Từ năm học 2022-2023, Trường ĐH KHXH&NV đã thực hiện tự chủ đại học. Đây cũng là thời điểm PGS.TS Ngô Thị Phương Lan bước vào nhiệm kỳ hiệu trưởng thứ hai của mình. Là một trường đại học thuộc top đầu của khối ngành KHXH&NV, tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với nữ hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường hơn 60 năm tuổi này.
Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Thị Phương Lan để lắng nghe những chia sẻ và dự định của bà nhân dịp bắt đầu một nhiệm kỳ hiệu trường mới.
Xây dựng văn hóa đại học
* Tại Lễ Công bố Quyết định bổ nhiệm lại Hiệu trưởng vào cuối tháng 4 vừa qua, Giám đốc ĐHQG-HCM đã nhấn mạnh Trường ĐH KHXH&NV là đơn vị dẫn đầu trong hệ thống ĐHQG-HCM về gắn kết, phục vụ cộng đồng. Thưa bà, làm thế nào để nhà trường có được thành tựu này?
- Nhà trường nhận thức được tầm quan trọng, mối quan hệ hữu cơ và sự tác động qua lại giữa ba chức năng của một trường đại học, đó là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Theo đó, phục vụ cộng đồng sẽ thúc đẩy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bởi, tất cả hoạt động phục vụ cộng đồng đều dựa trên nền tảng kết quả của nghiên cứu khoa học; đồng thời, phục vụ cộng đồng cung cấp nền tảng thực tiễn cho quá trình nghiên cứu và đào tạo. Ngoài ra, công tác phục vụ cộng đồng được thực hiện tốt sẽ là một minh chứng hữu hiệu cho người học về tính thực tiễn của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Là một trường đại học có nền tảng về nghiên cứu cơ bản, nhà trường đã có chiến lược chuyển tải các kết quả nghiên cứu và đào tạo vào trong công tác phục vụ cộng đồng và xã hội. Trong quá trình đó, nhà trường đã phát huy vị thế là một trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM, là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; là đối tác uy tín của các đơn vị trong và ngoài nước để có thể liên kết các ngành, các lĩnh vực tham gia vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội hiện nay vốn rất phức tạp và đa diện.
Không chỉ vậy, khi triển khai các dự án phục vụ cộng đồng, nhà trường luôn ý thức trách nhiệm và đặt hiệu quả cao nhất theo giá trị cốt lõi của nhà trường: Sáng tạo - Dẫn dắt - Trách nhiệm. Nhờ đó, Trường ĐH KHXH&NV ngày càng khẳng định uy tín của mình đối với các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình đồng hành phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
* Chia sẻ với báo chí khi nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, bà cho biết thành tựu lớn nhất của nhà trường là đã bước vào giai đoạn tự chủ và xây dựng môi trường đại học xanh, hiện đại. Đây hẳn là một chặng đường khó quên đối với bà?
- Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, quả thật, đây là một thách thức rất lớn đối với cá nhân tôi ở cương vị của người lãnh đạo trường trong bối cảnh cả thế giới phải gánh chịu hậu quả của đại dịch COVID-19, và sự cạnh tranh mạnh mẽ đang diễn ra trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhất là về nguồn nhân lực. Trong bối cảnh đó, tập thể lãnh đạo nhà trường đã quyết tâm thực hiện tự chủ đại học, bởi đây chính là một cơ chế có thể giúp nhà trường vươn mình vượt qua khó khăn, thử thách và đạt các thành tựu mới trong tương lai.
Bên cạnh việc không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, nhà trường còn rất chú trọng việc xây dựng ý thức về sự phát triển bền vững và văn hóa đại học. Điều này đã được cụ thể hóa qua chương trình “Đại học Xanh” của nhà trường, nhằm tạo một môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho người học và giảng viên toàn trường. Các hoạt động của chương trình sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho tập thể sư phạm nhà trường, từ đó, lan tỏa ra ngoài xã hội. Để tạo nền tảng cho sự phát triển, nhà trường đã chú trọng đến văn hóa đại học khi xây dựng văn hóa “Người Nhân văn”. Đây là sợi chỉ kết giao giữa các thế hệ người học và người dạy và với những người yêu quý ngôi trường có bề dày truyền thống Văn Khoa - Tổng hợp - Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tập thể sư phạm của nhà trường sẽ là hạt nhân nòng cốt để lan tỏa các giá trị tốt đẹp của văn hóa đại học này.
Kiên định mục tiêu đào tạo khoa học cơ bản
* Bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình cũng là lúc Trường ĐH KHXH&NV thực hiện cơ chế tự chủ. Điều này mở ra cho bà những cơ hội và thách thức nào?
- Thực hiện cơ chế tự chủ giúp nhà trường chủ động trong vận hành một cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, tạo điều kiện để nhà trường phát triển nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong quá trình này, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo và những người yêu quý và chia sẻ với nhà trường, đặc biệt là sự ủng hộ của ĐHQG-HCM và các đơn vị.
Bên cạnh những cơ hội nêu trên, nhà trường còn đứng trước thách thức rất lớn mà cơ chế này đặt ra. Đó là sự chưa đồng bộ giữa Luật Giáo dục Đại học và các luật liên quan đến cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập. Đây chính là khó khăn lớn nhất mà nhà trường phải đối mặt.
Tuy nhiên, đó chỉ là những khó khăn có tính tạm thời. Và nó đòi hỏi tập thể sư phạm nhà trường sẽ phải đoàn kết, kiên trì vượt qua giai đoạn còn những khó khăn, thử thách này.
* Một trong những nhiệm vụ mà Giám đốc ĐHQG-HCM giao cho bà trong nhiệm kỳ mới là cân bằng giữa đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản và các ngành đáp ứng nhu cầu cao của xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, bà sẽ có những giải pháp nào?
- Nhà trường kiên định với mục tiêu đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Đây là nền tảng cho sự phát triển các ngành đáp ứng nhu cầu cao của xã hội. Trên quan điểm đó, nhà trường đã và sẽ có chính sách cụ thể để khuyến khích người học và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản; chẳng hạn: hỗ trợ học phí, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và trải nghiệm của người học, phát triển đội ngũ giảng viên.
Đối với các ngành đáp ứng nhu cầu cao của xã hội, nhà trường không ngừng đầu tư bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tăng cường đào tạo theo hướng liên ngành và hội nhập quốc tế.
* Bà từng cho biết hai dự định, kế hoạch phát triển Trường ĐH KHXH&NV trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình là phát triển nguồn nhân lực và tạo sự đột phá trong công tác đào tạo. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về hai dự định này?
- Thời gian qua, nhà trường đã thực hiện tốt nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi ưu tiên cho mảng nguồn nhân lực và đào tạo, không có nghĩa là nhà trường sẽ xem nhẹ các mảng khác.
Về nguồn nhân lực, nhà trường tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế; tiến hành chuẩn hóa học vị và chức danh theo yêu cầu đối với giảng viên đại học với những hỗ trợ phù hợp; tiếp tục nâng cao đời sống viên chức và người lao động bằng các chế độ đãi ngộ xứng đáng tương ứng với từng vị trí việc làm cụ thể.
Về công tác đào tạo, quốc tế hóa chương trình đào tạo là trọng tâm phát triển của nhà trường trong giai đoạn tới. Nhà trường sẽ tăng cường sự liên thông trong nội bộ và các cơ sở giáo dục đào tạo khác nhau trong và ngoài hệ thống ĐHQG. Sắp tới, một trong những chương trình triển khai sớm nhất, có thể kể đến, đó là sự liên thông giữa hai trường: Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM và Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội.
Trân trọng cám ơn bà đã tham gia trả lời phỏng vấn.
PHIÊN AN thực hiện
Hãy là người bình luận đầu tiên