Gặp bà trong một sáng Chủ nhật, giữa Sài Gòn, sau khi được dự thính – trực tiếp nghe bà giảng, xem bà dạy và được bà chia sẻ về nghề giáo cũng như công việc nghiên cứu, tôi hiểu vì sao bà – GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng, giảng viên Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM được Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia trao tặng giải thưởng này.
Năm 2016, Giáo sư Phụng là cá nhân duy nhất được vinh danh.
Sinh ra dành cho nghề giáo
Ra trường năm 1977, GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng được trường giữ lại làm giảng viên nên bà bảo “nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề”. Dù vậy, bà tỏ ra là một người sinh ra để dành cho nghề giáo. Bằng chứng là tròn 40 năm qua – suốt quãng đời lao động cống hiến của một con người – bà vẫn sáng chiều đi đi về về giữa nhà và trường, gắn bó với học trò, bục giảng và phòng thí nghiệm.
Trong các phân ngành hóa học, Giáo sư Phụng chọn Hóa hữu cơ. Nhờ vậy bà có nhiều năm theo đuổi hướng nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là những loài chưa được khoa học nghiên cứu hay chỉ nghiên cứu sơ bộ. Bà phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt đối với sự phát triển của tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường, nám da, Alzheimer…
Kết quả các công trình nghiên cứu của bà đã làm phong phú thêm kho tàng cây thuốc Việt Nam, đồng thời cung cấp dữ liệu cơ sở cho các nhà khoa học định hướng nghiên cứu tài nguyên, phục vụ cho nền công nghiệp dược Việt Nam và thế giới.
“Thò tay mặt đặt tay trái”
Học trò của Giáo sư Phụng không ai không nhớ câu “thò tay mặt, đặt tay trái” – câu nói cửa miệng của người phụ nữ Nam bộ này. TS Tôn Thất Quang, Phó Bộ môn Hóa hữu cơ cho biết: “Động viên học trò nghiên cứu, không ngại khó, ngại khổ trong nghiên cứu khoa học, cô Phụng thường nói ‘Hóa học mà, phải nghiên cứu, bắt tay vào thí nghiệm mới ra kết quả được, phải thực hành, phải ‘thò tay mặt đặt tay trái’ vào mà làm”.
Anh Đinh Minh Văn – học viên cao học chuyên ngành Hóa Hữu cơ Trường ĐH KHTN, chia sẻ: “Tôi được học với cô từ năm II đại học, lúc nào cũng vậy, dù lớp đại cương với số lượng sinh viên đông hay là lớp nhỏ, cô cũng vừa giảng vừa ‘chạy’ khắp lớp, quan tâm từng người một. Trong phòng thí nghiệm có đến 50 sinh viên, cô không chỉ nhớ từng người mà còn biết rõ người nào đang thí nghiệm đến đâu, rồi cô hối thúc, nhắc nhở liên tục”.
“Phòng thí nghiệm không phải lúc nào cũng đủ thiết bị và hóa chất nên đôi lúc chúng tôi bỏ dở công việc. Lúc đó cô liền bắt chúng tôi không có chất này thì tìm chất khác, hoặc phải đi mượn, đi xin, tìm cách mà làm. Cô nói ‘thiết bị này có thể tự thiết kế vầy nè’ rồi cô làm thị phạm. Không chỉ kiến thức, chúng tôi còn học ở cô một lòng nhiệt huyết, sự nỗ lực không mệt mỏi trong nghiên cứu” – Anh Đinh Minh Văn nói thêm.
Mỗi ngày một bài kiểm tra ngắn
Một đặc điểm của “cô giáo Phụng” so với nhiều giảng viên khác là mỗi buổi đến lớp, bà đều cho sinh viên làm một bài kiểm tra ngắn. Trung bình một môn học 45 tiết, sinh viên phải làm 11 bài kiểm tra với 11 cột điểm để tính điểm chuyên cần. “Các bài này được cô sửa cẩn thận từng chi tiết, chỗ nào sai cô đánh dấu trừ cho chúng tôi nhớ. Lớp rất đông mà ngày nào cũng có bài tập. Nhiều lúc tôi thấy cô giống… siêu nhân vậy” – Anh Đinh Minh Văn cười nói.
Thấy bà thường xuyên ôm việc về nhà rất nhiều, chồng bà xót lòng nên hay trêu bà là “Phụng khùng”, nhưng bà vẫn duy trì việc này trong suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ, “các bài kiểm tra ngắn trong lớp là một cách giúp sinh viên nhanh nắm vấn đề. Qua cách làm bài của các em, mình biết các em hiểu đến đâu, hay dở chỗ nào. Việc này cũng giúp mình phát hiện những sinh viên giỏi để sớm bồi dưỡng và đào tạo chuyên sâu” – bà giải thích.
Nhờ cách làm này, bà hiểu rõ từng sinh viên. Khi giới thiệu sinh viên mình đến với các chương trình học bổng, bà đều nhận xét rất tỉ mỉ, chi tiết giúp các đối tác tin tưởng và cấp học bổng cho sinh viên dễ dàng hơn.
Không chỉ gần gũi với sinh viên, học viên cao học mà các thầy cô trưởng khoa, phó khoa từng là học trò của bà cũng được bà “theo sát”, hễ gặp mặt là bà nhắc việc nghiên cứu, viết bài cho các hội thảo, tạp chí. Bà cho rằng, “mình phải nhắc chừng vậy để các bạn làm công tác quản lý không sao lãng việc nghiên cứu khoa học”.
Bà nói: “62 tuổi rồi, chuẩn bị nghỉ hưu, nên giờ mình chỉ tham gia chứ không chủ trì các đề tài nữa. Mình tham gia để đứng bên các em, hỗ trợ các em nghiên cứu”. Rồi bà ví mình như cây tre già trong một bụi tre với nhiều cây đang vươn mình và đầy măng non phía dưới. Lúc so sánh như vậy, trong mắt bà đang ánh lên một niềm hạnh phúc ngập tràn, một niềm vững tin vào tương lai của thế hệ trẻ.
Tối 7/3, Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia đã trao tặng và vinh danh 1 tập thể và 1 cá nhân nhận xuất sắc năm 2016.
Giải cá nhân thuộc về GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng, giảng viên Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM. Giải tập thể được trao cho 5 nhà khoa học nữ nghiên cứu cơ bản định hướng về khoa học và công nghệ nano, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Giải thưởng Kovalevskaia được thành lập nhằm tôn vinh và động viên các nhà khoa học nữ Việt Nam có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Trong 30 năm qua, Quỹ giải thưởng này đã trao tặng cho 61 cá nhân và tập thể nhà khoa học nữ tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng.
Minh Châu
Hãy là người bình luận đầu tiên