Tên luận án: Hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo: một tiếp cận hệ thống
Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
Mã số chuyên ngành: 62340102
Nghiên cứu sinh: Huỳnh Thị Minh Châu
Tập thể hướng dẫn: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuân và TS. Trương Thị Lan Anh
Cơ sở đào tạo: Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu tổng quát của Luận Án này là dựa trên quan điểm hệ thống để đề xuất và kiểm định định lượng một mô hình lý thuyết mô tả ảnh hưởng của một số yếu tố cấp cá nhân liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo lên một số tiêu chí đo lường hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo. Mô hình này có thể dùng để đo lường và kiểm soát hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo thông qua các yếu tố ảnh hưởng quan trọng liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo. Mục tiêu cụ thể: (1) kiểm tra ảnh hưởng của hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo lên một số tiêu chí đo lường hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo, thông qua hành vi học tập không chính thức trong đội ảo, với sự điều tiết của sự phân tán địa lý của đội ảo; (2) kiểm tra ảnh hưởng của ý định tiếp tục sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo, sự hài lòng với việc sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo, thói quen sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo và sự trao quyền tâm lý trong đội ảo lên hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo.
Đối tượng nghiên cứu của Luận Án này là cách thức và mức độ ảnh hưởng của một số yếu tố cấp cá nhân liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo lên một số tiêu chí đo lường hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo. Có 05 lý thuyết chính phục vụ cho nghiên cứu: (1) Lý thuyết về sự năng động của nhóm; (2) Lý thuyết hệ thống; (3) Lý thuyết xác nhận - kỳ vọng; (4) Lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ; (5) Lý thuyết về học tập không chính thức. Luận Án này sử dụng hệ nhận thức luận hậu thực chứng làm nền tảng tiếp cận nghiên cứu và sử dụng cách tiếp cận định lượng để kiểm định thực nghiệm cho lý thuyết. Quy trình nghiên cứu gồm 03 giai đoạn: (1) Hình thành đề tài nghiên cứu; (2) Nghiên cứu sơ bộ - gồm 02 bước: (i) nghiên cứu định tính sơ bộ, (ii) nghiên cứu định lượng sơ bộ; (3) Nghiên cứu chính thức. Trong đó, mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 10 yếu tố và 14 giả thuyết nghiên cứu. Thang đo của các yếu tố này được kế thừa từ các nghiên cứu có trước rồi hiệu chỉnh thông qua nghiên cứu sơ bộ cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu. Nghiên cứu chính thức được tiến hành nhằm kiểm định thang đo và kiểm định cấu trúc của mô hình nghiên cứu. Đối tượng khảo sát là các cá nhân đang tham gia làm việc trong các đội ảo thuộc các doanh nghiệp. Mẫu được thu thập theo kiểu thuận tiện và phát triển mầm từ các đội ảo thuộc các doanh nghiệp có cơ sở tại Việt Nam và thỏa các điều kiện sàng lọc.
Cỡ mẫu chính thức là 619. Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS và Amos với các phương pháp phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích EFA, phân tích CFA, phân tích SEM và phân tích MGA. Bộ thang đo sau khi kiểm định đạt độ tin cậy và độ giá trị, có thể dùng để đo lường các yếu tố trong mô hình. Mô hình sau khi kiểm định gồm 13 mối quan hệ, mô tả ảnh hưởng của 07 yếu tố cấp cá nhân liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo lên 03 tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo. Từ kết quả nghiên cứu, một số thảo luận được đưa ra xoay quanh: (1) các tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo; (2) ảnh hưởng của hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo lên hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo thông qua hành vi học tập không chính thức trong đội ảo và với sự điều tiết của sự phân tán địa lý của đội ảo; (3) ảnh hưởng của các kết quả làm việc thông qua công nghệ tương tác trước đó trong đội ảo lên hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo; (4) một số thảo luận khác.
2. Đóng góp của luận án
Về mặt khoa học, Luận Án này: (1) Đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu về hiệu quả đội ảo một mô hình đã được kiểm định định lượng mô tả ảnh hưởng của một số yếu tố cấp cá nhân liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo lên một số tiêu chí đo lường hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo. So với các nghiên cứu trước đây về hiệu quả đội ảo, mô hình này có 04 điểm mới: (i) Được xây dựng bằng cách kết hợp hai cách tiếp cận dựa trên quan điểm hệ thống - gồm tiếp cận bằng khung đầu vào-trung gian-kết quả và tiếp cận bằng hệ thống kỹ thuật-xã hội. Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định sự phù hợp của quan điểm hệ thống trong nghiên cứu hiệu quả đội ảo; (ii) Tập trung vào các yếu tố liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo mà có thể ảnh hưởng lên hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo. Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định sự cần thiết của việc nghiên cứu khía cạnh sử dụng công nghệ tương tác trong nghiên cứu hiệu quả đội ảo; (iii) Tập trung vào các yếu tố cấp cá nhân liên quan đến hiệu quả đội ảo. Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định sự cần thiết của việc nghiên cứu các yếu tố cấp cá nhân trong nghiên cứu hiệu quả đội ảo; (iv) Khám phá thêm một tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo là sự hài lòng về cuộc sống của thành viên đội ảo. Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định các tiêu chí đánh giá hiệu quả đội ảo là rất đa dạng, trong đó, sự hài lòng về cuộc sống của thành viên đội ảo là một tiêu chí đáng chú ý trong nghiên cứu hiệu quả đội ảo.
(2) Đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự hài lòng về công việc và sự hài lòng về cuộc sống một bằng chứng thực nghiệm ủng hộ cách tiếp cận từ dưới lên của quan điểm lan tỏa. Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định rằng trong bối cảnh đội ảo, sự hài lòng về công việc có ảnh hưởng tích cực lên sự hài lòng về cuộc sống.
(3) Đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu về sự tiếp tục sử dụng CNTT thêm một bằng chứng thực nghiệm chỉ ra bản chất của hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo là hành vi tiếp tục sử dụng. Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định rằng các kết quả làm việc thông qua công nghệ tương tác trước đó trong đội ảo có ảnh hưởng lên hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo.
Về mặt thực tiễn, Luận Án này: (1) Cung cấp một mô hình mà nhà quản lý có thể dùng để đo lường và kiểm soát hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo thông qua các yếu tố ảnh hưởng quan trọng liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo. Qua đó, nhà quản lý lưu ý rằng để cải thiệu hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo, cần tăng cường hành vi sử dụng công nghệ tương tác, cải thiện các yếu tố ảnh hưởng tích cực lên hành vi này và tăng cường các yếu tố điều tiết tích cực đối với mối quan hệ giữa hành vi này với thành quả công việc trong đội ảo.
(2) Giúp nhà quản lý hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các kết quả làm việc thông qua công nghệ tương tác trước đó trong đội ảo đối với hành vi sử dụng công nghệ tương tác hiện tại trong đội ảo. Qua đó, nhà quản lý lưu ý rằng để tăng cường hành vi sử dụng công nghệ tương tác trong đội ảo ở tương lai, cần cải thiện các kết quả làm việc thông qua công nghệ tương tác trong đội ảo ở hiện tại.
(3) Giúp nhà quản lý hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các hoạt động thuộc hệ thống con kỹ thuật và các hoạt động thuộc hệ thống con xã hội đối với hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo. Qua đó, nhà quản lý lưu ý rằng để nâng cao hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo, cần tăng cường đồng thời các hoạt động thuộc hệ thống con kỹ thuật lẫn các hoạt động thuộc hệ thống con xã hội trong đội ảo.
(4) Giúp nhà quản lý hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo. Qua đó, nhà quản lý lưu ý rằng để cải thiện thái độ chung về cuộc sống của một thành viên đội ảo, cần cải thiện đồng thời cả thành quả lẫn thái độ mà thành viên đó thu được từ công việc trong đội ảo.
(5) Giúp nhà quản lý hiểu rõ hơn về ảnh hưởng điều tiết của các yếu tố thuộc về cấu trúc tổ chức (hoặc thiết kế công việc) đối với quá trình làm việc của thành viên đội ảo. Qua đó, nhà quản lý lưu ý rằng để nâng cao hiệu quả làm việc cá nhân trong đội ảo, cần quan tâm đến các yếu tố thuộc về cấu trúc tổ chức (hoặc thiết kế công việc).
Mặc dù đạt được mục tiêu nghiên cứu nhưng Luận Án này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vì vậy, một số định hướng nghiên cứu tiếp theo đã được đề nghị.
Hãy là người bình luận đầu tiên