Là một trong những hệ thống đại học lớn của Việt Nam, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã đưa ra một giải pháp dựa trên việc tiếp nhận Đề xướng CDIO để xây dựng mô hình phát triển chương trình đào tạo.
Để có thể triển khai giải pháp này, ĐHQG-HCM đã tận dụng những điểm mạnh sau: 1) sự cộng tác của các khoa trong ĐHQG-HCM để đẩy mạnh những nỗ lực cải cách, giảm chi phí cho quá trình chuyển đổi chương trình đào tạo và tăng khả năng thành công. Lợi thế này các đơn vị riêng lẻ không có được; 2) sử dụng phương pháp tiếp cận toàn diện, có hệ thống của CDIO để cải tiến chương trình đào tạo.
Trên cơ sở áp dụng các nguyên lý CDIO và phát huy sức mạnh hệ thống chúng tôi đã xây dựng một mô hình cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng một Đề án triển khai thí điểm CDIO tại một số khoa của các trường ĐH thành viên và từng bước mở rộng áp dụng cho các khoa khác cũng như các cơ sở đào tạo khác trong cả nước.
Để chuẩn bị những nguồn lực thiết yếu và đặt những bước quan trọng trong giai đoạn đầu triển khai CDIO. ĐHQG-HCM đã mời các chuyên gia CDIO tư vấn và tổ chức hội thảo giảng dạy về CDIO cho các cán bộ quản lý trong năm 2008 và cho các giảng viên trong năm 2009.
Vào tháng 1/2010, ĐHQG-HCM đã xuất bản sách “Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO” [10] trên cơ sở mua bản quyền và biên dịch sách “Rethinking Engineering Education - The CDIO Approach” do Nhà xuất bản Springer phát hành. Đây là tài liệu đầu tiên giới thiệu về mô hình CDIO tại Việt Nam, đúc kết kinh nghiệm áp dụng và tiếp nhận phương pháp tiếp cận CDIO trong việc cải cách chương trình đào tạo kỹ sư của các trường đại học tiên tiến thế giới, một tài liệu giá trị để các trường đại học trong nước nghiên cứu áp dụng.
Song song với những nỗ lực này, từ năm 2009, ĐHQG-HCM đã xây dựng Đề án “Triển khai thí điểm mô hình CDIO tại ĐHQG-HCM cho ngành Kỹ thuật chế tạo và Công nghệ thông tin” với mục tiêu phát triển một mô hình để tiếp nhận, áp dụng và triển khai CDIO cho ĐHQG-HCM nói riêng và các chương trình đào tạo kỹ thuật ở Việt Nam nói chung. Đề án triển khai theo hai hướng áp dụng khác nhau đối với Khoa Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa và Khoa CNTT - Trường ĐH KHTN để đúc rút kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phù hợp. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án tại 2 khoa cũng góp phần hỗ trợ cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và giảm chi phí đối với các hoạt động triển khai chung.
Trên cơ sở đối sánh chương trình đào tạo hiện tại với các tiêu chuẩn CDIO, Đề án đã đề ra 6 nhóm giải pháp chính:
1) Phát triển chương trình đào tạo: nhằm mục đích xây dựng chương trình đào tạo với các môn học hỗ trợ lẫn nhau, và một kế hoạch cụ thể để tích hợp các kỹ năng cá nhân và kỹ năng giao tiếp; các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình, hệ thống, đảm bảo sinh viên đạt được các chuẩn đầu ra theo Đề cương CDIO.
2) Cung cấp kỹ năng thiết kế - triển khai, CSVC phục vụ thiết kế - triển khai: đưa vào chương trình đào tạo các môn thực hành ở trình độ cơ bản và nâng cao nhằm giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng Thiết kế - Chế tạo sản phẩm và hệ thống, cùng với việc tự lĩnh hội các kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội.
3) Nâng cao năng lực giảng viên: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của giảng viên trong việc giảng dạy các kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng cá nhân và kỹ năng giao tiếp; các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống, kỹ năng học tập chủ động.
4) Đổi mới phương pháp dạy và học: áp dụng các phương pháp giảng dạy đảm bảo cung cấp cho sinh viên các trải nghiệm học tập tích hợp nhằm đạt được kiến thức chuyên ngành, cũng như các kỹ năng cá nhân và kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống, phát triển khả năng tự học, tự khám phá tri thức.
5) Đánh giá và kiểm định cấp chương trình: thực hiện công tác tự đánh giá và kiểm định cấp chương trình vì mục đích cải tiến liên tục.
6) Các hoạt động hỗ trợ: tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy quá trình triển khai mô hình CDIO.
ĐHQG-HCM cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành website và diễn đàn về CDIO. Đây là một trong các hoạt động hỗ trợ quá trình triển khai mô hình CDIO tại ĐHQG-HCM. Website này sẽ giúp quản lý dữ liệu và thông tin, chia sẻ tài nguyên và nguồn lực. Đây cũng là cổng thông tin để ĐHQG-HCM giới thiệu các hoạt động về CDIO với các cộng sự và đối tác trên khắp thế giới nhằm chia sẻ và học hỏi các kinh nghiệm, thành quả trong quá trình triển khai áp dụng mô hình CDIO.
Từ ngày 15 – 18/6/2010, ĐHQG-HCM đã cử đoàn công tác tham dự Hội nghị CDIO quốc tế lần thứ 6 tại Canada. Tại Hội nghị, ĐHQG-HCM đã bảo vệ thành công đơn xin gia nhập Hiệp hội CDIO quốc tế và chính thức trở thành thành viên thứ 56 của Hiệp hội CDIO. Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng đã trình bày báo cáo “Development of a Model Framework for CDIO Implementation in Vietnam” và tạo được ấn tượng rất tốt tại Hội nghị vì phương pháp triển khai áp dụng mô hình CDIO tại ĐHQG-HCM.
Vào tháng 12/2010 ĐHQG-HCM tổ chức hội thảo về CDIO với sự tham gia của các trường đại học trong nước và một số trường đại học trong khu vực như Trung Quốc, Singapore và Malaysia. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong bước đầu áp dụng mô hình CDIO, xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo.
Mặc dù việc triển khai CDIO còn một quãng thời gian dài với không ít khó khăn trước mắt nhưng bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Việc triển khai CDIO góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và giảng viên đối với việc xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học. Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo thì việc triển khai mô hình này được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để chuẩn hóa công tác xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Những bài học kinh nghiệm của ĐHQG-HCM trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận mới là cơ sở khoa học và thực tiễn cho các cơ sở đào tạo trên cả nước để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo
Hãy là người bình luận đầu tiên