Khoa học công nghệ

Để công bố quốc tế thành công

  • 26/07/2023
  • Tuệ quyển của một nền giáo dục đại học trước hết được thể hiện qua thẩm quyền của những tiếng nói học thuật, đóng góp những hiểu biết chung cho tri kiến của nhân loại. Một trong những thước đo trực quan cho tuệ quyển này chính là sự hiện diện của các nhà nghiên cứu trên diễn đàn học thuật quốc tế thông qua các công bố khoa học.

    Góp phần đồng hành và gợi mở cho việc công bố quốc tế tại các đại học hiện nay, Bản tin ĐHQG-HCM đã trao đổi về những kinh nghiệm, đúc kết hữu ích của một số nhà nghiên cứu nổi bật tại các trường thành viên ĐHQG-HCM về chủ đề này.

    * PGS.TS Võ Lê Phú, Trưởng khoa Khoa Môi trường và Tài nguyên - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM

    Cần đọc kỹ mục tiêu và phạm vi của tạp chí

    Bài báo khoa học được xem là những viên gạch nền tảng xây dựng năng lực của một nhà nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Chất lượng của các công bố quốc tế là thước đo và là một trong những tiêu chuẩn để các cơ quan tài trợ nghiên cứu hoặc các trường đại học cân đong đo đếm trong quá trình xem xét cấp học bổng (cho các vị trí hậu tiến sĩ), hoặc tài trợ kinh phí cho các đề tài/dự án NCKH, và xem xét, đề bạt học hàm giáo sư, phó giáo sư.

    Ngoài ra, bài báo khoa học của giảng viên, nhà nghiên cứu là sản phẩm tri thức, là kết quả đạt được từ quá trình khám phá, nghiên cứu và tích lũy kiến thức chuyên môn. Vì vậy, các công bố quốc tế không chỉ thể hiện năng lực của người làm nghiên cứu mà còn đóng góp vào nguồn tư liệu tri thức của nhân loại. Có thể nói công bố quốc tế là một hoạt động hiển nhiên của bất kỳ một công trình nghiên cứu và đã trở thành nhu cầu tất yếu của nhà khoa học. Đặc biệt, công bố quốc tế là thước đo năng lực và tầm ảnh hưởng của một nhà khoa học.

    Theo tôi, công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín là một yêu cầu chuẩn mực về nội dung và hình thức của bài báo. Vì vậy, để một bài báo khoa học có khả năng được chấp nhận đăng/công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, nhà nghiên cứu cần lưu ý đến những yếu tố cơ bản như xem xét sự phù hợp về nội dung của bài báo với phạm vi (scope) của tạp chí đó. Nói cách khác, việc lựa chọn tạp chí phù hợp là yếu tố đầu tiên. Tiếp đến là các yếu tố về tính mới và tính học thuật của bài báo; tính logic trong việc thiết kế nghiên cứu; phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu, phân tích dữ liệu; diễn đạt và thảo luận kết quả nghiên cứu. Cuối cùng là năng lực sử dụng tiếng Anh để trình bày kết quả nghiên cứu rõ ràng, mạch lạc và logic.

    Việc lựa chọn một tạp chí phù hợp là điều kiện tiên quyết để bài báo có thể được tổng biên tập (TBT/Editor-in-Chief) duyệt hay không, sau đó mới chuyển sang các bước tiếp theo - gửi (hoặc phân công) cho các phản biện. Mỗi tạp chí đều có mục tiêu và phạm vi (Aim and Scope) cho những lĩnh vực chuyên sâu riêng biệt. Do vậy, bài báo khoa học phải đạt các tiêu chí riêng của tạp chí, có tính mới, tính khoa học thì mới được duyệt và công bố.

    Theo quy trình, sau khi bài báo khoa học được nộp đến tạp chí, TBT hoặc biên tập viên (BTV) là người kiểm tra xem liệu nội dung hoặc lĩnh vực của bài báo có phù hợp, có tính mới, tính khoa học theo yêu cầu của tạp chí hay không. Có thể nói việc quyết định chấp nhận hay không sẽ phụ thuộc vào nhận xét chủ quan của TBT hoặc các BTV được phân công phụ trách bài báo. Thông thường, các tạp chí đều công khai thông tin của các BTV kèm theo lĩnh vực chuyên (môn) sâu của họ. Do đó, trước khi quyết định nộp bài báo cho tạp chí nào đó, tác giả cần đọc kỹ “Aim and Scope” của tạp chí cũng như lĩnh vực chuyên sâu của từng BTV để đề xuất BTV phù hợp nhất với bài báo của mình. Những điều này nên được trình bày rõ trong Thư gửi Ban Biên tập (Cover Letter).

    Đôi khi ý kiến chủ quan của TBT hoặc của các BTV không phù hợp với quan điểm của tác giả bài báo. Trong trường hợp này, tác giả có thể nộp bài báo cho các tạp chí khác phù hợp hơn. Cá biệt, tác giả cũng có thể nộp lại bài báo kèm thư trả lời cho BTV, trong đó giải thích lại hoặc cung cấp thêm chi tiết làm rõ quan điểm của mình về nội dung bài báo.

    * TS Lê Thị Mai Liên - Phó khoa Tâm lý học, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Tâm lý học ứng dụng - Trung tâm nghiên cứu khoa học hành vi, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Bị từ chối cũng là cơ hội để học hỏi

    Tôi đã rèn luyện hơn 4 năm trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tâm lý và Giáo dục (IPSY, Đại học Louvain, Bỉ), thực hiện 3 nghiên cứu trong luận án tiến sĩ và công bố với vai trò tác giả chính 2 bài công bố quốc tế Q1, 1 bài Q2. Quá trình làm nghiên cứu rất vất vả trong mọi khâu, nhưng điều tôi hạnh phúc nhất là khi đọc được các ý kiến của người phản biện (reviewers) và BTV rằng các bản thảo nghiên cứu của mình có giá trị đóng góp và có những khía cạnh độc đáo, mặc dù phải chỉnh sửa một lần hoặc hai lần rồi mới được chấp nhận đăng. Lúc đầu, tôi gặp nhiều trở ngại khi viết bản thảo bằng tiếng Anh, nhưng tôi nhận ra, khó khăn này có thể được giải quyết thông qua các dịch vụ sửa tiếng Anh bản thảo chuyên nghiệp. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng khoa học của nghiên cứu, đến từ ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, cách viết khoa học để truyền tải được kết quả và thông điệp khoa học rõ ràng, mạch lạc cũng như lấp đầy được một khoảng trống nào đó mà các nghiên cứu trước vẫn còn bỏ ngỏ. Tôi đã học rất nhiều khóa viết và truyền thông khoa học. Đến nay, tôi thấy các kỹ năng này rất hữu ích, không chỉ trong nghiên cứu mà trong rất nhiều công việc đòi hỏi về tư duy logic và tính tổ chức.

    Để một bản thảo được tạp chí quốc tế duyệt đăng, nhà nghiên cứu cần cho thấy nghiên cứu có đóng góp, lợi ích cho khoa học (scientific contributions); chẳng hạn, lấp đầy được khoảng trống (fill the gap), thể hiện tính mới/độc đáo (novelty), cập nhật với tri thức hiện thời, phương pháp hoặc kết quả nghiên cứu thể hiện tính độc đáo (novel/original results or methods). Đồng thời, bài báo cần có câu hỏi, giả thuyết rõ ràng, kiểm định các giả thuyết nghiên cứu một cách logic và đáng tin cậy. Bài báo cũng cần tuân thủ đạo đức nghiên cứu và các quy tắc liêm chính khoa học, được viết với văn phong khoa học, thông điệp rõ ràng, súc tích, dễ đọc, hấp dẫn và trực quan thông qua bảng, biểu đồ, hình ảnh. Tất cả yếu tố này nhà nghiên cứu cần thể hiện rõ trong bài báo và thư trình bày (cover letter) để BTV và các nhà phản biện xem xét.

    Mặt khác, khi chọn tạp chí, nhà nghiên cứu cần đọc rõ hướng dẫn cho tác giả (guide for authors), xác định độc giả của mình là ai, hệ số ảnh hưởng (impact factor), mục tiêu, phạm vi các chủ đề mà tạp chí hướng đến; kiểu bài báo được chấp nhận (accepted types of articles) của tạp chí đó: dạng nghiên cứu thực chứng (10.000 chữ) hay báo cáo nghiên cứu ngắn (dưới 4.000 chữ) hay những dạng bài bình luận… Loại hình công bố theo kiểu truyền thống hay truy cập mở (open access), kiểu trích dẫn (reference style)... Đôi khi nhà nghiên cứu cũng cần tìm hiểu tỷ lệ đăng bài, thời gian xét duyệt của tạp chí. Nhà nghiên cứu có thể kiểm tra trong danh sách tài liệu tham khảo các bài báo nghiên cứu trước đó thường đăng trong các tạp chí nào để xác định độ phù hợp về mặt mục tiêu và phạm vi của nghiên cứu.

    Nhà nghiên cứu cũng có thể trao đổi với những đồng nghiệp đã có kinh nghiệm làm việc với các BTV hoặc các phản biện (ẩn danh) trong quá trình review để xem xét liệu việc lựa chọn tạp chí đó có phù hợp hay không trước khi ra quyết định. Nếu bài báo bị từ chối (reject), nhà nghiên cứu sẽ mất thêm thời gian chọn lựa các tạp chí khác để sửa lại bài và nộp lại. Tuy vậy, không nên coi rằng việc bị từ chối là hoàn toàn tiêu cực, vì đó cũng là một cơ hội để nhà nghiên cứu cải thiện hơn nữa sản phẩm khoa học của mình. Điều này được thể hiện qua việc BTV và các phản biện phúc đáp những điểm thiếu thuyết phục trong bản thảo của nhà nghiên cứu.

    * PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Bộ môn Ứng dụng Tin học, Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM

    Lựa chọn tạp chí phù hợp với bài báo

    Công bố bài báo quốc tế chính là nguồn động lực để giúp các giảng viên và nhà nghiên cứu có thể tìm tòi và bắt kịp những tri thức mới liên quan lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy của mình. Điều này còn giúp họ đề xuất những đề tài nghiên cứu phù hợp cho sinh viên, học viên cao học, và nghiên cứu sinh.

    Theo tôi, để một bài báo có khả năng được các tạp chí quốc tế uy tín chấp nhận đăng, nhà nghiên cứu cần phải tập trung nghiên cứu và lựa chọn các bài toán phù hợp, nhất là các bài toán mới, đang được cộng đồng khoa học quan tâm. Nếu chúng ta có thể đưa ra các phương pháp mới giải quyết các bài toán khó và thách thức chắc chắn sẽ được chấp nhận đăng. Tuy nhiên, ngay cả khi có kết quả khả quan, việc viết bài báo tốt và truyền tải được nội dung nghiên cứu của mình cũng phải được xem xét kỹ lưỡng. Tôi từng tham gia phản biện cho nhiều tạp chí tốt, khá nhiều bài có kết quả mới nhưng viết rất ẩu và không diễn đạt rõ ràng phương pháp nghiên cứu của mình đã bị các tạp chí này từ chối đăng.

    Một yếu tố khác trong việc tăng khả năng công bố quốc tế thành công là mức đầu tư của nhà nghiên cứu dành cho bài báo của mình. Như lĩnh vực máy học và khoa học dữ liệu của tôi, một bài báo đạt kết quả tốt, đủ sức gửi đi các tạp chí quốc tế uy tín, thường mất ít nhất từ 6-12 tháng. Mặt khác, nhà nghiên cứu cần xem xét lựa chọn tạp chí quốc tế phù hợp với kết quả mình hiện có để tăng khả năng được chấp nhận đăng cao nhất. Chúng ta cần phải đánh giá khách quan kết quả nghiên cứu của mình để đưa ra những lựa chọn hợp lý. Dĩ nhiên, nếu kết quả mình nhỏ quá thì không thể hy vọng sẽ được các tạp chí lớn chấp nhận đăng. Nếu kết quả của chúng ta tốt và giải quyết được những câu hỏi nghiên cứu khoa học mà các nhà khoa học cùng ngành quan tâm, chúng ta cứ mạnh dạn nộp các tạp chí lớn để thử sức và để nhận được các ý kiến đóng góp, phản biện từ các nhà chuyên môn uy tín của tạp chí.

    Tôi từng gửi một số bài báo đạt kết quả tốt cho các tạp chí đầu ngành, dù một vài lần đầu bị từ chối, nhưng nhờ các ý kiến phản biện hết sức kỹ lưỡng của các nhà phản biện, nhóm nghiên cứu của tôi tiếp tục mở rộng kết quả và cải tiến các thí nghiệm liên quan. Cuối cùng, những bài báo của chúng tôi đã được chấp nhận đăng ở các tạp chí quốc tế lớn, có thứ hạng cao.

    Cuối cùng, việc hợp tác với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước cũng là một yếu tố hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nếu có cơ hội làm việc với các nhà khoa học đầu ngành, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ, chúng ta có thể học hỏi ở họ rất nhiều điều.

    PHIÊN AN ghi

    Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier chia sẻ bí quyết xuất bản bài báo quốc tế

    Ông Nicholas Pak - Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier, đã có những chia sẻ quan trọng về cách thức công bố bài báo quốc tế tại Hội thảo “Kỹ năng khai thác nguồn tin KHCN và viết bài báo khoa học quốc tế” do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào cuối tháng 4 vừa qua.

    Ông Nicholas Pak lưu ý, các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao không hy vọng nhận được những bài báo có câu văn quá dài. Một số nghiên cứu đã cho thấy người Mỹ hoặc Anh khi phải đọc 20 từ tiếng Anh trong một câu, họ sẽ bắt đầu thấy khó hiểu.

    Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier khuyên rằng các nhà nghiên cứu cần phải tìm hiểu xem các dữ liệu của mình sẽ được phát triển và ứng dụng như thế nào trong 2-3 năm tới. Khi đó, BTV sẽ dễ dàng chấp nhận bài báo của chúng ta hơn.

    Theo ông Park, một vấn đề khác mà các nhà nghiên cứu thường gặp phải là tìm tạp chí phù hợp với bài báo của mình. Ông gợi ý, trước nhất, chúng ta phải tìm hiểu mục tiêu của tạp chí mà mình dự định công bố là gì. Những ý tưởng nghiên cứu nào sẽ được TBT/BTV của tạp chí đó quan tâm.

    “Có thể bản thảo của chúng ta không sai, nhưng những ý tưởng, cách tiếp cận và niềm tin khoa học của TBT/BTV của tạp chí đó không tương thích với bài báo của chúng ta nên nó không được chấp nhận” - ông Nicholas Pak chia sẻ.

    PHAN YÊN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên