Tin tổng hợp

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM

  • 06/07/2023
  • Ngày 3/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký thay Thủ tướng Chính phủ quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt ngày 21/3/2014.

    Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM.

    Đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu phát triển

    ĐHQG-HCM được xác định là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á. Đến năm 2030, quy mô đào tạo dự kiến tại khu quy hoạch ĐHQG-HCM là 65.000 sinh viên.

    Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu phát triển của ĐHQG-HCM theo kế hoạch, chiến lược đã đề ra và phù hợp với quy hoạch tại TP Thủ Đức (TP.HCM), TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), hướng tới xây dựng ĐHQG-HCM trở thành hạt nhân của khu sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM. Đây cũng là cơ sở để xác định, bố trí tái định cư tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức; giúp ĐHQG-HCM sớm có quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

    Theo quy hoạch được phê duyệt, phạm vi, ranh giới với tổng diện tích 643,7 hecta được giới hạn như sau:

    - Phía bắc giáp phần còn lại phường Bình Thắng, giáp phường Bình An, giáp phần còn lại của phường Đông Hòa, TP Dĩ An.

    - Phía nam giáp QL1, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Thể dục Thể thao Trung ương II và Viện Công nghệ sinh học nhiệt đới.

    - Phía đông giáp Trường ĐH An Ninh, QL1 và khu dân cư phường Đông Hòa, TP Dĩ An.

    - Phía tây giáp phần còn lại của phường Linh Xuân, TP Thủ Đức.

    Quy hoạch lần này có điều chỉnh so với Quy hoạch năm 2014, nhằm bố trí khu tái định cư khoảng 10,03 hecta phục vụ tái định cư các hộ dân trong khu quy hoạch ĐHQG-HCM thuộc địa phận TP Thủ Đức. Ngoài ra, quy hoạch lần này còn điều chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thành phần trong ĐHQG-HCM.

    Không gian đa chức năng, xanh thoáng

    Với tầm nhìn của quy hoạch, Khu Đô thị ĐHQG-HCM trong tương lai sẽ trở thành không gian đa chức năng gồm: Khu đào tạo, học tập (khoảng 178,83 hecta); Khu điều hành, dịch vụ công cộng (khoảng 54,4 hecta); Khu viện nghiên cứu (khoảng 34,43 hecta); Khu Công nghệ Phần mềm (khoảng 19,27 hecta); Trung tâm Thể dục Thể thao (khoảng 29,2 hecta); Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (khoảng 17,06 hecta); Khu Nhà công vụ (khoảng 8 hecta), Khu KTX sinh viên (khoảng 42,08 hecta); Khu cây xanh - mặt nước tập trung (khoảng 136,38 hecta); Đất giao thông chung và hạ tầng kỹ thuật đầu mối (khoảng 96,46 hecta); Khu dự trữ phát triển (khoảng 22,56 hecta); Khu tái định cư (khoảng 10,03 hecta).

    Yếu tố không gian xanh được nhấn mạnh trong quy hoạch. Theo đó, khuyến khích xây dựng các tổ hợp không gian theo hướng công trình xanh, gắn kết hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Các hạng mục công trình giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thí nghiệm sẽ được ưu tiên bố trí ở khu vực trung tâm, đáp ứng yêu cầu về không gian yên tĩnh, bố trí không gian công viên cây xanh, vườn hoa xung quanh nhằm cách ly với khu vực có thể gây tiếng ồn.

    Quy hoạch Khu Đô thị ĐHQG-HCM thành không gian đa chức năng, xanh thoáng.

    Khu Đô thị ĐHQG-HCM sẽ phát triển mạng lưới cây xanh gồm các công viên cây xanh, hệ thống sân vườn của các dự án thành phần, cây xanh dọc các tuyến đường… Các khu vực hồ đá được cải tạo cảnh quan, thiết kế theo các chủ đề nhằm hình thành nên không gian công cộng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, hoạt động giao lưu, đồng thời đảm bảo an toàn cho mọi người khi tiếp cận hồ đá.

    Về giao thông, hệ thống các tuyến đường được thiết kế để đáp ứng nhu cầu giao thông cơ giới, đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng, được phân cấp thành các tuyến đường chính, đường khu vực và đường vành đai. Các cửa ngõ của Khu Đô thị ĐHQG-HCM kết nối với các tuyến đường quan trọng như xa lộ Hà Nội, QL1A, QL1K, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Trong tương lai, hình thành các tuyến xe buýt, xe điện để trung chuyển hành khách từ bên ngoài vào khu đại học; ngoài ra, 2 bến xe buýt sẽ được bố trí để tiếp nhận và vận chuyển hành khách đi và đến khu đại học tại các khu vực cửa ngõ ĐHQG-HCM.

    Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG-HCM sẽ do ĐHQG-HCM phối hợp UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương thực hiện. Bộ Xây dựng là đơn vị đảm bảo quá trình triển khai tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cũng như thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần.

    LÊ HOÀI

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên