Tin tổng hợp

Ngành công nghiệp vật liệu tại Việt Nam: Nhiều tiềm năng nhưng thiếu nguồn lực

  • 15/04/2021
  • Sáng 10/4 tại TP.HCM, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM đồng chủ trì Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

    Tham dự hội thảo có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và gần 400 đại biểu trong và ngoài nước.

    Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo.
    Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo.

    Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết trong lĩnh vực khoa học vật liệu (KHVL), những năm qua ĐHQG-HCM đã tiên phong trong việc triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu. Quy mô đào tạo ngành KHVL bậc đại học là khoảng 400 sinh viên mỗi năm, chủ yếu tại Trường ĐH Bách Khoa và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ mỗi năm có quy mô khoảng hơn 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh, đó là chưa kể đến các ngành gần với KHVL như vật lý, hoá học, y sinh...

    Về nghiên cứu khoa học, ĐHQG-HCM đã phối hợp với ĐH UCLA, ĐH Berkeley của Hoa Kỳ và các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu của Pháp tiên phong thành lập Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Viện Công nghệ Nano. ĐHQG-HCM đã đạt nhiều kết quả tốt trong đào tạo và nghiên cứu về các vật liệu tiên tiến. Số lượng công bố khoa học hằng năm có xu hướng ngày càng tăng, hiện đạt khoảng 250 bài báo/năm. 

    Đánh giá cao những đóng góp về nguồn nhân lực chất lượng cao của ĐHQG-HCM cho ngành CNVL, tuy nhiên ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng ở quy mô trên cả nước nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu.

    “Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành CNVL nói riêng còn nhiều bất cập” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

    Theo ông Trần Tuấn Anh, tuy thời gian qua Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong ngành CNVL nhưng lĩnh vực này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra.

    Cụ thể, nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.

    Đồng tình với quan điểm trên, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận định: Tại Việt Nam, nhu cầu vật liệu cho sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao. Trong khi đó, quy mô sản xuất vật liệu tại nước ta còn nhỏ, năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Do đó, phát triển ngành CNVL càng là một đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc phát triển nguồn nhân lực ngành CNVL có vai trò quyết định sự thành công trong việc phát triển ngành”.

    Trở ngại về nguồn lực

    PGS.TS Phan Bách Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG-HCM (INOMAR) đại diện nhóm nghiên cứu của ĐHQG-HCM trình bày báo cáo Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển ngành CNVL tại ĐHQG-HCM. Theo số liệu điều tra năm 2017, Việt Nam có 687 tổ chức nghiên cứu và phát triển (NC&PT) với các quy mô khác nhau, trong đó có các tổ chức NC&PT hoạt động trong lĩnh vực CNVL, tập trung chủ yếu tại Hà Nội (48.89%) và TP.HCM (19,07%).

    Cả nước có khoảng 172.683 người tham gia hoạt động NC&PT, chủ yếu hoạt động trong các tổ chức giáo dục đại học (51,24%), trong các tổ chức NC&PT là 19,80%, trong khối các doanh nghiệp là 15,17%, còn lại hoạt động trong các tổ chức khác.

    Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố rất coi trọng các đại học và trung tâm nghiên cứu trên địa bàn, trong đó phải kể đến ĐHQG-HCM. TP.HCM tin tưởng giao cho ĐHQG-HCM chủ trì phần lớn các công tác liên quan nghiên cứu khoa học. Ông nhận định để TP.HCM phát triển thì phải không ngừng cải tiến nền tảng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Nhu cầu này đòi hỏi ngành công nghiệp vật liệu cũng phải phát triển theo.

    Theo báo cáo của ĐHQG-HCM, hằng năm, số lượng sinh viên đầu vào của ngành CNVL tại ĐHQG-HCM khoảng 800 sinh viên, thạc sĩ khoảng 25-40 học viên và chương trình tiến sĩ là 8-10 nghiên cứu sinh. So với nhu cầu nguồn nhân lực về ngành CNVL ở khu vực phía Nam thì quy mô đào tạo hiện nay ở các trường thành viên ĐHQG-HCM vẫn còn khá ít. Lý do là gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu vào xuất phát từ sự cạnh tranh rất mạnh của các nhóm ngành như công nghệ thông tin, điện tử...

    Thống kê số lượng sinh viên nhập học ngành công nghệ vật liệu tại ĐHQG-HCM. Nguồn: Báo cáo “Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển ngành CNVL tại ĐHQG-HCM”.
    Thống kê số lượng sinh viên nhập học ngành KHVL tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2010-2020.
    Nguồn: Báo cáo “Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển ngành CNVL tại ĐHQG-HCM”

    Mặt khác, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực CNVL vẫn còn hạn chế, nguồn thu nhập của cán bộ giảng dạy còn khá thấp so với mặt bằng chung của các trường đại học ở TP.HCM. Các đơn vị đào tạo chưa sở hữu hay làm chủ được nhiều công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi thuộc lĩnh vực CNVL mà hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố công nghệ cao mang tính chuyên ngành.

    Theo nhận xét của bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, năng lực nội tại của nhóm ngành vật liệu rất tốt, đặc biệt là ở bậc sau đại học. Tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ cao, xuất bản quốc tế chỉ xếp sau lĩnh vực công nghệ thông tin và vật lý thiên văn. Tuy nhiên, trong số 1,7 triệu học viên cao học trên toàn quốc, chỉ có khoảng hơn 4.000 người thuộc lĩnh vực vật liệu.

    Bà Nguyễn Thu Thủy đánh giá đây là một ngành tương đối khó và không hấp dẫn người học, vì vậy nên triển khai “đặt hàng” nguồn nhân lực. Bà đề xuất chính phủ cần xây dựng những chính sách đặc thù cho ngành CNVL. Ngoài ra, cả 3 phía chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp với nhau.

    Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nêu ví dụ rằng trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam xếp thứ 2 trên thế giới, tuy nhiên hiếm nhưng chưa quý. Đó là do nước ta chưa triển khai được khai thác vì thiếu chuyển giao công nghệ. Theo ông, cần thúc đẩy các chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển giao công nghệ cho ngành vật liệu.

    Ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, đề cập một khó khăn khác là nguồn tài chính. Theo ông, Việt Nam cần chi thêm tài chính cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực vật liệu.

    Như vậy, hiện nay ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam đang gặp khó khăn về 3 nguồn lực: nhân lực, vật lực và tài lực.

    Kiến nghị của ĐHQG-HCM

    Nhận thức được các vấn đề và khó khăn trong ngành CNVL nói chung và việc phát triển nguồn nhân lực nói riêng, PGS.TS Phan Bách Thắng trình bày một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Để đáp ứng yêu cầu không ngừng tăng lên về các giải pháp vật liệu phù hợp, điều quan trọng mà nước ta cần làm không chỉ là tối ưu hoá hiệu quả mà còn phải tăng tính linh hoạt.

    Ngoài ra, theo xu hướng phát triển của các công nghệ hệ thống, nghiên cứu liên ngành sẽ là chìa khoá cho Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật vật liệu. Về mặt này, Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu quy trình công nghệ, kỹ sư sản xuất, thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm, kỹ thuật viên đo lường... với tất cả ngành tương tác với nhau trong chuỗi vật liệu - sản phẩm.

    PGS.TS Phan Bách Thắng cũng kiến nghị Nhà nước cần có chương trình cụ thể về chính sách hỗ trợ điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ... để đón nhân tài về nước. Bên cạnh đó, nước ta nên có sự thay đổi quy chế đào tạo sau đại học theo hướng hỗ trợ, thu hút người học giỏi tham gia các chương trình trong nước: điều kiện đầu vào/tốtnghiệp, điều kiện thực hiện nghiên cứu, đãi ngộ tương xứng...

    Các đại biểu tham gia thảo luận bàn tròn.
    Các đại biểu tham gia thảo luận bàn tròn.

    Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM ký kết hợp tác

    Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã ký kết văn bản hợp tác giữa Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác trong chương trình Phối hợp công tác hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2025.

    Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM ký kết văn bản hợp tác giữa Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM.

    Chứng kiến lễ ký kết có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

    Chương trình hợp tác đặt ra 2 mục tiêu, đó là tăng cường sự phối hợp giữa Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030” và góp phần phát triển ĐHQG-HCM trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực và thế giới.

    Thỏa thuận hợp tác bao gồm 7 nội dung lớn. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp triển khai các nhiệm vụ được phân công tại các Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thế mạnh của ĐHQG-HCM, đồng thời gắn với hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.

    Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM sẽ phối hợp đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội, Nhân văn phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương; phối hợp xây dựng cơ chế chính sách phục vụ triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

    Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn của ĐHQG-HCM nhằm tăng thứ hạng của ĐHQG-HCM trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế; thu hút các nguồn lực cho nghiên cứu khoa học thúc đẩy tự chủ đại học.

    Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ cho khu vực doanh nghiệp và các nhóm nghiên cứu ứng dụng làm chủ và chuyển giao công nghệ, cũng như phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất đáp ứng yêu cầu của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

    Cuối cùng, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ ĐHQG-HCM thực hiện, triển khai các chương trình và hoạt động về khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, các nhiệm vụ theo thế mạnh của ĐHQG-HCM. Đáng chú ý, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ nâng cấp “Tạp chí Phát triển KH&CN ĐHQG-HCM” đạt chuẩn quốc tế (vào danh mục Scopus hoặc ISI).

    Bài, ảnh, đồ hoạ, video: HOÀI CHUNG

    Tải toàn văn kỷ yếu tại tệp đính kèm phía dưới.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên