Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM chú trọng giảng dạy trực tuyến hiệu quả

  • 04/12/2020
  • Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm thay đổi rất nhiều thứ trên phạm vi toàn cầu, trong đó có giáo dục. Việc chuyển từ giảng dạy trực tiếp trên lớp học truyền thống sang giảng dạy trực tuyến qua mạng Internet là một trong những thay đổi đó.

    Vậy làm thế nào để xây dựng bài giảng trực tuyến? Nên sử dụng nền tảng công nghệ gì? Phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá trực tuyến sao cho hiệu quả?... là vấn đề được ĐHQG-HCM quan tâm và đưa ra thảo luận tại Hội thảo Giảng dạy trực tuyến hiệu quả vào sáng 2/10.

    Nhiều mô hình giảng dạy trực tuyến đã vận hành

    Theo nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Duy Anh, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, PGS.TS Trần Thiên Phúc của Trường ĐH Bách Khoa, hiện trên thế giới có rất nhiều mô hình giảng dạy trực tuyến hiệu quả như mô hình của Trường ĐH Uninettuno (Ý), Trường ĐH Vigo (Tây Ban Nha), và Công ty Coursera (Hoa Kỳ)…

    Trong đó, Trường ĐH Uninettuno là trường đại học giảng dạy từ xa. Đây là “trường đại học không trường” với không gian mạng có tên là Didactic - không gian ảo để sinh viên có thể phát triển học tập và sử dụng các tài liệu đào tạo trong suốt quá trình học tập. Các khóa học và việc cấp bằng được vận hành theo thủ tục trực tuyến và có đội ngũ hỗ trợ để giải đáp thông tin. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên được hỗ trợ bởi một giáo sư trợ giảng thông qua các công cụ tương tác như trò chuyện trực tuyến, diễn đàn, lớp học ảo, email...

    Trường ĐH Vigo cũng vận hành ứng dụng mang tên Faitic để sinh viên có thể tương tác với giáo viên của mình và tham khảo mọi thứ liên quan đến các môn học. Nếu sinh viên mong muốn mở rộng kiến thức của mình từ mọi nơi trên thế giới, Trường ĐH Vigo có các khóa học dành cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Đó là các khóa học Massive Open Online Courses (MOOCs), đào tạo từ xa mà ai cũng có thể truy cập trực tuyến. Khi kết thúc khóa học, người học cần hoàn thành phần đánh giá môn học bằng hình thức trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến hoặc nộp các bài tập lớn mà khóa học yêu cầu. Mô hình của Trường ĐH Vigo là mô hình blended learning.

    Còn Coursera là công ty công nghệ giáo dục chuyên cung cấp các khóa học trực tuyến đại chúng mở. Công ty do hai giáo sư khoa học máy tính Andrew Ngô Ân Đạt và Daphne Koller thuộc Đại học Stanford thành lập. Mỗi khóa học trên Coursera đều do giảng viên hàng đầu từ các trường đại học và công ty đẳng cấp thế giới giảng dạy, sinh viên có thể học được bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Coursera có hàng trăm khóa học miễn phí cho phép ai cũng có thể truy cập các bài giảng video, bài tập về nhà và các diễn đàn thảo luận cộng đồng. Còn các khóa học trả phí cung cấp thêm cho người học các câu hỏi trắc nghiệm và bài tập. Chứng chỉ của các khóa học này được nhiều trường đại học và cơ quan tuyển dụng công nhận.

    Ở Việt Nam, hầu như các trường đại học lớn đều đã xây dựng hệ thống đào tạo qua mạng. Nhóm tác giả Trường ĐH Bách Khoa nhận xét, nhìn chung, các nền tảng này cho phép đào tạo trực tuyến ở mức độ cung cấp học liệu như bài giảng, video, bài kiểm tra trắc nghiệm…; các tương tác gián tiếp như forum hoặc trực tiếp như chatroom còn khá ít và nhiều hạn chế. Một số tổ chức xây dựng các trường học ảo thì chỉ thích hợp với lớp có sĩ số nhỏ, môn học ít, như SkillUp của SPT hay Topica.

    Để có thể đạt được mức độ hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động đào tạo trực tiếp các mô hình hiện nay vẫn cần “những bước đi dài”.

    Sẵn sàng cho giảng dạy trực tuyến

    TS Nguyễn Thị Hảo - Quyền Trưởng ban Ban Đại học, cho biết: “Một  trong những mục tiêu của Đề án Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2018-2022 là nhằm chuyển đổi mô hình giảng dạy từ phương thức truyền thống sang công nghệ số. Sau nửa chặng đường triển khai đề án, nhiều đơn vị, giảng viên của ĐHQG-HCM đã có những bài học thực tiễn tốt trong tổ chức, triển khai và quản lý đào tạo trực tuyến”.

    Trường ĐH Bách Khoa đã triển khai hoạt động đào tạo blended learning. Các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Quốc Tế, Kinh tế - Luật, Công nghệ Thông tin… đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến ở phạm vi đơn vị chuyên môn và toàn trường.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM, việc chia sẻ kinh nghiệm của các trường trong và ngoài ĐHQG-HCM sau một học kỳ giảng dạy trực tuyến là việc làm rất cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến để thích nghi với hoàn cảnh trước mắt và chuẩn bị cho tương lai.

    Ông cho biết: “Theo thống kê của UNESCO, COVID-19 hiện vẫn làm cho hơn một nửa học sinh trên thế giới chưa được đến trường, gây những thiệt hại rất nặng nề. Hiện ở nước ta, tạm thời COVID-19 được đẩy lùi nhưng không biết còn những gì sẽ xảy ra trong tương lai, vì vậy, chúng ta phải sẵn sàng trong việc giảng dạy trực tuyến. Đây là điều rất quan trọng. Dù đang triển khai học truyền thống nhưng chúng ta cũng cần suy nghĩ áp dụng phương pháp kết hợp giữa truyền thống và trực tuyến, tăng chất lượng và hiệu quả trong phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, ĐHQG-HCM đang triển khai chương trình song bằng, một sinh viên vừa có thể học ở Trường ĐH Kinh tế - Luật vừa có thể học tại trường khác như Trường ĐH Bách Khoa để có thể lấy được hai bằng cùng lúc. Việc giảng dạy trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập để nhận song bằng”.

    Tại hội thảo, các tham luận như Xây dựng công cụ hỗ trợ dạy - học qua mạng, nghiên cứu đặc thù trên môn học vẽ kỹ thuật; Tổ chức dạy học trực tuyến qua các ứng dụng của Google - bài học kinh nghiệm từ thực tiễn; Công nghệ hỗ trợ dạy học trực tuyến: Phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu… trình bày kết quả nghiên cứu lý luận và thực nghiệm về việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, công cụ hỗ trợ dạy - học trực tuyến. Kết quả nghiên cứu chứng minh được các giải pháp công nghệ và công cụ hỗ trợ dạy - học trực tuyến này mang lại chất lượng giảng dạy cho các môn học.

    Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng: “Không phải bài giảng hay công nghệ, mà chính tâm huyết, kiến thức của các thầy cô mới đóng vai trò quyết định”.

    Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hảo nhấn mạnh: “Con người luôn là trung tâm của việc dạy học. Và con người ở đây cần phải hiểu là cả học viên, giảng viên và nhà trường”.

    MINH CHÂU (Bản tin ĐHQG-HCM số 203)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên