Chân dung nhà khoa học

TS Trương Hải Nhung: Học cách cân bằng giữa công việc và gia đình

  • 14/05/2017
  • Chung quanh ta không hiếm những người tràn trề năng lượng và niềm tin yêu. Họ như những con cá bơi ngược dòng, biết trước khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng mang lại niềm hy vọng cho cuộc đời. TS Trương Hải Nhung - giảng viên Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM - nhà khoa học trẻ duy nhất nhận giải thưởng Quả cầu Vàng 2016 ở lĩnh vực công nghệ sinh học là một người như thế.

    32 tuổi, dáng người hơi mảnh khảnh, khuôn mặt tươi trẻ cùng nụ cười luôn nở trên môi, TS Nhung gây ấn tượng mạnh trong học giới bởi hàng chục công trình nghiên cứu hỗ trợ điều trị những căn bệnh hiểm nghèo như xơ gan, đái tháo đường, ung thư...

    Duyên nợ với nghiên cứu

        Cô cho rằng mình không chọn nghề mà nghề đã chọn mình: “Mình thi hai lần trường y nhưng đều rớt, nên đành học nguyện vọng 2 ngành công nghệ sinh học, mặc dù lúc ấy mình chưa biết ngành này học như thế nào và ra trường sẽ làm được những gì”. 

    Những bỡ ngỡ, hoang mang của ngày đầu đại học dần bị thế chỗ bởi những điều thú vị của ngành công nghệ sinh học. Càng học cô càng thấy ngành này có nhiều thứ hợp với niềm đam mê của mình. Năm thứ hai, cô và một người bạn viết “tâm thư” xin làm việc ở phòng lab của trường. “Sinh viên năm hai mà làm vậy là liều lắm, nhưng thích quá nên cứ xin. May là thầy cô thấy hai đứa có tinh thần ham học hỏi nên đã nhận vào” - Nhung cười vui khi nhớ lại. 

    Đó là bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu mà cô vẫn luôn xem như một cuộc hành trình ngàn dặm. Những tháng ngày chỉ rửa ống nghiệm và đứng nhìn các bậc “tiền bối” làm việc, với cô, không hề đơn điệu chút nào mà nó nung nấu thêm khát vọng trở thành người nghiên cứu chuyên nghiệp sau này. 

    Nhung tốt nghiệp đại học loại giỏi, được giữ lại trường làm việc, rồi tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mặc dù có nhiều cơ hội du học và việc làm tốt hơn ở những nơi khác nhưng cô vẫn gắn bó với phòng lab như một con ong thợ nhẫn nại và cần mẫn. Sự lựa chọn ấy không hẳn nhẹ nhàng với cô. “Nhìn bạn bè mình ra trường, đi làm lương cao, mình cũng chạnh lòng lắm. Nhưng công việc nghiên cứu chưa bao giờ khiến mình hối tiếc. Ở đây có những đồng nghiệp luôn tận tâm, có những niềm vui mà ngoài kia không dễ kiếm được” - Nhung tâm sự. 

    TS Trương Hải Nhung trong phòng thí nghiệm.


    Trong cuộc trò chuyện, có những lúc cô dừng lại thật lâu, dành sự kính trọng và thương yêu đặc biệt cho những “ân sư” và đấng sinh thành của mình: “Trên con đường nghiên cứu, nếu không có thầy Phan Kim Ngọc, anh Phạm Văn Phúc, có lẽ không có mình hôm nay. Bên cạnh đó, bố mẹ là người mình mang ơn nhiều nhất”. 

    Tuổi thơ của Nhung là một thời khốn khó, bố mẹ phải đi làm thuê kiếm sống ở lò gạch cũ tận quận 9. Hình ảnh bố mẹ bươn chải qua nhiều thất bại là động lực để cô phấn đấu không ngừng trong học tập và hoàn thiện bản thân. Sau này, mỗi lần bắt tay vào công việc nghiên cứu, cô lại nhớ đến những ngày tháng đó: “Chính bố mẹ cho mình kinh nghiệm và nghị lực sống”.

    Những câu chuyện cô kể dường như có chút can thiệp của số phận, nhưng đọng lại trong  đó là hình ảnh một phụ nữ luôn tin vào chính mình, không chùng chí trước thất bại. 

    Chưa bao giờ đủ thời gian cho con

    Vừa bước qua tuổi 30 nhưng TS Trương Hải Nhung có sau lưng mình một bảng thành tích khoa học rất đáng ngưỡng vọng: 16 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế, 10 công trình đăng trên tạp chí trong nước, 8 báo cáo tại hội nghị quốc tế, đồng tác giả 3 cuốn sách quốc tế và 1 cuốn sách trong nước. Hẳn cô là một người bận rộn và chịu nhiều áp lực? Cô nhẹ nhàng rằng đó chỉ là trách nhiệm của một nhà khoa học và là thiên chức của một phụ nữ bình thường.

    Theo cô, điều khó khăn nhất ở một người phụ nữ nghiên cứu khoa học khi đã có gia đình chính là quỹ thời gian trở nên vô cùng hạn hẹp. Không còn những đêm ngủ lại phòng thí nghiệm, không còn nhiều khoảnh khắc vô tư như thời còn độc thân: “Mình cũng đấu tranh nội tâm dữ lắm, luôn tự hỏi bản thân đã làm tròn trách nhiệm chưa? Trách nhiệm của một người nghiên cứu, một giảng viên và trách nhiệm với gia đình. Và mình học cách chia sẻ thời gian, sao cho mỗi bên có thể tròn trịa nhất, mặc dù chưa bao giờ là đủ cả, nhất là đối với cậu con trai bé nhỏ của mình”. 

    Cô so sánh hình ảnh mình 10 năm trước và hiện tại: nếu thời độc thân cô một mình một ngựa cứ thẳng đường mà đi, thì lúc có gia đình cô phải “bận tâm” thêm nhiều thứ khác. Thành ra, những công trình nghiên cứu khoa học cũng đến đích nhưng mọi thứ đành chậm lại hơn trước một chút. “Nhiều lúc mình nghĩ, có gia đình thiệt là... mệt. Nhưng thực ra đó là trách nhiệm và niềm vui chứ không phải áp lực gì cả. Đã tự lựa chọn con đường này thì khó khăn hay không là ở mình”.


    Khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong lịch trình nghiên cứu dày đặc cô dành hết cho gia đình, ngôi nhà nhỏ ngoại thành là nơi để cô cân bằng những cảm xúc trong cuộc sống. Ở đó có bố mẹ, người chồng và cậu con trai 5 tuổi. Với cô, về bên gia đình là giải phóng hết mọi việc để toàn tâm toàn ý trong những niềm vui bình dị: “Phụ nữ hiện đại có nhiều lựa chọn hơn. Có người thích sống độc thân nhưng phần đông đều muốn có một gia đình nhỏ để trở về. Mình thuộc nhóm thứ hai nên phải học cách cân bằng giữa công việc và gia đình, kiểu như cố gắng ‘vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà’ ấy”. 

    Bây giờ, một ngày mới của Nhung bắt đầu với cậu con trai, lo cho con ăn uống, đến trường rồi sau đó tiếp tục công việc nghiên cứu. Cô bộc bạch: “Mình phải lo cho khéo thì mới yên tâm làm việc được, không thì áy náy lắm”.

    Có những phụ nữ sống với niềm đam mê cháy bỏng trong lòng, không cho phép mình dừng lại khi thất bại. Họ đi ngược chiều gió, chịu đựng mọi khó khăn nhưng vẫn cố gắng chu toàn thiên chức của mình. Những phụ nữ ấy là những mầm xanh mang đến hy vọng cho cuộc đời này.

    ĐỨC LỘC

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên