Sinh viên ĐHQG-HCM

Sinh viên song ngành nhận danh hiệu Gương sáng sinh viên về giao lưu quốc tế

  • 23/12/2023
  • Khi chúng tôi ngỏ ý xin một cuộc hẹn, Huy có vẻ khá bối rối. Từ lịch trình học tập, hoạt động ngoại khóa và làm thêm dày đặc, cậu chọn ra được một buổi chiều. Đúng giờ và chỉn chu là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi trong cuộc gặp gỡ với chàng trai sinh năm 2002 này.

    Vũ Trường Huy - sinh viên năm thứ 4 ngành Ngôn ngữ Pháp và năm thứ 3 ngành Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, là một trong ba sinh viên nhận danh hiệu Gương sáng sinh viên (GSSV) về giao lưu quốc tế nhờ có nhiều thành tích ấn tượng.

    Vũ Trường Huy mong muốn làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Thu Thảo

    Ước mơ làm việc tại Bộ Ngoại giao

    Đôi mắt Huy lộ rõ vẻ mệt mỏi. Chúng tôi hỏi điều gì thôi thúc cậu phải nỗ lực và để bản thân “bận rộn” đến vậy. “Mình có một ước mơ lớn cần theo đuổi” - Huy nói như một cách bắt đầu câu chuyện về tuổi trẻ rực rỡ.

    Trường Huy muốn theo ngành ngoại giao từ năm lớp 10, kể từ lần xem một đoạn phim tư liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí cậu thiếu niên 15 tuổi là thay vì cầm súng chiến đấu, cậu có thể cống hiến, bảo vệ đất nước bằng con đường ngoại giao.

    Từ ý nghĩ bộc phát, ước mơ làm nhà ngoại giao lớn dần và trở thành kim chỉ nam cho mọi kế hoạch của nam sinh trong 3 năm THPT. Sẵn thế mạnh ngoại ngữ, Huy dốc sức ôn luyện, đặt nguyện vọng vào ngành Quan hệ Quốc tế của Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM và Học viện Ngoại giao.

    Nỗ lực không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt. Huy có cú “bước hụt” đầu tiên trong đời. Không đậu ngành học yêu thích, nam sinh nhanh chóng tìm một lối đi khác - theo học ngành Ngôn ngữ Pháp, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM.

    Huy giải thích: “Tiếng Pháp là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc và là một trong hai ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất tại châu Âu ngoài tiếng Anh. Qua tìm hiểu, mình cũng được biết Bộ Ngoại giao Việt Nam hằng năm đều có chỉ tiêu tuyển dụng nhân viên tiếng Pháp, nên mình quyết định chọn ngành học này”.

    Nam sinh cho biết bản thân không gặp khó khăn khi học tiếng Pháp, nhưng lại mất nhiều thời gian để hồi phục tinh thần. Cảm giác hụt hẫng, chán nản khi đã thử mọi cách thức nhưng vẫn không trúng tuyển vào ngành học yêu thích đã theo Huy suốt học kỳ đầu tiên. Cho đến khi được tham dự sự kiện kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, cậu mới tìm ra hướng đi phù hợp.

    “Thay vì đi đường thẳng, mình sẽ đi đường vòng. Tuy nhiều thử thách nhưng ít ra mình vẫn có thể từng bước thực hiện ước mơ làm việc tại Bộ Ngoại giao. Từ học kỳ thứ 2, bên cạnh việc nghiêm túc học tập ở Khoa Ngữ văn Pháp, mình cũng bắt đầu chuẩn bị mọi điều kiện để xét tuyển chương trình đào tạo song ngành Quan hệ Quốc tế” - Trường Huy bộc bạch.

    Ở Khoa Quan hệ Quốc tế, nam sinh quê Bình Thuận có cơ hội tiếp cận các kiến thức cậu quan tâm như chính sách đối ngoại của các quốc gia, địa chính trị, ngoại giao đa phương… Tinh thần học tập của Huy cũng nhờ đó mà được thúc đẩy mạnh mẽ.

    Học hai ngành, Trường Huy có nhiều cơ hội phát triển tri thức và các mối quan hệ xã hội. Ngành Quan hệ Quốc tế giúp cậu vững vàng về chuyên môn và nghiệp vụ ngoại giao. Còn ngành Ngôn ngữ Pháp thì giúp Huy mở rộng mạng lưới kết nối sang cộng đồng Pháp ngữ tại TP.HCM cũng như mang đến cho cậu nhiều cơ hội mới.

    Nghe Huy kể về lịch học dày đặc của mình, chúng tôi không khỏi tò mò về cách cậu sắp xếp thời gian và phương pháp học tập ở mỗi ngành. Huy chia sẻ: “Việc học tiếng Pháp không làm khó được mình. Nhưng mình lại không giỏi các môn về ngữ dụng học, ngữ nghĩa học hay văn học Pháp. Vì thế, mình không quá đặt nặng thành tích, chỉ tập trung vào việc nâng cao khả năng ứng dụng và cảm thụ ngôn ngữ ở mức vừa đủ. Khi học Quan hệ Quốc tế, mình sẽ chú trọng vào những môn phù hợp với định hướng ngoại giao, đồng thời ứng dụng kiến thức học được để phân tích các vấn đề thời sự”.

    Nhờ có “chiến thuật” học tập hiệu quả mà Trường Huy đã “ẵm trọn” suất học bổng khuyến khích học tập loại Xuất sắc vào học kỳ I, năm thứ 2.

    Anh Lê Thanh Bình - Chánh Văn phòng Hội Sinh viên TP.HCM, và chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Bí thư Đoàn Trường KHXH&NV, trao giấy khen và học bổng cho Vũ Trường Huy. Ảnh: Thu Thảo

    Người duy nhất nhận học bổng trao đổi

    Ngoài học tập và tham gia các sự kiện đối ngoại trong nước, Trường Huy còn ứng tuyển vào nhiều chương trình giao lưu quốc tế để mở rộng kiến thức, tầm nhìn và mối quan hệ. Khởi đầu là Chương trình trao đổi sinh viên TF SCALE 2022 tại Singapore - nơi Huy được gặp 19 sinh viên tài năng của Trường ĐH KHXH&NV. “Họ là những người rất giỏi. Chính họ là đã tiếp thêm cho mình động lực để tự tin nộp đơn xét tuyển các chương trình khác” - Huy hào hứng.

    Ngay sau đó, Huy trở thành một trong 27 đại biểu Việt Nam tham dự Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản 2022 và đoạt giải Nhất cuộc thi Hoạch định chính sách trong khuôn khổ ASEAN Youth Agenda do Bộ Ngoại giao Indonesia tổ chức vào tháng 5/2023.

    Cậu cũng là đại diện duy nhất của Trường ĐH KHXH&NV nhận học bổng học kỳ hè trao đổi sinh viên tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và ĐH Hoàng gia Thái Lan Mahidol - TF LEaRN 2023. Gần đây, Huy còn nhận học bổng toàn phần tham dự Diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản.  

    Nhờ những thành tích nổi trội trên, Trường Huy đã đạt danh hiệu GSSV về giao lưu quốc tế của Trường ĐH KHXH&NV. Đối với nam sinh sinh năm 2002, đây là sự công nhận rất lớn cho nỗ lực của bản thân cũng như là động lực để cậu tiếp tục phát huy thế mạnh trong tương lai.

    3 năm qua, Huy còn từng giữ vai trò Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Khoa Ngữ văn Pháp, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Tiếng Pháp Khoa Ngữ văn Pháp và Trưởng Ban Đối ngoại của tổ chức TEDx HCMUS, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

    Không dừng lại ở đó, cậu còn thử sức với việc nghiên cứu khoa học và có 2 đề tài được công nhận cấp trường. Trong đó, đề tài Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu: Cơ hội và thách thức đối với cộng đồng Pháp ngữ tại Việt Nam đạt loại Giỏi với số điểm cao nhất cả Khoa và được chấp nhận trình bày tại Hội thảo Khoa học Sinh viên năm 2023 do Trường ĐH KHXH&NV tổ chức.

    Bên cạnh học tập, tham gia hoạt động, Huy còn dạy IELTS, làm MC song ngữ cho các tổ chức chính trị, hội hữu nghị, biên dịch văn bản, phiên dịch viên tại các cuộc họp, hội thảo song phương và đa phương. 

    Chính vì luôn buộc bản thân hoàn thành tốt mọi thứ nên đôi lúc Huy cảm thấy kiệt sức. “Có những thời điểm mình rất áp lực và muốn bỏ một số hoạt động nhưng rồi lại tự gạt đi. Mình không thể vì một phút yếu đuối mà ảnh hưởng đến tập thể hay vi phạm nguyên tắc sống kỷ luật của bản thân. Sau cùng, mình tự trấn an bằng cách nghĩ rằng mọi việc sẽ ổn và tiếp tục cố gắng” - nam sinh giãi bày.

    Về dự định tương lai, Huy cũng đã vạch ra một số hướng đi như thi tuyển vào Bộ ngoại giao Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp hoặc ứng tuyển học bổng thạc sĩ ngành Quản trị chính phủ Quốc tế tại ĐH Sciences Po, Pháp.

    Thời sinh viên của Trường Huy được lấp đầy bởi những chuyến đi gần xa và nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Nhưng ít ai biết rằng, có những buổi chiều tan học, chàng trai 21 tuổi đã lặng người nhìn mấy nhóm bạn “tụm năm tụm ba” ở góc sân trường. Khoảnh khắc đó, Huy nhận ra trong hơn 3 năm qua, bản thân chẳng có “khái niệm” nhóm bạn cùng lớp, cùng khoa để tâm sự, chuyện trò.

    “Nhưng may mắn thay, nhờ tham gia các chương trình trao đổi, mình có nhóm bạn TF SCALE VIII và chính họ đã xoa dịu những cảm xúc buồn tủi nhất thời của mình” - cậu bày tỏ.

    Chạnh lòng vì không có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, nhưng Huy biết rằng đã lựa chọn là phải chấp nhận đánh đổi. Ước mơ còn ở phía trước và cậu vẫn sẽ không ngừng nỗ lực để vươn tới nó.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO

    Có trách nhiệm trong học tập lẫn cuộc sống

    Là người đồng hành với Vũ Trường Huy trong hơn 3 năm qua, ThS Trần Nhật Duy - giảng viên Khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH KHXH&NV, nhận xét: “Huy là một sinh viên năng động, hoạt bát, có thành tích học tập tốt. Điều mà tôi ấn tượng nhất ở em chính là tinh thần trách nhiệm trong học tập lẫn cuộc sống”.

    ThS Duy thông tin thêm, ngay từ năm thứ nhất, Huy đã biết tận dụng thế mạnh học tốt ngoại ngữ để lĩnh hội, vận dụng kiến thức ngôn ngữ Pháp. Nhờ chủ động và biết cách lên kế hoạch học tập, chỉ sau 2 năm tiếp cận tiếng Pháp, Huy đã đạt số điểm rất ít người chạm tới được - 83/100 trong kỳ thi chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1.

    Thầy Duy cũng rất hạnh phúc và tự hào khi biết tin Huy nhận danh hiệu GSSV. Thầy mong cậu có thể phát huy năng lực cùng tinh thần kiên định để thực hiện được ước mơ của mình.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên