Đảm bảo chất lượng

Giáo dục đại học trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

  • 08/09/2017
  • Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Sau đó một ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH gửi các trường ĐH, CĐ về nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Có thể thấy việc tăng cường cơ hội trong thời đại CMCN 4.0 đang là vấn đề được nhà nước ta rất quan tâm.

    Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Trưởng Ban Đại học ĐHQG-HCM về vấn đề này.


        * Thưa PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, xin ông giới thiệu đôi nét về CMCN 4.0 là gì và khởi nguồn của cụm từ này?

        - Khái niệm “Công nghiệp 4.0” được sử dụng lần đầu năm 2011 tại hội chợ Hannover - hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp - được tổ chức thường niên tại Đức. Năm 2012, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được đề cập trong một tài liệu đệ trình cho Chính phủ Liên bang Đức tổng hợp các khuyến nghị để triển khai sáng kiến chiến lược “Công nghiệp 4.0” nhằm đảm bảo cho tương lai của ngành công nghiệp chế tạo của Đức do Nhóm công tác công nghiệp 4.0 thực hiện với sự tài trợ của Bộ Giáo dục và Khoa học liên bang. 

        Khái niệm “CMCN 4.0” được đề cập lần đầu tiên và cũng là chủ đề của Diễn đàn kinh tế lần thứ 46 tổ chức ngày 20/1/2016 tại thành phố Davos-Klosters, Thụy Sĩ. Tuy vậy, tác động của cuộc CMCN 4.0 đã bắt đầu được “cảm nhận”, đặc biệt là tại các nước phát triển vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Khác với các cuộc CMCN trước đây, CMCN 4.0 không gắn với sự ra đời của một công nghệ nào cụ thể mà là kết quả hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau, trong đó trọng tâm là công nghệ nano, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin-truyền thông. Minh chứng sinh động cho sự hội tụ của các công nghệ này và những tiến bộ mang tính cách mạng mà chúng mang lại được thể hiện qua dự án đầy tham vọng có tên gọi NEURALINK. Dự án do tỷ phú người Mỹ tài trợ nhằm kết nối não người với máy tính để tạo ra một siêu trí tuệ vượt trội so với trí tuệ con người. Nhà tương lai học, doanh nhân và tác giả người Mỹ Raymond Kurzweil dự báo đến năm 2030, các rô-bốt có kích thước nano được cấy ghép vào bộ não người sẽ làm cho con người có năng lực của Chúa. Nếu dự báo của Raymond Kurzweil là đúng, nếu dự án tham vọng NEURALINK của Elon Musk thành công thì viễn cảnh loài người “bị thống trị” bởi rô-bốt có nguy cơ trở thành hiện thực, đó là khi như sự tiến bộ của công nghệ không được sử dụng đúng cách. 

    “Khác với các cuộc CMCN trước đây, CMCN 4.0 không gắn với sự ra đời của một công nghệ nào cụ thể mà là kết quả hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau, trong đó trọng tâm là công nghệ nano, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin - truyền thông.”

        Bản chất của CMCN 4.0 là sự hình thành của thế giới số, vốn dĩ là sự phản ánh sinh động, tồn tại song song với thế giới vật lý. Sự kết nối giữa hai thế giới vật lý và thế giới số tạo ra những tác động “mang tính cách mạng” trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của loài người. Số hóa ngày nay không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mà làm thay đổi một cách căn bản mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời đại của CMCN 4.0, toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn, sự thay đổi diễn ra với phạm vi, cường độ và tốc độ lớn hơn và khó dự báo hơn; các ngành công nghiệp được định hình lại xoay quanh các nhu cầu của con người, vì lợi ích và vì mục tiêu tối thượng là hạnh phúc của con người. Đặc biệt, “tiêu chuẩn hóa” sẽ được thay thế bằng “cá nhân hóa” trong thời đại của CMCN 4.0. Trong ngành công nghiệp chế tạo, những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ in 3D dẫn đến việc sản xuất loạt nhỏ, đơn chiếc theo yêu cầu của từng khách hàng, nhóm khách hàng trở nên khả thi. Tương tự, trong giáo dục, phương thức giáo dục chung cho mọi ngườiđược thay thế bằng học tập cá nhân hóa nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.    

        * Theo ông, cuộc CMCN 4.0 sẽ mang đến những cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam?

        - Trên phương diện vĩ mô, ứng dụng thành công các tiến bộ của CMCN 4.0 sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Trên phương diện vi mô, CMCN 4.0 dẫn đến sự định hình lại các ngành công nghiệp, dịch vụ và do đó mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam “chen chân” vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ mới. Nắm bắt được các thời cơ do CMCN 4.0 mang lại có thể giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách, thậm chí bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

        Tuy nhiên, chậm hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư và kinh doanh; chậm tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới hay ì ạch trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu các ngành công nghiệp mới… sẽ dẫn đến nguy cơ Việt Nam “lỡ hẹn” với các cơ hội của cuộc CMCN 4.0, và tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế, tiềm lực an ninh, quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền số so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

        

    * Điều này đặt ra yêu cầu gì cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thưa ông?

        - Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động này nhanh hơn cả bởi chính giáo dục cũng sẽ tạo ra những phiên bản mới của các cuộc CMCN tiếp theo. Công nghiệp 4.0 hứa hẹn những bước đột phá mới trong hoạt động đào tạo, thay đổi mục tiêu đào tạo, mô hình đào tạo truyền thống bằng cách chuyển tải và đào tạo kiến thức hoàn toàn mới. Sự phát triển công nghệ thông tin, công cụ kỹ thuật số, hệ thống mạng kết nối và siêu dữ liệu sẽ là những công cụ và phương tiện tốt để thay đổi cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy. Các lớp học truyền thống với những nhược điểm như: chi phí tổ chức cao, không gian phục vụ hạn chế, không thuận lợi cho một số đối tượng… sẽ được thay thế bằng các lớp học trực tuyến, lớp học ảo. Chất lượng đào tạo trực tuyến được kiểm soát dễ dàng bằng các công cụ hỗ trợ, như các cảm biến và kết nối không gian mạng. Không gian học tập cũng sẽ đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác trong điều kiện như thật thông qua các phần mềm và hệ thống mạng. Big data sẽ là nguồn dữ liệu vô tận để học tập trải nghiệm về phân tích, nhận dạng xu hướng hay dự báo kinh doanh ở mức chính xác cao. Tài nguyên học tập số trong điều kiện kết nối không gian thật và ảo sẽ vô cùng phong phú, không gian thư viện không còn là địa điểm cụ thể nữa, mà thư viện có thể khai thác ở mọi nơi với một số thao tác đơn giản. Chương trình học cũng được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.

        Bên cạnh những thuận lợi mà CMCN 4.0 đem lại, thì nhiều vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực đào tạo trong thời gian tới và là nhiệm vụ mà các trường đại học phải giải quyết:

        Thứ nhất, nền tảng của CMCN 4.0 là sự kết nối giữa thế giới thật và ảo thông qua phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng, do vậy kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng đối với nhà cung cấp và người tiêu dùng. Nhiệm vụ của các trường đại học trong giai đoạn tới phải đào tạo đủ chuyên gia công nghệ thông tin; tích cực trang bị cho người tốt nghiệp các kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng có liên quan để đáp ứng nhu cầu xã hội trong nền công nghiệp 4.0.

        Thứ hai, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của quá trình công nghiệp 4.0 và nhất là thời kỳ đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Thực tế đã có những thay đổi việc làm trên thị trường lao động, người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người. Người máy với nguồn học liệu vô tận có thể thực hiện tốt các bài giảng ở một số môn học như địa lý, lịch sử... và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Việc làm ở các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, kế toán và tư vấn thuế cũng có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các rô-bốt thông minh. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường đại học là định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngành nghề của cuộcCMCN 4.0 và đào tạo lại để thích ứng với ngành nghề mới.


    “Thực tế đã có những thay đổi việc làm trên thị trường lao động, người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người. Người máy với nguồn học liệu vô tận có thể thực hiện tốt các bài giảng ở một số môn học như địa lý, lịch sử... và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Việc làm ở các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, kế toán và tư vấn thuế cũng có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các rô-bốt thông minh”. 

        Thứ ba, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động CMCN 4.0. Giáo dục và huấn luyện là một trong 9 lĩnh vực có nhiều thay đổi, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động rất mạnh và toàn diện, danh mục nghề đào tạo và chương trình đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh. Các trường đại học thực hiện hoạt động đào tạo theo hai hướng: một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội, mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, áp lực đối với các trường đại học càng lớn khi chương trình đào tạo vừa đáp ứng tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định, vừa đáp ứng tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành) và các kỹ năng khác không thể thiếu, như: khả năng suy nghĩ có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành… Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo. Như vậy, CMCN 4.0 đã tạo áp lực lớn trong hoạt động đào tạo đối với các trường đại học, từ xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật nội dung chương trình cho đến đào tạo kỹ năng cho người học để đáp ứng yêu cầu công nghiệp.                     

        Thứ tư, một vấn đề khác đặt ra cho các cơ sở đào tạo bậc cao là cách thức tổ chức để chuyển tải nội dung chương trình đào tạo đến người học. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tạo áp lực lớn cho các cơ sở đào tạo về chuẩn bị nguồn lực tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, xây dựng không gian học tập.

        * Vậy giáo dục trong thời đại này sẽ mang một màu sắc, một đặc điểm rất khác?

        Đúng vậy, nền giáo dục lúc này có thể gọi là giáo dục 4.0 - nền giáo dục được sinh ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu thị trường nền công nghiệp 4.0. Giáo dục được phổ biến đến mọi nơi mà con người, sự vật và máy móc được kết nối để tạo ra việc học tập cá nhân. Ta có thể phác họa đặc điểm của các nền giáo dục qua bảng so sánh sau: 


        Khả năng gần như vô tận của Internet đã từng bước làm chuyển đổi hoạt động đào tạo từ “teaching” sang “coaching”. Điều này cũng thúc đẩy đội ngũ giáo viên lao vào thực tế để có thể hướng dẫn người học giải quyết từng trường hợp cụ thể trong đời sống sản xuất dựa trên nền tảng kiến thức đã được trang bị; góp phần tăng tính ứng dụng, hữu dụng của người học thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường sản xuất dưới tác động của CMCN 4.0.

        * Theo ông, ĐHQG-HCM nói riêng và các cơ sở đào tạo nói chung cần phải làm gì để thích ứng với cuộc CMCN này?

        - Chúng ta cần phải đẩy mạnh các hoạt động đào tạo để thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, trước mắt cần phải xác định lĩnh vực đào tạo hướng về tương lai vì CMCN 4.0 đã diễn ra mạnh mẽ với những xu hướng khá rõ ràng về chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của nền công nghiệp. Xu hướng thay đổi công nghiệp cũng đã được thảo luận và làm rõ tại các diễn đàn công nghiệp thế giới, từ kết quả các công trình nghiên cứu về CMCN 4.0 và thực tế triển khai các chương trình công nghiệp tại các quốc gia hàng đầu, như Đức, Mỹ, Nhật Bản… Trên cơ sở đó, các trường đại học cần xác định các lĩnh vực đào tạo trọng tâm, các lĩnh vực đào tạo hướng về tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại và chuẩn bị nguồn lực đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp. Các lĩnh vực đặc biệt nên hướng vào đểđào tạo gồm: công nghệ thông tin, quản lý mạng, khai thác dữ liệu, bảo mật, vật liệu, y sinh học, rô-bốt …

        Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần phải thiết kế chương trình linh động hơn, kiến thức cập nhật hơn, hướng tới phát triển các kỹ năng phù hợp với CMCN 4.0, phát triển tư duy hệ thống và liên ngành. Đối với các chương trình đào tạo bậc cử nhân, bên cạnh các kiến thức về nghề nghiệp, cần phải mở rộng cung cấp thêm các khối kiến thức tự nhiên xã hội, công nghệ thông tin, quản lý mạng… nhằm mục đích làm cho người học có thể thích nghi nhanh với sự thay đổi của công nghệ, làm việc hiệu quả trong môi trường có tính kết nối cao, giữa các lĩnh vực, giữa thế giới ảo và thật. Các kỹ năng quan trọng đối với nguồn nhân lực trong môi trường tương tác công nghệ cần phải được đưa vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, tư duy hệ thống, kỹ năng ra quyết định trong điều kiện không chắc chắn… đặc biệt giáo dục người học phương pháp và ý thức học tập suốt đời.

        Thiết kế các khóa đào tạo ngắn hạn hay các chương trình bổ sung kiến thức cho từng đối tượng khác nhau tại các doanh nghiệp là thực sự cần thiết trong bối cảnh CMCN 4.0. Nhu cầu của xã hội về bổ sung kiến thức sẽ vô cùng lớn khi có sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành nghề, sự thay đổi công nghệ. CMCN 4.0 sẽ mở ra thị trường đào tạo và huấn luyện vô cùng lớn đối với các công ty cung cấp dịch vụ giáo dục, đặc biệt đối với các trường đại học vốn có thế mạnh về đào tạo. Tuy nhiên, các trường đại học cần phải cởi mở và đối thoại nhiều hơn với xã hội, với thị trường lao động để triển khai và thực hiện các chương trình thiết thực và hiệu quả, nhưng vẫn không đánh mất bản chất học thuật riêng biệt và nhiệm vụ giáo dục rộng hơn. 

        Ngoài ra, cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy tại các trường đại học cũng phải thay đổi.Công nghệ phát triển với chi phí rẻ là điều kiện thuận lợi để các trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, các công cụ và phương tiện giảng dạy hiện đại. Bên cạnh hình thức giảng dạy trực tiếp cho người học, các trường cần sử dụng nhiều hơn các hình thức khác như đào tạo online, thiết kế môi trường ảo để người học và người dạy có thể tương tác lẫn nhau và truyền đạt thông tin, tổ chức thực hành tại các phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng ảo. Sử dụng hệ thống máy tính và dữ liệu big data để thiết kế chương trình, tổ chức giảng dạy cho từng đối tượng một cách hiệu quả nhất. Hệ thống học online ngày càng được phổ biến hơn, thông qua hệ thống online sẽ thu thập dữ liệu cho từng cá nhân. Khi tích tụ được lượng data đủ lớn về cá nhân người học (thời lượng học, phương pháp, lộ trình đào tạo, mức độ tương tác, kết quả học tập…), các thuật toán Machine Learning sẽ đưa ra một phương pháp giáo dục tốt nhất cho từng học sinh với lộ trình tối ưu cá nhân hóa phương pháp học tập mà ngay cả giáo viên tốt nhất cũng không bằng được. Do vậy các trường đại học cần đẩy mạnh hơn việc sử dụng cách thức tổ chức đào tạo và học tập này. 
        Đào tạo đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 đòi hỏi đội ngũ giảng dạy phải có trình độ cao về chuyên môn, công nghệ thông tin, hệ thống mạng…, do vậy công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cũng là yếu tố đòi hỏi các trường đại học phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Cán bộ giảng dạy phải liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, công nghệ… bằng cách thường xuyên tham gia các lớp huấn luyện, hội thảo, hội nghị. Ngoài ra, các trường đại học phải mở rộng đối thoại, hợp tác với doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu, tập huấn và tư vấn; qua đó cán bộ giảng dạy có cơ hội tiếp cận điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế và nắm bắt được những thay đổi của thị trường để thực hiện các điều chỉnh trong giảng dạy. 

    * Xin trân trọng cảm ơn ông!

    MINH CHÂU thực hiện

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên