sẽ được trình bày trong tờ nội san này, nhà trường còn dành mọi dễ dãi cho các em trong việc đổi ngành, trong sự thích nghi hay sự chuyển hướng mới. Tuy vậy, các em hãy suy nghĩ chín chắn, cân nhắc kỹ lưỡng để định đoạt lấy tương lai của chính mình và phần đóng góp của mình cho xã hội ngày mai. Lại nữa, đại học, với những nguyên lý tự do, với các tư tưởng cởi mở của nó sẽ là một thử thách lớn lao cho những người vừa rời khỏi sự ràng buộc gắt gao của trung học. Hơn bao giờ hết, các em phải kịp thời tạo cho mình một nghị lực vững bền chống lại sự lười biếng, tính vô kỷ luật và mọi cám dỗ thấp hèn khác. Các em phải kịp thời luyện cho mình một kỷ luật tự giác thật cao, các phán đoán sắc bén và vô tư, một lý tưởng không bao giờ lay chuyển được. Như vậy, các em mới mong trở thành một nhà khoa học sau này.

    Tôi cũng không quên ngợi khen mọi nỗ lực khiêm tốn và liên tục của các sinh viên đã có học qua một đôi năm với nhà trường. Tôi luôn luôn khích lệ các em ấy cố gắng hơn nữa, với những kinh nghiệm sẵn có, để tiến bộ thêm về đức và trí dục. Tôi cũng khuyên các em ấy hãy vui lòng giúp các bạn mới nhập trường để họ kịp tiến với các em.

    Nghĩ đến các sinh viên sắp ra trường cuối năm học này, tôi vừa buồn vừa vui. Buồn vì các em sẽ phải xa trường học, xa lớp, xa bạn, xa thầy. Nhưng vui vì các em sẽ đem chí bình sinh, tài thao lược ra xây đắp xứ sở thân yêu của chúng ta: không còn điều gì làm cho ban giảng huấn và riêng tôi, đẹp dạ cho bằng. Tuy thế, chắc chắn các em sẽ không xa hẳn ngôi trường yêu dấu. Các em hãy hứa rằng luôn luôn liên lạc với trường, theo dõi và giúp đỡ sự sinh hoạt hay tiếp tục việc khảo cứu của trường. Các em cũng đừng quên những đàn em tốt nghiệp sau các em.

    Tôi cũng không quên chào mừng các sinh viên từ những phân khoa khác đến tu nghiệp ở Trường Khoa học Sài Gòn, trong quá khứ cũng như trong tương lai. Các bạn có đủ mọi dễ dãi để đeo đuổi công việc học hành tại đây trong tình bác ái, trong công bằng và trong kỷ luật của khoa học.

    “Nhà khoa học phải là con người gương mẫu của trung thực, khiêm tốn, hy sinh, bền chí, liêm khiết và vị tha. Không có căn bản ấy, nhà khoa học, người nắm giữ các bí quyết và sức mạnh của vũ trụ, sẽ trở thành một cái máy khủng khiếp cho nhân loại”.

    GS Mai Trần Ngọc Tiếng và GS Trần Linh Thước. Ảnh tư liệu.

    Các em sinh viên thân mến,

    Trường ta đã được thiết lập trên mười năm, và trước tôi, công khó của các vị cựu Khoa trưởng, GS Nguyễn Quang Trình và GS Lê Văn Thới, tưởng không kể xiết được. Trong nhiệm kỳ của tôi, tôi tận lực tiếp tục công trình kiến thiết của các vị đó.

    Song song với đà tiến hóa vượt bực của xã hội Việt Nam mà trường chúng ta không thể tách rời được, chúng tôi, toàn ban giảng huấn, mà phần lớn gồm những cựu sinh viên của nhà trường, đã và đang nỗ lực hơn bao giờ hết để nâng cao trình độ kiến thức khoa học, cải tổ đường lối dạy dỗ học lập và khảo cứu, hầu theo sát tiến triển của khoa học quốc tế và hy vọng đóng góp một phần nhỏ nhoi nào đó.

    Trước hết là dự án cải tổ chương trình các chứng chỉ cử nhơn giáo khoa, mà sự áp dụng sẽ giúp sinh viên vừa có căn bản kiến thức đại cương và vừa chuyên khoa đúng mức. Khi ra trường chẳng những sinh viên dạy rất giỏi, sẽ không bỡ ngỡ về giáo huấn hay đủ sức khảo cứu ở các phòng thí nghiệm… mà lúc xuất dương còn theo kịp trình độ tiến triển khoa học của nước người.

    Sau đến là việc áp dụng Việt ngữ cho các chứng chỉ dự bị và áp dụng Việt ngữ từng phần cho các chứng chỉ cử nhơn. Chúng tôi sẽ nghĩ đến việc thay đổi ngoại ngữ một cách toàn diện khi nhân viên giảng huấn của trường sẽ là Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Úc kéo về đông đủ.

    Khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi cho
    GS Mai Trần Ngọc Tiếng. Ảnh tư liệu.

    Những việc cấp thời đã lo xong trường nghĩ đến các dự án xây dựng lâu dài khác. Trước nhất là Ban Xã hội thiết lập vào tháng 3/1964, giúp sinh viên trong sự sinh hoạt hằng ngày. Công việc đầu tiên là xây cất Câu lạc bộ Sinh viên, mà sự hoàn tất sẽ định vào tháng 11/1964. Một số việc khác sẽ được thực hiện rất gần đây, như việc thiết lập một phòng thể dục cho sinh viên và một bệnh xá cứu cấp nhỏ. Câu lạc bộ, phòng thể dục, bệnh xá sẽ được trao lại cho Ban Đại diện thường niên của sinh viên quản trị và trùng tu. Ban Xã hội còn đang dự định thực hiện hai công tác tìm việc và cấp học bổng mà mục đích không ngoài sự giúp đỡ các thiên tài đang lận đận vì hoàn cảnh vật chất.

    Do Cơ quan Văn hóa Á châu viện trợ, Ban Tu thư thiết lập vào tháng 5/1964, sẽ lo việc in bán vốn, cho mướn hay cho mượn sách vở, là sự tiếp nối của Ban Xã hội trong việc học hành. Cụ thể nhất là sự phát hành từ Nội san Khoa học mà mục đích không ngoài việc trao kinh nghiệm thêm cho sinh viên và giữ chặt tình thầy trò cổ truyền của nước ta. Tuy đã vấp phải nhiều khó khăn Ban Tu thư vẫn hoạt động không ngừng để làm cho tủ sách Việt ngữ Khoa học ngày thêm đầy đủ, cũng như sẽ nới rộng thêm phòng đọc sách của sinh viên.

    Ngoài ra Ban Hội thảo thiết lập vào kỷ tựu trường sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận với sinh viên về mọi khía cạnh trực tiếp liên hệ đến các em, từ việc trí dục, đức dục và thể dục trong trường đến việc theo dõi những phát minh tân tiến nhất của khoa học quốc tế.

    Trong trong lai, một số dự án thực tiễn khác nữa về sẽ lần lần được nêu ra, khi điều kiện vật chất cho phép chúng tôi có một trường sở mới, rộng rãi và nhiều tiện nghi giảng huấn hơn.

    Các em sinh viên thân mến,

    Trong sự tiến bộ không ngừng của khoa học, nếu chúng ta dừng bước thì chúng ta lùi và tất nhiên chúng ta sẽ bị đào thải. Không còn gì khích lệ đối với chúng tôi hơn là sau này, các em sẽ thay thế chúng tôi để giữ ánh sáng khoa học tồn tại mãi. Tương lai xán lạn của Việt Nam, danh dự và tiếng tốt của Trường Khoa học Sài Gòn nằm trong tay các em. Các em là những chuyên gia xây đắp ngày mai của dân tộc. Các em có bổn phận cố gắng xứng đáng với lòng kỳ vọng của mọi người.

    Muốn thế, ngay từ giờ phút này, các em hãy chăm chỉ, kiên nhẫn và hăng say học tập để thành người và thành nhà khoa học. Đại học không những là nơi trau dồi kiến thức, mà còn là nơi rèn luyện cả tinh thần và đạo đức nữa. Nhà khoa học phải là con người gương mẫu của trung thực, khiêm tốn, hy sinh, bền chí, liêm khiết và vị tha. Không có căn bản ấy, nhà khoa học, người nắm giữ các bí quyết và sức mạnh của vũ trụ, sẽ trở thành một cái máy khủng khiếp cho nhân loại.

    Trong Trường Khoa Học, chúng tôi đang cố tạo cho các em một môi trường lành mạnh để có óc phê phán, tính kỷ luật và có mọi tự do tư tưởng cần yếu cho nhà khoa học. Các em không nên vì một lẽ gì vô tình hay cố ý làm cho môi trường ấy bị lạm dụng khiến cho ta mất tất cả dịp may để tiến kịp nước người.

    Trên đại học, thầy trò chỉ khác nhau là người đi trước kẻ đi sau. Điều này chắc chắn sẽ được thực hiện đối với sinh viên Khoa Học mà chân trời kiến thức đã mở ra với tất cả sự vĩ đại của nó. Các em đang dò dẫm trên đường đến sự thật. Dù đường có khó đi, dù mặt đường ấy đầy chông gai, dù kết quả còn mờ mịt, các em không nên nản lòng. Các em được chuẩn bị đầy đủ để chiến đấu cho tới cùng. Các em hãy tin vào tài năng và sức mạnh của tuổi trẻ, cũng như kinh nghiệm dồi dào do các bực đàn anh cao niên trao lại. Kết quả tốt sẽ đến với các em.

    Các em, dù đang chăm chỉ học tập hay đang nỗ lực khảo cứu, các em hãy góp sức với nhà trường để mở đèn xanh cho tất cả hướng Thiện và mở đèn đỏ đối với mọi nẻo Tà.

    Tôi thân chúc các em một năm đầy thắng lợi trong mọi lãnh vực”.

    KHOA TRƯỞNG TRƯỜNG KHOA HỌC

    BÀ TRẦN NGỌC TIẾNG

    * Tựa bài do Website ĐHQG-HCM đặt.

    GS.TS Mai Trần Ngọc Tiếng

    Niềm hãnh diện của nhà trường và bao thế hệ học trò

    GS.TS Mai Trần Ngọc Tiếng - Nhà giáo Nhân dân, từng là Khoa trưởng ĐH Khoa học Sài Gòn, cán bộ giảng dạy ĐH Tổng Hợp TP.HCM, nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.

    Bà tên thật là Dương Thị Mai, sinh ngày 12/10/1917 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, tốt nghiệp cử nhân khoa học tại ĐH Sorbonne (Pháp), về nước làm việc tại ĐH Khoa học Sài Gòn, lấy bằng tiến sĩ sinh học tại ĐH Purdue (Mỹ) năm 1962. Bà mất ngày 20/1/2010.

    GS.TS Mai Trần Ngọc Tiếng là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về chất điều hòa sinh trưởng thực vật tại Việt Nam. Bà đã hướng dẫn nhiều công trình nghiên cứu được đưa vào phục vụ đời sống như diệt cỏ dại trên nông trường, giải quyết bệnh rụng trái tiêu...

    GS.TS Trần Linh Thước - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết GS Mai Trần Ngọc Tiếng là một cán bộ giảng dạy đầu ngành, là niềm hãnh diện của nhà trường và bao thế hệ học trò.

    NHÃ UYÊN  

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên