Cổng thông tin việc làm

SẼ CỐNG HIẾN CHO CÔNG VIỆC NGHIÊN CỨU VĂN HỌC

  • 21/11/2018
  • Năm 2014, Nguyễn Đình Minh Khuê là Thủ khoa đầu vào của Khoa Văn học và Ngôn ngữ (nay là Khoa Văn học). Bốn năm sau, Nguyễn Đình Minh Khuê lại được xướng danh tại lễ Khai giảng năm học 2018-2019 với tư cách là Thủ khoa tốt nghiệp của Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM.

    Minh Khuê sinh năm 1996, quê ở Cần Thơ, vốn là học sinh lớp Chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng. Sau 4 học đại học, với khóa luận tốt nghiệp đạt điểm 10 tối đa, điểm trung bình tích lũy 9,23, Minh Khuê trở thành thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc năm nay.

     

    Niềm đam mê văn chương mãnh liệt

     

    Minh Khuê chia sẻ về động lực và cảm hứng học tập của mình: “Tôi học Văn đơn giản là một niềm say mê và kính ngưỡng lạ lùng. In dấu sâu đậm trong tuổi thơ của tôi là cái kệ cao ngất của ba mẹ đầy sách giấy vàng đặc trưng thời bao cấp, lỗ chỗ vết gặm nham nhở của mối mọt mà chứa đựng bên trong là những thế giới kỳ diệu được kiến tạo bởi các tác giả bậc thầy, từ Andersen, Alphonse Daudet, anh em Grimm đến Viên Mai, Nguyễn Dữ, Tô Hoài… Tôi cảm thấy đời sống của mình sẽ trở nên tẻ nhạt biết bao nếu không có văn chương. Vì thế tôi bắt đầu lao vào đọc và không ngừng cố gắng bồi tụ kiến văn của mình trong niềm hạnh phúc, hứng khởi rào rạt. Đến nay, điều ấy vẫn chưa bao giờ thay đổi. Như một nghiệp mệnh đeo đuổi”.

     

    Thành tích xuất sắc trong bốn năm đại học của Minh Khuê chính là trái ngọt của cả một quá trình cố gắng lâu dài. Trong đó, phương pháp học tập khoa học là một yếu tố vô cùng quan trọng. Anh tâm sự: “Văn chương rộng lớn, tri thức mênh mông. Vì vậy, vấn đề của người học, người nghiên cứu, theo tôi, không phải là nỗ lực tích lũy toàn bộ (vì hẳn là bất khả), mà là sắp xếp những tri kiến của mình sao cho hợp lý. Tôi thường chia kiến thức vào trong những cái hộp tưởng tượng trong đầu. Hộp Phê bình nữ quyền, hộp Phê bình giải cấu trúc, hộp Văn học Mỹ Latin, hộp Nguyễn Du... và cứ thế mà rót kiến thức vào dần. Hôm nay đọc thêm một nhận định hay về Thiếu Sơn, hãy cất nó vào hộp Phê bình văn học Việt Nam trước 1945, ví dụ thế. Đến lúc cần vận dụng kiến thức ở mảng nào, tâm trí ta chỉ cần tiến đến cái hộp ấy, mở ra và chứng kiến những điều kỳ diệu của tri thức”.

     

    Hoạt động ngoại khóa chưa bao giờ là phụ

     

    Trong thời đại hội nhập, sinh viên ra trường không chỉ cần kiến thức, bằng cấp mà còn phải có những kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng mềm. Việc tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ chính là cơ hội để sinh viên trải nghiệm và trưởng thành hơn. Về điều này, Nguyễn Đình Minh Khuê chân nhận: “Môi trường đại học cho tôi một khoảng thời gian lăn lộn với rất nhiều vai trò, từ chủ nhiệm câu lạc bộ, ủy viên BCH Đoàn cho đến người biểu diễn ca hát, viết thư pháp, người dẫn chương trình, thông dịch viên... Những việc này, với tôi, trước hết là khiến tôi thích thú, hào hứng, sau là giúp tôi có thể tìm thấy những nguồn cảm hứng mới cho cuộc sống gắn liền với nghiên cứu văn chương vốn thâm trầm và khép kín hơn. Nhìn lại quãng đường bốn năm qua, tôi rất biết ơn những hoạt động ngoại khóa ấy, bởi chính chúng vừa giúp tôi khám phá và hoàn thiện được nhiều kỹ năng mà trước đây, tôi chưa hề nghĩ là mình có, vừa bổ trợ khá nhiều kinh nghiệm cho việc học hành, nghiên cứu của tôi. Ví như, công việc chủ nhiệm Câu lạc bộ Cây bút trẻ không chỉ giúp tôi hiểu thêm về vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, học được những kỹ năng truyền thông, hậu cần (những việc tưởng chừng nho nhỏ dễ dàng song vô cùng khó nhằn và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm), mà còn giúp nối kết tôi với nhiều người bạn, người anh trong làng văn thành phố. Những trao đổi, giao lưu khiến việc học văn của tôi chưa bao giờ đẹp và đầy cảm hứng như trong bốn năm qua”.

     

    Ngoại ngữ luôn thiết yếu

     

    Niềm đam mê văn chương thành tích học tập đáng nể của Nguyễn Đình Minh Khuê đã trở thành tấm gương và nguồn cảm hứng cho các sinh viên trong và ngoài khoa phấn đấu. Anh trải lòng: “Thành tích ấy là kết tụ của gần hai mươi năm đi học với chuỗi ngày dài vùi đầu bên đống tài liệu hay những đêm thức trắng để đọc sách, viết luận. Đó cũng là chuỗi dài của nỗi thất vọng và niềm vui sướng, nước mắt và nụ cười. Thành tích ấy khiến tôi càng biết trân trọng hơn, yêu thương hơn những lo lắng, khuyên nhủ, những bài học mà ba mẹ, thầy cô, bè bạn đã dành cho mình. Tuy vậy, tôi hiểu, thành tích này, nói như lời một giáo sư mà tôi vô cùng kính trọng, thực ra chỉ là một viên gạch nhỏ, dù hết sức đẹp đẽ, may mắn, trên con đường còn dài phía trước của tôi. Tôi sẽ không khuyên các bạn cố gắng theo đuổi ngành học này hay dồn hết sức để đạt được một thành tích nào đó. Thành tích hay danh dự là cần thiết. Song điều quan trọng là các bạn hãy cố gắng thấu hiểu cái tự tính đang rung lên mãnh liệt trong tâm hồn bạn. Hiểu để theo đuổi và xây đắp nó. Tôi tin không ai sinh ra để thất bại. Họ thất bại vì không tìm được con đường mà mình giỏi nhất và yêu nhất”.

     

    Mong muốn của Minh Khuê là cống hiến cho công việc nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Anh cho biết: “Bốn năm đại học là quãng thời gian không ngắn không dài để ta thực sự hiểu về mình và là bàn đạp để ta có thể tiến về một tương lai xán lạn hơn. Bước ra ngưỡng cửa đại học, một núi việc đang ập đến với tôi. Hoàn thiện các chứng chỉ ngoại ngữ. Nộp hồ sơ học thạc sĩ tại một nước châu Âu. Ngoài ra còn các dự án nghiên cứu, dịch thuật, các proposal hội thảo đầy ắp liên tục khiến tôi cảm thấy bị đè ép. Nhưng đam mê vẫn phập phồng, nên những áp lực ấy cũng đi qua, rất nhanh. Tôi chỉ mong mình luôn vui khỏe, nhiệt thành và đầy cảm hứng, như hôm nay, để có thể làm được, đóng góp được một chút gì đó, dù rất nhỏ bé, cho nghiên cứu văn học ở Việt Nam”.

     

    Đi cùng với ước mơ là thách thức, mà theo Minh Khuê, khó khăn của việc học văn ở Việt Nam chính là sự hạn chế về tài liệu. Anh chia sẻ: “Thư viện ở Việt Nam chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu học tập, nghiên cứu cơ bản, còn muốn mở rộng, đi sâu vào các vấn đề thì rõ ràng, nguồn tư liệu ấy vừa thiếu vừa thừa. Thừa vì có quá nhiều sách tạp nhạp, ít giá trị. Còn thiếu vì nhiều mảng sách bị bỏ qua, các tài liệu hiếm quý gần như không hề có mặt để phục vụ bạn đọc. Để giải quyết vấn đề ấy, điều khả dĩ nhất có thể làm chính là tiếp cận các tài liệu tiếng nước ngoài. Vì chính điều này, ngoại ngữ luôn thiết yếu đối với những sinh viên muốn theo đuổi công việc nghiên cứu văn chương”. Theo Minh Khuê, ba điều quan trọng cần có của một sinh viên ngành Văn là tình yêu văn chương, phương pháp học đúng đắn và thành thạo ngoại ngữ.

    THUỶ VY (Bản tin ĐHQG-HCM số 190)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên