Đề tài: Diễn ngôn biên sử trong tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986: trường hợp Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 9220120
Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Gấm
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Thành Thi
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án:
Luận án nghiên cứu nội dung và chiến lược diễn ngôn biên sử trong tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 thông qua nghiên cứu trường hợp tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Quốc Hải và Nguyễn Xuân Khánh. Luận án sử dụng quan niệm diễn ngôn và hệ thống lý thuyết tự sự học của Nga làm cơ sở tiếp cận. Phương pháp loại hình và phương pháp so sánh được sử dụng xuyên suốt quá trình nghiên cứu nhằm xác định mô hình thể loại diễn ngôn biên sử, tìm điểm tương đồng và khác biệt giữa các tác phẩm. Qua khảo sát, luận án xác định tiểu thuyết lịch sử của ba nhà văn tương ứng với ba mô hình kiến tạo diễn ngôn lịch sử của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Tác phẩm của Hoàng Quốc Hải phát triển diễn ngôn theo chiến lược của mô hình truyền thuyết, kiến tạo lịch sử như là hành trình sự kiện quốc gia gắn với vai trò dẫn dắt của triều đình trung ương. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh phát triển diễn ngôn theo chiến lược của mô hình dụ ngôn, kiến tạo lịch sử như là sự va chạm, xung đột các tư tưởng hệ. Tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác phát triển diễn ngôn theo chiến lược của mô hình tiểu sử, kiến tạo lịch sử như là tình thế đời sống và trải nghiệm các nhân. Thông qua phân tích nội dung và chiến lược diễn ngôn trong tiểu thuyết của ba nhà văn, luận án xác định các hình thức kiến tạo lịch sử trong văn học Việt Nam thời đổi mới, đồng thời chứng minh tính khả dụng của lý thuyết diễn ngôn trong việc hoá giải nan đề sự thực – hư cấu và giá trị của các kiến tạo lịch sử.
+ Những kết quả của luận án:
1. Luận án hệ thống quan điểm về tự sự lịch sử và tình hình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam sau năm 1986, qua đó xác định những thành tựu đáng ghi nhận, những bất cập còn tồn tại.
2. Luận án hệ thống lý thuyết diễn ngôn từ góc nhìn tự sự học ứng dụng Nga, chứng minh tính khả dụng của lý thuyết trong việc hoá giải các nan đề tự sự lịch sử. Luận án hệ thống các mô hình diễn ngôn biên sử sử dụng thể nguồn: truyền thuyết, dụ ngôn, tiểu sử mà các lý thuyết gia tự sự học Nga đề ra. Bên cạnh đó, luận án còn chứng minh phương diện cách tân của các tác phẩm văn học rất đa dạng: vừa sử dụng một thể loại hạt nhân làm mô hình biên sử vừa phức hợp thể loại nguồn khác nhằm đạt được ý đồ diễn ngôn, chuyển tải thông điệp mang hơi thở thời đại (trường hợp tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Mộng Giác).
3. Luận án chứng minh tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác tiêu biểu cho ba mô hình chiến lược biên sử trong văn học Việt Nam thời đổi mới: truyền thuyết, dụ ngôn và tiểu sử. Qua đó, luận án góp phần xác định sự đa dạng của các mô hình biên sử, vai trò, vị thế của chúng trong bức tranh văn học Việt Nam thời đổi mới.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Với những kết quả trên, luận án “Diễn ngôn biên sử trong tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986: trường hợp Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh” có thể là:
(1) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam thời đổi mới.
(2) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy lý thuyết diễn ngôn văn học và lý thuyết tự sự học.
Từ những kết quả trên, luận án gợi mở các nghiên cứu mới, thú vị về:
(1) Mối quan hệ văn học và sử học trong diễn giải quá khứ.
(2) Các thẩm quyền diễn ngôn trong tự sự lịch sử (người phát, đối tượng tham chiếu và người nhận).
(3) Hình tượng lịch sử và hình tượng văn học.
Hãy là người bình luận đầu tiên