Tên đề tài: Tác động của Mức độ cạnh tranh đến Quản trị công ty tại các Doanh nghiệp Niêm yết trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam
Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
Mã số: 62.34.01.02
Họ tên NCS: Lê Thị Thoan
Mã số NCS: N17707009
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, TS. Trần Thanh Long
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM.
1. Tóm tắt luận án
Nghiên cứu này đánh giá tác động của mức độ cạnh tranh và chiến lược cạnh tranh đến quản trị công ty, bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam, một quốc gia đang phát triển. Đối tượng nghiên cứu gồm 562 doanh nghiệp phi tài chính trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn từ 2010 đến 2019.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy mối tương quan đáng kể giữa mức độ cạnh tranh và chiến lược cạnh tranh đến quản trị công ty. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy mức độ cạnh tranh ảnh hưởng nghịch chiều đến việc chọn lựa chiến lược chi phí thấp của doanh nghiệp và thuận chiều đến chiến lược khác biệt hóa trong môi trường cạnh tranh cao hơn. Ngoài ra, mức độ cạnh tranh cũng tác động cùng chiều đến quy mô của Hội đồng quản trị, tính kiêm nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, tỷ lệ sở hữu của giám đốc điều hành, nhưng tác động nghịch chiều đến tỷ lệ thành viên độc lập. Ngoài ra, khi theo đuổi chiến lược chi phí thấp cần phải tăng cường tỷ lệ thành viên độc lập để hỗ trợ quá trình ra quyết định đúng đắn, minh bạch và khách quan, đặc biệt là trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo của doanh nghiệp, nhưng giảm quy mô Hội đồng quản trị và tỷ lệ sở hữu của giám đốc điều hành. Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy mức độ cạnh tranh có vai trò điều tiết chiến lược cạnh tranh đến quản trị công ty. Theo đó, khi mức độ cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp cần tăng quy mô Hội đồng quản trị, và tỷ lệ sở hữu của giám đốc điều hành.
Tổng hợp lại, kết quả nghiên cứu không chỉ bổ sung vào lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị công ty mà còn đề xuất những chiến lược cụ thể cho doanh nghiệp về cơ cấu tổ chức và cấu trúc vốn sở hữu. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức và giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển bền vừng trong môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
2. Những kết quả mới của luận án
Nghiên cứu này đem đến những điểm mới quan trọng về các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị công ty ở môi trường kinh doanh của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Điểm mới của nghiên cứu cho thấy mối tương quan đáng kể giữa mức độ cạnh tranh, chiến lược cạnh tranh và quản trị công ty. Ngoài ra, mức độ cạnh tranh có điều tiết chiến lược cạnh tranh đến quản trị công ty. Trong tổng thể, nghiên cứu này không chỉ làm mới lý thuyết về các yếu tố tác động đến quản trị công ty mà còn đề xuất những chiến lược cụ thể cho cơ cấu tổ chức và cấu trúc vốn sở hữu trong quản trị công ty, giúp doanh nghiệp tổ chức kinh doanh hiệu quả.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Nghiên cứu này đóng góp về khả năng ứng dụng cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp niêm yết những ý nghĩa thiết thực. Dựa vào kết quả nghiên cứu về yếu tố tác động đến quản trị công ty cho thấy, khi mức độ cạnh tranh cao thì doanh nghiệp cần tăng quy mô Hội đồng quản trị và tăng tỷ lệ sở hữu của giám đốc điều hành. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu hàm ý cho doanh nghiệp khi theo đuổi chiến lược chi phí thấp cần tăng cường tỷ lệ thành viên độc lập nhưng giảm quy mô Hội đồng quản trị và tỷ lệ sở hữu cổ phần của giám đốc điều hành. Ngược lại, khi doanh nghiệp áp dụng chiến lược khác biệt hóa cần tăng quy mô Hội đồng quản trị, tỷ lệ thành viên độc lập, nhưng giảm tính kiêm nhiệm của giám đốc điều hành, và tỷ lệ sở hữu cổ phần của giám đốc điều hành.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, kịp thời xử lý các vi phạm về quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết nhằm tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, hạn chế của nghiên cứu này là dữ liệu nghiên cứu mới tập trung vào một phần của hệ thống kinh tế, bỏ qua các nguồn dữ liệu khác từ các doanh nghiệp niêm yết thuộc các tổ chức tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và các cơ sở tài chính khác. Nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu để tạo điều kiện cho việc so sánh kết quả với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Hãy là người bình luận đầu tiên