Từ kết quả nghiên cứu về các vật liệu khung cơ kim, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nghiên cứu sinh Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử ĐHQG-HCM (Trung tâm MANAR) đã có bài đăng trên Tạp chí Hóa học của Mỹ (Journal of the American Chemistry Society) với chỉ số IF (Impact factor: chỉ số ảnh hưởng) lên đến 12.11.
Bài báo có nhan đề Three-Dimensional Metal-Catecholate Frameworks and their Ultrahigh Proton Conductivity, do Nguyễn Thị Tuyết Nhung viết cùng các tác giả Hiroyasu Furukawa, Felipe Gándara, Christopher Andrew Trickett, Hyung Mo Jeong, Kyle E. Cordova, Omar M. Yaghi.
Bài báo được hội đồng khoa học quốc tế đánh giá cao vì đã tổng hợp thành công 3 loại vật liệu khung cơ kim (MOF) mới từ phản ứng giữa hợp chất catechol 6 chức, H6THO (trong đó THO6- = triphenylene-2,3,6,7,10,11-hexakis [olate]) và các muối của Fe, Ti, và V. Hợp chất tạo thành có tên gọi Fe-CAT-5, Ti-CAT-5, và V-CAT-5 có cấu trúc tinh thể lập phương và có độ xốp cao. Trong ba loại vật liệu này, Fe-CAT-5 có cấu trúc độc nhất, chứa ion sulfate và dimethylammonium bên trong lỗ xốp, đã tạo nên tính dẫn proton cao của vật liệu.
Tuyết Nhung cho biết, ở Trung tâm MANAR, sinh viên được định hướng, thảo luận và trao đổi kết quả nghiên cứu với các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hóa học vật liệu như GS Yaghi, TS Hiroyasu Furukawa và Ông Kyle Cordova nên chất lượng khoa học được đảm bảo. Ngoài ra sinh viên còn được chủ động và trực tiếp sử dụng các thiết bị, hóa chất đầy đủ, hiện đại của Trung tâm nên kiến thức về các kỹ thuật phân tích được nâng cao và tiến trình nghiên cứu được đẩy mạnh. Định hướng nghiên cứu của Trung tâm MANAR là tập trung giải quyết các thách thức được thế giới quan tâm về vấn đề môi trường và năng lượng.
Được biết, năm 2014 Nguyễn Thị Tuyết Nhung cũng có bài đăng trên Tạp chí Angewandte Chemie International Edition với chỉ số IF là 11.26.
Xem toàn văn bài báo tại đây.
Minh Châu
Hãy là người bình luận đầu tiên