Sau đại học

Dịch văn học nhìn từ góc độ giao lưu văn hóa và lý thuyết giao tiếp (khảo sát một số tác phẩm văn học Việt Nam và Hàn Quốc - NCS. Kim Joo Young

  • 28/05/2019
  • Tên đề tài luận án tiến sĩ : “Dịch văn học nhìn từ góc độ giao lưu văn hóa và lý thuyết giao tiếp (khảo sát một số tác phẩm văn học Việt Nam và Hàn Quốc” 
    Chuyên ngành:  Lý luận văn học 
    Mã số:  62.22.32.01 
    Họ và tên nghiên cứu sinh:  Kim Joo Young   
    Người hướng dẫn khoa học:  (hướng dẫn 1) TS. Nguyễn Nam,  
                                                        (hướng dẫn 2) PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân 
    Tên cơ sở đào tạo:  Trường Đại học KHXH&NV - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 


    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) 

       Với hai mục đích – một là trình hiện tình hình giao lưu phiên dịch tác phẩm văn học giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang được triển khai trong tình trạng mất cân đối, và hai là cung cấp ví dụ tham khảo cho hành vi phiên dịch thực tế và tạo ra cơ hội hiểu sâu sắc hơn về hành vi phiên dịch văn học và dịch phẩm, luận án đã nghiên cứu (1) tình hình giao lưu phiên dịch tác phẩm văn học giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong bối cảnh giao lưu văn hóa giữa hai nước, và (2) hai quá trình phiên dịch văn học như “hành vi thông diễn nguyên tác” thông qua việc phân tích bản dịch gián tiếp tiếng Hàn Jeonjaeng-ui seulpeum 전쟁의 슬픔 của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và “việc viết lại nguyên tác cùng sự ảnh hưởng của quá trình xuất bản” thông qua việc phân tích bản dịch tiếng Việt Hãy chăm sóc mẹ từ nguyên tác tiếng Hàn Eommaleu butakhae 엄마를 부탁해. Đặc biệt, khi nghiên cứu “hai quá trình phiên dịch văn học” này, luận án đã vận dụng phương pháp nghiên cứu phân tích, so sánh nội dung của từng dịch phẩm, và tham khảo nội dung phỏng vấn dịch giả. Luận án đã mô tả đặc trưng của quá trình phiên dịch cụ thể thông qua việc tổng hợp các sự khác biệt và mối quan hệ nhân quả đã được xác nhận giữa văn bản nguồn và văn bản đích theo hai khái niệm “hành vi thông diễn nguyên tác” và “tính (bất) khả kiến dịch giả”. Từ những kết quả đã đạt được, luận án cho rằng chỉ khi đảm bảo được hai yếu tố “tính độc lập của dịch phẩm đối với nguyên tác trên tiền đề của khả năng thông diễn đa dạng” và “tính tự do và vị thế cho dịch giả trong quá trình phiên dịch”, một bản dịch tốt mới được hình thành và giao tiếp phiên dịch lành mạnh mới được thiết lập. Dựa trên cơ sở này, giao lưu phiên dịch văn học cũng mới có khả năng phát triển. 


    + Những kết quả của luận án

    1. Luận án đã giới thiệu cô đọng tổng quan về Phiên dịch học, từ đó cung cấp một cái nhìn khái quát về lịch sử nghiên cứu và xu hướng nghiên cứu về Phiên dịch học trên thế giới. 
    2. Luận án đã cung cấp một khảo cứu và các tư liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay về tác phẩm văn học dịch Việt-Hàn và Hàn-Việt. Trong phạm vi khả năng điều tra của mình, luận án đã sưu tập tất cả những dịch phẩm từ quá khứ đến hiện tại, phân tích so sánh những đặc trưng của giao lưu phiên dịch tác phẩm văn học song phương, từ đó đề ra những nhận định khái quát về tình hình giao lưu phiên dịch tác phẩm văn học giữa hai nước. 
    3. Luận án đã phân tích những trường hợp phiên dịch cụ thể theo một số hướng tiếp cận khác nhau, từ đó đã đưa ra một số kết quả đáng chú ý. 
    4. Luận án đã vận dụng một số lý thuyết của Phiên dịch học vào một số trường hợp của phiên dịch văn học Việt-Hàn và Hàn-Việt. Trong đó, hướng tiếp cận các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng tới hành vi phiên dịch của dịch giả (như nhà xuất bản và các yếu tố xung quanh trong quá trình phiên dịch văn học) là hướng tiếp cận hoàn toàn mới mẻ trong thực tiễn nghiên cứu về phiên dịch văn học ở Việt Nam. 


    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu  

       Luận án có ý nghĩa khoa học cũng như ý nghĩa thực tiễn khi ở Việt Nam chưa thật sự có điều kiện nghiên cứu và vận dụng lý thuyết Phiên dịch học. Những tư liệu đầy đủ nhất về tác phẩm văn học dịch Việt-Hàn và Hàn-Việt do luận án cung cấp sẽ góp phần cho việc nâng cao chất lượng của giao lưu tác phẩm văn học giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Riêng hai nghiên cứu trường hợp trong luận án sẽ là những ví dụ tốt cho những nghiên cứu tương tự về sau, đồng thời cũng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc dịch văn học nước ngoài của các dịch giả. 
       Luận án cho rằng rất cần thiết phải xây dựng kho dữ liệu có thể hỗ trợ việc dịch trong thực tế bằng cách khảo sát phân tích nhiều trường hợp phiên dịch từ các góc độ đa dạng, nhưng do quy định hạn chế, luận án chỉ mới có thể phân tích được hai trường hợp. Bên cạnh đó, luận án vẫn chưa thể tiến hành nghiên cứu chuyên sâu từ góc độ vĩ mô về một số vấn đề như “quan hệ giữa các vấn đề cấu trúc xã hội với hành vi phiên dịch” hay “sự ảnh hưởng giữa mối quan hệ quốc tế với giao lưu phiên dịch”, v.v… 
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên