Tên đề tài: Quan hệ thương mại giữa vùng Nam Bộ với các nước Đông Nam Á từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9229013
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thế Trung
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thị Mai
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt nội dung luận án
Bối cảnh khủng hoảng chính trị, nội chiến và phân liệt ở Đại Việt thế kỷ XVI – XVII đã dẫn đến cục diện Đàng Ngoài và Đàng Trong do chính quyền vua Lê chúa Trịnh và chính quyền chúa Nguyễn quản lý. Sau khi định đô và xây dựng vững chắc chính quyền ở vùng Thuận Quảng, các chúa Nguyễn từng bước xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng Gia Định, nơi đã có những điểm tụ cư đầu tiên của di dân người Việt như tại Mô Xoài (thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay), Đồng Nai, Mỹ Tho, Hà Tiên… Bị chi phối bởi các yếu tố như chiến tranh với Đàng Ngoài, tương quan thế lực với các chính quyền khác trong khu vực và thực lực còn hạn chế, các chúa Nguyễn thực hiện chính sách mềm dẻo, linh hoạt với dụng ý tạo một không gian chính trị “mở” nhằm tận dụng nhóm di dân người Việt, các nhóm di thần, binh sĩ người Hoa “phản Thanh phục Minh” và xung đột chính trị trong nội bộ Chân Lạp để từng bước quản lý về mặt hành chính và khai thác tài nguyên thiên nhiên vùng Gia Định. Được sự “bảo trợ” của chính quyền Đàng Trong, những nhóm người Hoa di cư như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu kiểm soát các tuyến đường sông và các cảng ven biển, thúc đẩy buôn bán với Trung Quốc, Chân Lạp, Xiêm và Đông Nam Á hải đảo.
Trong thế kỷ XVII–XVIII, các hoạt động buôn bán ở vùng Nam Bộ diễn ra trong bối cảnh thương mại Đông Nam Á có những thay đổi đáng kể. Trong thời gian này, các nước phương Tây đã xâm nhập mạnh mẽ và làm thay đổi cấu trúc thương mại và nhu cầu thương phẩm của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh ảnh hưởng của Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ,… thương mại Đông Nam Á chịu sự chi phối ngày càng lớn của các nước phương Tây, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…. Đồng thời, các trung tâm thương mại do hậu duệ của những người Hoa di dân quản lý đã liên kết với nhau, tạo thành một mạng lưới thương mại kết nối Đông Nam Á với các tỉnh thành phía Nam Trung Quốc mà các cảng thị Việt Nam nằm trên mạng lưới đó.
Phong trào Tây Sơn là một sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII. Trốn chạy khỏi sự truy đuổi của binh lính Tây Sơn, Nguyễn Ánh “vào Nam”. Trên đất Nam Bộ, Nguyễn Ánh từng bước xây dựng một chính quyền mới, thường được gọi là Chính quyền Gia Định. Định đô tại Sài Gòn, Nguyễn Ánh thiết lập quan hệ bang giao với Xiêm, quan hệ “thuộc quốc – chư hầu” với Chân Lạp và thực hiện các hoạt động mậu dịch triều đình với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo. Để đáp ứng nhu cầu chiến tranh, Nguyễn Ánh từng bước độc quyền một số mặt hàng như gạo, sắt, diêm tiêu,…. Trong những thập niên cuối thế kỷ XVIII, Nam Bộ trở thành nơi “duy nhất” diễn ra những hoạt động mậu dịch “triều đình” giữa chính quyền Gia Định với các nước Đông Nam Á.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi ở Phú Xuân, nhà Nguyễn chính thức được thành lập. Nam Bộ dưới thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt là địa phương có hoạt động giao thương với các nước Đông Nam Á phát triển nhất Việt Nam. Sự phát triển thương mại vùng Nam Bộ không chỉ là dấu gạch nối cho lịch sử kinh tế vùng đất này mà còn là một ví dụ điển hình về xu hướng “địa phương” trong thống nhất ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX. Nó cũng cho thấy sức sống nội sinh mạnh mẽ của kinh tế thương mại trên vùng đất Nam Bộ và “sự lệch pha” giữa tư duy kinh tế “trọng nông” của đại bộ phận tầng lớp tinh hoa trí thức Nho học trong triều đình Huế và xu hướng “hướng thương” như vốn tài nguyên bản địa của vùng đất Nam Bộ. Ở một phương diện khác, đó là biểu hiện mâu thuẫn giữa mong muốn tập trung hóa và nhất thống hóa quyền lực của chính quyền trung ương và tính phân hóa về mặt quyền lực của phe cánh địa phương; giữa khuôn mẫu đồng nhất (về chính trị lẫn kinh tế) với tính dị biệt và tính đa dạng của địa phương.
Những kết quả của luận án
1. Bằng việc kết hợp cả phương pháp định tính và phương pháp định lượng, kết quả luận án khẳng định rằng thương mại Việt Nam, mà Nam Bộ là vùng lãnh thổ đại diện, đã phát triển liên tục và hội nhập vào thương mại khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Từ đó, luận án gợi mở một cái nhìn mới về lịch sử thương mại Việt Nam.
2. Luận án đã làm sáng rõ những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, cư dân, văn hóa và lịch sử của vùng Nam Bộ và tác động của chúng đối với quan hệ thương mại giữa vùng Nam Bộ với một số nước Đông Nam Á. Trong luận án, quan hệ thương mại giữa vùng Nam Bộ với một số nước Đông Nam Á và cảng thị thuộc địa của các nước phương Tây ở Đông Nam Á hải đảo trong hai giai đoạn (thế kỷ XVII – XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX) đã được tái hiện một cách có hệ thống và toàn diện.
3. Luận án đã làm sáng rõ và rút ra những đặc điểm chủ yếu của thương mại vùng đất Nam Bộ và tác động của chúng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất này trong giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX. Luận án đưa ra những đánh giá về vai trò của thương mại vùng Nam Bộ đối với kinh tế Việt Nam (giai đoạn thế kỷ XVII – nửa đầu thế kỷ XIX).
4. Bằng cách tiếp cận liên ngành và khu vực học, luận án cũng đưa ra một một cách tiếp cận mới khi nghiên cứu về thương mại Việt Nam, đó là tiếp cận từ dưới lên (from the bottom up), từ “bộ phận” đến “tổng thể”. Cách tiếp cận này giúp nhà nghiên cứu vượt qua quan điểm luôn xem nhà nước là chủ thể duy nhất, là nhân tố chi phối tiên quyết và tuyệt đối trong quan hệ thương mại của quốc gia này với quốc gia khác mà bỏ qua vai trò của địa phương cũng như các đối sách của chính quyền địa phương thực hiện trong việc triển khai những chính sách kinh tế của trung ương.
Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
- Thông qua tái hiện lại hoạt động thương mại giữa vùng Nam Bộ với các nước Đông Nam Á, luận án cung cấp những hiểu biết đầy đủ hơn về lịch sử vùng đất Nam Bộ. Những đặc điểm, quy luật phát triển kinh tế của vùng Nam Bộ trong quá khứ mà luận án rút ra có thể sử dụng làm cứ liệu khoa học góp phần hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Nam Bộ hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án còn có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo hữu ích, bổ sung thêm hiểu biết về lịch sử thương mại Việt Nam nói chung, lịch sử thương mại vùng Nam Bộ nói riêng.
Hãy là người bình luận đầu tiên