Khoa học công nghệ

Hoàn thành 62 nhiệm vụ trong 8 năm thực hiện chương trình Tây Nam bộ

  • 08/12/2021
  • Sáng 8/12, ĐHQG-HCM phối hợp Viện HLKHXH Việt Nam tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến Hội nghị “Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020”. Gần 200 đại biểu là lãnh đạo trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh/thành vùng Tây Nam bộ và các nhà khoa học trong nước tham dự.

    PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ CHUNG

    Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM - cho biết: “Chương trình do Viện HLKHXH Việt Nam và ĐHQG-HCM đồng chủ trì đã thực hiện ba mục tiêu cơ bản: Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững; Triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đã xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020”.

    Đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ KH&CN, ĐHQG-HCM và các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhận định: “Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp ĐHQG-HCM, Bộ TN&MT, Viện HLKHXH Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt cùng các địa phương vùng Tây Nam bộ để tổ chức triển khai hiệu quả chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia nhằm phục vụ bền vững kinh tế xã hội các địa phương vùng Tây Nam bộ thích ứng với biến đổi khí hậu”.

    Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Giám đốc văn phòng Chương trình Tây Nam bộ - cho biết, Chương trình “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” (Chương trình Tây Nam bộ) được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt theo Quyết định số 734/QĐ-KHCN ngày 18/4/2014 nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2014-2019.

    Chương trình được tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2020 theo Quyết định số 3313/QĐ-BKHCN và đến tháng 6/2021 theo Quyết định số 3160/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN.

    “Qua 8 năm, chương trình đã triển khai 62 nhiệm vụ: 21 nhiệm vụ thuộc mảng KHXH&NV và phát triển bền vững; 41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên,  khoa học công nghệ và môi trường. Đặc biệt, 98,39% nhiệm vụ được công bố kết quả trên tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế, trong đó có 77 bài báo quốc tế (đạt tỷ lệ 1,15 bài báo quốc tế/nhiệm vụ), và 250 bài báo trong nước (đạt tỷ lệ 4,03 bài báo tạp chí trong nước/nhiệm vụ)” - PGS.TS Từ Diệp Công Thành đánh giá.

    Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: Phương Anh

    Giám đốc Văn phòng chương trình Tây Nam bộ cũng cho biết, các đề tài, dự án tiêu biểu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ có thể kể đến như: Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành); Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước; Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long (MGIS); Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mê Kông...

    Đồng thời, từ kết quả của Chương trình Tây Nam bộ, ĐHQG-HCM đã tổ chức tọa đàm do Ban Kinh tế Trung Ương, Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM đồng chủ trì với 2 chủ đề: “Bảo vệ môi trưởng và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng và sản phẩm vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

    Buổi tọa đàm này diễn ra vào tháng 10/2021 để cung cấp tài liệu cho Ban Kinh tế Trung ương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030.

    “Chương trình Tây Nam bộ đã huy động các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong cả nước, tập hợp lực lượng khoa học đầu ngành tham gia sâu rộng về mọi mặt. Vì vậy, việc Bộ KH&CN giao ĐHQG-HCM và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam quản lý và triển khai Chương trình là một chủ trương đúng dắn, có tính chiến lược trong nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao ứng dụng công nghệ cho vùng” - PGS.TS Từ Diệp Công Thành khẳng định.

    Hội nghị còn lắng nghe các tham luận đánh giá về chương trình Tây Nam bộ như “Một số kết quả nổi bật Chương trình Tây Nam bộ phát triển kinh tế xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre” của ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bến Tre; “Các đóng góp của Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2019 cho sự phát triển của ngành thủy sản đồng bằng sông Cửu Long dưới góc nhìn doanh nghiệp” của ông Trình Trung Phi - Giám đốc kỹ thuật, Tập Đoàn Việt Úc…

    Được biết, trong giai đoạn tới, ĐHQG-HCM kiến nghị Chính phủ xem xét giao cho đại học này chủ trì triển khai đề án “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”.

    Túi nhựa chứa nước ngọt từ 15 - 30 m3 cho người dân Bến Tre dự trữ trong thời gian hạn mặn hồi tháng 12/2019. Ảnh: Hoàng Nam

    PHƯƠNG ANH - THU THẢO

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên