Chiều 10/10, tại Hội trường 512 Nhà điều hành, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội thảo “Giảng dạy E-learning tại ĐHQG-HCM và định hướng phát triển theo mô hình giáo dục 4.0”. PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Hảo - Phó Ban Ban Đại học ĐHQG-HCM đã trình bày tham luận Giảng dạy E-learning và định hướng phát triển theo mô hình giáo dục 4.0. Theo TS Nguyễn Thị Hảo giảng dạy E-learning có nhiều ưu điểm như cung cấp nhiều cơ hội học tập, thúc đẩy việc giảng dạy theo tiếp cận lấy người học làm trung tâm cũng như tiết kiệm chi phí đào tạo. Tuy nhiên, giảng dạy E-learning cũng có nhiều nhược điểm như việc thiếu tương thác “thật” giữa người dạy và người học, khó kiểm tra gian lận trong làm bài kiểm tra cũng như làm giảm vai trò tác động tích cực của giảng viên đến sinh viên.
Từ những phân tích cụ thể, TS Nguyễn Thị Hảo đã đề xuất các điều kiện để triển khai giảng dạy E-learning tại ĐHQG-HCM bao gồm việc đảm bảo nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp, xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống quản lý chương trình đào tạo, hoạt động học tập giảng dạy theo chuẩn đầu ra…
Hội thảo cũng lắng nghe tham luận Blended Learning kinh nghiệm triển khai tại Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM của TS Nguyễn Duy Anh. Theo TS Anh, để việc giảng dạy E-learning có hiệu quả thì cần có kinh phí để khuyến khích đội ngũ trợ giảng, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối mạng hiện đại, ổn định cũng như có kế hoạch xây dựng phần mềm quản lý, kiểm tra đánh giá đồng bộ, tiện dụng.
Kết luận hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân đề nghị các trường đại học thành viên ĐHQG-HCM đăng ký với tổ đề án để thực hiện giảng dạy E-learning, bên cạnh đó tổ đề án cũng cần xây dựng các chính sách, khung chương trình cụ thể cũng như có các chương trình đào tạo, huấn luyện để thầy cô ở các trường làm quen với giảng dạy E-learning.
Tin, ảnh: ĐỨC LỘC
Hãy là người bình luận đầu tiên