Ngày 16/4/2021, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức lễ Tổng kết khóa đào tạo “Phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến dành cho giảng viên nồng cốt”. Tham dự buổi tổng kết có PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cùng đại diện Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo phòng Đào tạo và giảng viên (là học viên khóa đào tạo giảng viên về giảng dạy trực tuyến) của các trường đại học thành viên.
Mục đích của buổi tổng kết nhằm đánh giá lại kết quả triển khai công tác dạy và học trực tuyến của các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM trong thời gian qua, nhằm tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới. Buổi tổng kết cũng thảo luận, đóng góp ý kiến về việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2020 của Ban Điều hành Đề án “Mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại tại ĐHQG-HCM, giai đoạn 2018-2022” (Đề án GD 4.0).
Tại buổi tổng kết, các học viên đã lắng nghe TS. Nguyễn Thị Hảo – Quyền Trưởng ban Đại học trình bày tóm tắt về tình hình triển khai công tác đào tạo trực tuyến của ĐHQG-HCM thời gian vừa qua cũng như báo cáo tổng kết chương trình đào tạo giảng viên nòng cốt về phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến của TS. Nguyễn Tấn Đại - Nghiên cứu viên liên kết, LISEC, ĐH Strasbourg, Pháp - phụ trách giảng dạy khóa đào tạo giảng viên về giảng dạy trực tuyến. Theo dữ liệu thống kê khóa đào tạo trực tuyến: số nhóm năng lực công nghệ số mà học viên cần nắm vững là 05 chuyên đề với số lượng học viên đăng ký tham dự là 50 giảng viên. Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, trên 90% các chủ điểm được giảng dạy bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng UPM. Việc triển khai khóa đào tạo trực tuyến nhanh chóng, kịp thời đã giúp ĐHQG-HCM nói chung và Ban Điều hành Đề án GD 4.0 đảm bảo được chương trình đào tạo trong thời điểm khó khăn này (theo đó, thời lượng thiết kế khóa đào tạo là 60 giờ làm việc, gồm 30 giờ làm việc tập trung được chia thành 5 đợt, mỗi đợt 1 ngày (6 giờ), cách nhau 3 tuần (trừ thời gian nghỉ Tết Tân Sửu) và 30 giờ tự học từ xa (2 giờ/tuần)).
TS. Nguyễn Tấn Đại cũng chỉ ra các thuận lợi trong thực hiện giảng dạy trực tuyến: sự chỉ đạo kịp thời của Ban Giám đốc ĐHQG-HCM và Ban Điều hành Đề án GD 4.0; sự tâm huyết, chủ động và đồng thuận, ủng hộ của các học viên là giảng viên đến từ các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM; nền tảng giảng dạy trực tuyến tốt; sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc ĐHQG-HCM. Bên cạnh đó còn có những khó khăn như: thời gian ngắn và gấp khiến nhiều giảng viên chưa kịp thích ứng; hệ thống CNTT và phần mềm chưa được chuẩn bị cho quy mô đào tạo lớn; hệ thống học liệu số còn hạn chế; điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất của học viên còn thiếu.
Tại buổi tổng kết này, học viên đều thừa nhận tầm quan trọng của giảng dạy trực tuyến không chỉ trong giai đoạn có ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà còn như một hình thức bổ trợ đắc lực cho hình thức giảng dạy truyền thống. Mặt khác, học viên cũng góp ý về một số vấn đề liên quan đến khóa đào tạo như: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trực tuyến của ĐHQG-HCM còn hạn chế, sự tương tác giữa giảng viên và học viên còn chưa cao; sự phối hợp và chỉ đạo của Ban Giám hiệu các đơn vị thành viên, trực thuộc với giảng viên cử đi tham gia khóa đào tạo còn chưa chặt chẽ; cơ chế xây dựng minh chứng giảng dạy trực tuyến chưa được chú trọng đúng mức…
Phát biểu kết luận tại buổi lễ tổng kết, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm tái khẳng định xu thế tất yếu của việc ứng dụng giảng dạy trực tuyến như một phần của lộ trình Chuyển đổi số hoạt động đào tạo mà ĐHQG-HCM đã đề ra. Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá cao những ý kiến đóng góp, phát biểu và hy vọng các thầy, cô sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ, phối hợp để thực hiện tốt công tác giảng dạy trực tuyến ngay cả trong giai đoạn hậu COVID. ĐHQG-HCM cũng sẽ sớm tiến hành xây dựng các văn bản, chính sách về giảng dạy trực tuyến dựa trên quy định mới của ĐHQG-HCM để tạo điều kiện cho các thầy cô thực hiện.
Nhân buổi tổng kết này, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm cũng trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến dành cho giảng viên nồng cốt đối với 29/50 học viên đạt yêu cầu.
Hãy là người bình luận đầu tiên