Lương Hoài Xuân - Cựu sinh viên khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, hiện làm việc tại tập đoàn công nghệ Square (Mỹ). Công việc chính của Xuân là phát triển ứng dụng trên nền tảng web cho công ty.
Bloomberg, Google, Square mời phỏng vấn và làm việc
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa, Hoài Xuân học thạc sĩ 2 năm ở trường EPFL (Thuỵ Sỹ). Đây là trường đại học có vị trí cao trên bảng xếp hạng quốc tế về ngành Khoa học Máy tính. Trong lúc học ở EPFL, Xuân đã nộp đơn cho công ty Bloomberg, được gọi phỏng vấn, nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp cho chi nhánh của công ty ở London, Anh. Làm việc hơn 1 năm, anh chuyển công tác sang trụ sở chính của Bloomberg ở thành phố New York, Mỹ.
“Bloomberg là công ty đứng đầu thế giới về dịch vụ thông tin tài chính. Tôi nghĩ mình có thể học hỏi được nhiều không chỉ về chuyên môn kỹ thuật mà còn về kiến thức đối với các thị trường tài chính. Ngoài ra, làm việc ở London, cũng như cơ hội được chuyển sang làm việc ở New York trong tương lai, là một điểm cộng lớn vì tôi là một người thích được trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi” - Hoài Xuân cho biết.
Sau khoảng 2 năm rưỡi gắn bó Bloomberg, anh được Google liên hệ mời phỏng vấn và gia nhập công ty. Anh nói: “Lúc đó, tôi rất muốn biết cảm giác được làm việc cho một công ty lớn với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người sử dụng sản phẩm là như thế nào”. Thời gian ở lại Google vô tình cũng tương tự Bloomberg, anh lại được công ty Square mời phỏng vấn. Nhận thấy bản thân rất thích sản phẩm và định hướng phát triển của công ty nên anh quyết định nhận lời vào làm việc tại công ty này.
Những năm đầu tiên khi đi làm, mỗi ngày anh dành khoảng 70% thời gian cho việc lập trình. Thời gian còn lại chủ yếu là dự các buổi họp, đọc tài liệu của công ty, nói chuyện với đồng nghiệp về các vấn đề liên quan kỹ thuật hoặc sản phẩm. Gần đây, anh dành thời gian cho việc lập trình giảm đi, chỉ còn khoảng 30% trong một ngày làm việc. Phần còn lại anh làm các việc khác như viết thiết kế kỹ thuật cho dự án, xét duyệt thiết kế kỹ thuật, xét duyệt mã nguồn do kỹ sư khác viết, hướng dẫn và hỗ trợ những kỹ sư mới, họp lên kế hoạch về tiến độ và lộ trình phát triển sản phẩm, hoặc phỏng vấn, đánh giá những ứng viên nộp hồ sơ xin vào làm việc ở công ty.
“Dù ở Việt Nam hay nước ngoài, nhìn chung cơ hội làm việc cho nghề kỹ sư phần mềm là rất nhiều. Tuy xuất phát điểm hôm nay của chúng ta chưa được tốt, nhưng nếu bản thân luôn cố gắng cải thiện khả năng và chuẩn bị sẵn sàng về chuyên môn, ngoại ngữ, giao tiếp... thì sẽ có lúc chúng ta nắm bắt được cơ hội. Khi có được cơ hội đầu tiên, những cơ hội khác tốt hơn sẽ tiếp tục tìm đến” - Xuân chia sẻ.
Sinh viên mới ra trường có thể nhận 200 ngàn USD/năm
Hoài Xuân cho rằng, hiện tại việc phỏng vấn vào công ty công nghệ ở Mỹ hầu như giống nhau. Các công ty thường áp dụng lại quy trình phỏng vấn dùng ở Google và điều chỉnh lại cho phù hợp với đặc thù của họ.
Theo Xuân, từ lúc nộp hồ sơ cho tới khi bắt đầu làm việc, một ứng viên thường phải trải qua 3 giai đoạn: sơ vấn, phỏng vấn tại công ty, cuối cùng là chọn team và thương lượng các điều khoản hợp đồng.
“Sơ vấn gồm 2 bước. Bước 1 là sơ vấn với bộ phận nhân sự để ứng viên và công ty có thể giới thiệu lẫn nhau (về bản thân, vị trí cần tuyển dụng, giải thích quy trình tuyển dụng cho ứng viên…). Bước 2 là sơ vấn khả năng kỹ thuật với một kỹ sư của công ty bằng cách kiểm trả khả năng lập trình của ứng viên (thường kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng qua video call). Kết quả đánh giá của bước 2 sẽ quyết định ứng viên có được tiếp tục xem xét cho vị trí cần tuyển người hay không” - Xuân nói.
Anh cũng cho biết, phỏng vấn tại công ty sẽ gồm 4-6 vòng phỏng vấn riêng lẻ. Mỗi vòng kéo dài từ 45 phút tới 1 tiếng. Khoảng 50% những vòng phỏng vấn này được dùng để đánh giá khả năng lập trình. 50% còn lại để đánh giá khả năng giải quyết tình huống khi làm việc tập thể, khả năng lãnh đạo, và thiết kế hệ thống. Hiện nay, do dịch bệnh nên các vòng phỏng vấn tại công ty hầu hết đều thực hiện qua video call.
“Nếu kết quả của các vòng phỏng vấn tại công ty đều tốt, ứng viên sẽ nhận được lời mời làm việc và sẽ được kết nối với một vài teams đang có nhu cầu tuyển dụng trong công ty. Ứng viên sẽ có thời gian để cân nhắc các lựa chọn của mình và thương lượng về các điều khoản của hợp đồng. Toàn bộ quá trình phỏng vấn có thể kéo dài từ 2-3 tuần tới vài tháng” - Hoài Xuân giải thích.
Anh cũng lưu ý, ngoài việc nhận mức lương hết sức cạnh tranh, kỹ sư làm việc cho các công ty công nghệ ở Mỹ còn được nhận một khoản thù lao bằng cổ phiếu công ty (có thể chiếm 30-70%, hoặc cao hơn tổng thu nhập hằng năm nhận từ công ty). Theo dữ liệu từ trang web levels.fyi, một sinh viên mới ra trường làm việc cho Google ở thành phố New York vào năm 2021 có thể nhận mức tổng thu nhập vào khoảng 200.000 USD/năm.
Đồng thời các phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiết kiệm, hưu trí, hỗ trợ pháp luật, … cũng được các công ty quan tâm chu đáo.
Anh nói: “Các công ty cũng rất chịu khó ‘chiều’ nhân viên bằng các chính sách hỗ trợ tiền ăn, tổ chức bếp ăn tại công ty để cung cấp thức ăn hai ba bữa một ngày, cơ sở vật chất cho các hoạt động thể dục thể thao, giải trí... Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều công ty công nghệ ở Mỹ chuyển sang cho phép nhân viên lựa chọn làm việc tại nhà toàn thời gian vĩnh viễn. Nhân viên có thể làm việc ở bất kỳ đâu trong cùng một quốc gia và không cần phải có mặt ở văn phòng mỗi ngày. Điều này giúp cho mỗi người có nhiều lựa chọn để thu xếp cuộc sống riêng của mình và vẫn đảm bảo hoàn thành công việc được giao”.
Bách Khoa là môi trường học tập bổ ích
Hoài Xuân cho biết, chương trình đào tạo ngành Khoa học Máy tính ở Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM trang bị cho anh đầy đủ kiến thức nền tảng để làm việc hiệu quả ở tất cả công ty mà anh từng làm việc. Ngoài kiến thức chuyên ngành, thời gian theo học Bách Khoa còn rèn luyện cho anh hai kỹ năng quan trọng trong công việc hằng ngày.
Đó là khả năng tự học và năng lực Anh ngữ khi tự tìm hiểu một vấn đề chuyên môn kỹ thuật. Các môn học chuyên ngành ở Bách Khoa thường giao cho sinh viên làm những bài tập lớn có tính gợi mở cao. Do đó sinh viên phải tự tìm tòi và đọc hiểu được các tài liệu gốc bằng tiếng Anh chứ không chỉ vận dụng kiến thức được giới thiệu trên lớp. Khi sinh viên đã quen với cách làm này thì bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ bớt cảm thấy bỡ ngỡ vì công việc hằng ngày hầu như không bao giờ bị giới hạn bởi sách vở nào.
Ngoài ra, việc đọc sách chuyên ngành và các báo cáo khoa học bằng tiếng Anh cũng được các thầy cô khuyến khích. Nhờ đó khi theo học chương trình thạc sĩ, phỏng vấn xin việc, hay đi làm trong môi trường quốc tế anh không gặp nhiều trở ngại trong việc giao tiếp và trao đổi các vấn đề chuyên môn với đồng nghiệp người nước ngoài.
“Tôi nhớ những lần làm bài tập lớn cho các môn chuyên ngành của khoa Khoa học Máy tính, đặc biệt là những môn chuyên ngành nền tảng. Hầu như toàn bộ sinh viên trong cùng một khoá đều học chung một môn và làm cùng một đề bài tập lớn. Tôi học được nhiều điều từ các bạn cùng khoá qua những lần thảo luận online và offline khi giải quyết những bài tập như vậy. Đối với tôi, đó là một môi trường học tập cực kỳ bổ ích” - Hoài Xuân bộc bạch.
Anh còn đặc biệt nhớ những lần được tham gia đội tuyển đại diện cho Trường ĐH Bách Khoa dự thi Olympic Tin học Sinh viên toàn quốc ở Nha Trang và Cần Thơ. Đó là những dịp mà anh được học hỏi và rèn luyện nhiều với các bạn sinh viên đến từ khắp mọi nơi. Việc rèn luyện kỹ năng lập trình qua các kỳ thi này đã giúp ích cho anh trong những lần phỏng vấn ở những công ty công nghệ lớn.
BÚT THY
Hãy là người bình luận đầu tiên