Tin tức - Sự kiện

Thơ bảy âm tiết trong Thơ Mới (1932 - 1945) từ góc nhìn thi luật - NCS. Nguyễn Thị Hồng Sanh

  • 24/06/2020
  • Tên luận án: Thơ bảy âm tiết trong Thơ Mới (1932 - 1945) từ góc nhìn thi luật
    Chuyên ngành: Lí luận Ngôn ngữ
    Mã số: 62.22.01.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Hồng Sanh
    Người hướng dẫn khoa học: GS. TSKH. Lý Toàn Thắng
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
    Luận án Thơ bảy âm tiết trong Thơ Mới (1932 - 1945) từ góc nhìn thi luật được triển khai thành 4 chương. Chương 1 trình bày về những nội dung lí thuyết liên quan đến luận án. Chương 2, 3, 4 lần lượt nghiên cứu các vấn đề thi điệu, thi tiết và thi đoạn của thơ bảy âm tiết. Luận án tiếp cận, nghiên cứu nhịp thơ, cấu trúc tiết điệu thơ và đoạn thơ của thơ bảy âm tiết trong Thơ Mới (1932 - 1945) từ góc nhìn của lí thuyết ngôn ngữ học. Mục đích của luận án là thông qua việc khảo sát, mô tả và phân tích ngữ liệu của 450 bài thơ, 1992 đoạn thơ, 8889 dòng thơ bảy âm tiết giai đoạn Thơ Mới 1932 - 1945 trong Tuyển tập Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm, NXB Hội nhà văn, năm 2001, luận án khái quát nên một số nội dung lí thuyết về nhịp điệu thơ, cấu trúc tiết điệu thơ, chân thơ, bước thơ và đoạn thơ của dòng thơ bảy âm tiết. Từ đó hướng đến việc cấu trúc hoá nhịp điệu, tiết điệu và đoạn thơ bảy âm tiết và nêu lên đặc điểm của nhịp điệu, tiết điệu và đoạn thơ bảy âm tiết. Tất cả đều hướng đến việc chứng minh cho cái mới, cho sự bứt phá của hình thức thơ bảy âm tiết và sức sáng tạo của các nhà thơ trong giai đoạn Thơ Mới. 
    Trên cơ sở phương pháp luận ngôn ngữ học kết hợp với cơ sở lí luận nền tảng của lí thuyết thi học, luận án chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng để thực hiện đề tài. Trong luận án, chúng tôi thống kê, phân loại về nhịp thơ, chân thơ, bước thơ, đoạn thơ... của thơ bảy âm tiết. Tiếp theo tổng hợp số lượng và tính tỉ lệ và khái quát thành các mô hình. Sau đó tiến hành so sánh, đánh giá các số liệu trong một nội dung cụ thể hơn. Đề tài được thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc quy nạp, trên cơ sở thu thập, thống kê, phân tích, xử lí, so sánh tư liệu để tìm ra mô hình nhịp điệu, bài thơ, khổ thơ, chân thơ, bước thơ, tiết điệu. Từ đó, bàn luận và đưa ra những kết luận đánh giá chung về vấn đề được nghiên cứu.
    + Những kết quả của luận án: 
    1. Về mặt lí thuyết, luận án khái quát nên mô hình tiết điệu; đưa ra khái niệm và phân loại về chân thơ, bước thơ; bổ sung các căn cứ xác định nhịp thơ; đưa ra lí thuyết mới về căn cứ xác định đoạn thơ; miêu tả độ dài đoạn thơ, bài thơ của dòng thơ bảy âm tiết.
    2. Tổng kết được thành tựu nghiên cứu của thi luật truyền thống. Xác lập được nội hàm và ngoại diên của bộ máy khái niệm công cụ của thi học phương Đông và cập nhập hệ thuật ngữ của thi luật châu Âu.
    3. Chỉ ra một số đặc điểm về nhịp điệu, đúc kết được một số mô hình nhịp điệu của thơ bảy âm tiết trên cái nền điệu chung nhất là 4/3, chỉ ra được một số biểu trưng ngữ nghĩa-cảm xúc thường gặp do các khuôn hình nhịp điệu của dòng thơ bảy âm tiết mang lại.
    4. Vận dụng một số thuật ngữ của phương Tây để xem xét cấu trúc tiết điệu gồm các hệ thống bước thơ và chân thơ của dòng thơ bảy âm tiết nói chung, thơ bảy âm tiết của Xuân Diệu nói riêng.
    5. Xác lập được một số cấu trúc đoạn thơ gồm cấu trúc điển thể, biến thể và phá thể trong thơ bảy âm tiết; chỉ ra được cấu trúc chức năng, nhất là chức năng thẩm mĩ của một số cấp độ thi đoạn trong tương quan giữa bài thơ, đoạn thơ, câu thơ và dòng thơ. 
    6. Những kết quả nghiên cứu về nhịp điệu, tiết điệu và đoạn thơ bảy âm tiết là cơ sở để nhận diện sự khác biệt của Thơ Mới so với các giai đoạn trước. Từ đó góp phần khẳng định cái mới, sự sáng tạo của các nhà thơ khi sáng tác.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu: Những kết quả từ luận án có thể được ứng dụng trong việc nghiên cứu thơ ca Việt Nam, cụ thể là về nhịp điệu, tiết điệu và đoạn thơ. Hiện nay, vấn đề thi tiết và thi đoạn chưa được khai thác nhiều vì vậy luận án có thể được triển khai theo hướng nghiên cứu về thi tiết và thi đoạn của tất cả các thể thơ trong giai đoạn Thơ Mới hoặc của cùng một thể thơ ở các giai đoạn khác nhau. 

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên