Tin tức - Sự kiện

Triết học chính trị của Thomas Hobbes trong tác phẩm “Leviathan” - NCS. Trần Thị Tươi

  • 07/03/2024
  • Tên đề tài: Triết học chính trị của Thomas Hobbes trong tác phẩm “Leviathan”
    Chuyên ngành: triết học
    Mã số: 9.22.90.01  
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Tươi    
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Trọng Thà, TS. Nguyễn Thị Thùy Duyên
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1.Tóm tắt nội dung luận án         
    Thomas Hobbes (1588 – 1679) là một trong ba đại biểu kiệt xuất của chủ nghĩa duy vật Anh thế kỷ XVII, đồng thời là người đặt nền móng cho triết học chính trị cận, hiện đại. Tư tưởng triết học của T.Hobbes nói chung, triết học chính trị của T.Hobbes trong tác phẩm “Leviathan” nói riêng. Điều kiện phức tạp của nước Anh thời kỳ nội chiến (1642 – 1651) đã ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung thuyết khế ước xã hội của T.Hobbes về sự ra đời của nhà nước và hệ thống quyền lực chính trị. T.Hobbes chỉ rõ, quá trình chuyển từ “trạng thái tự nhiên”, tức trạng thái “người với người là chó sói“,“chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”, sang “trạng thái dân sự” đòi hỏi hạn chế quyền cá nhân, tập trung toàn bộ quyền lực vào tay đấng tối thượng nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh cho mọi công dân. T.Hobbes mô tả đấng tối thượng qua hình ảnh một “thủy quái” có sức mạnh vô song trong Kinh Thánh - Leviathan. Giải pháp mà T.Hobbes đưa ra tuy còn hạn chế về thế giới quan, cũng như yếu tố bảo thủ chính trị, song nó lại bám sát vào điều kiện hiện thực, đồng thời để lại những bài học cần thiết cho quá trình tạo lập một không gian xã hội kết hợp tính pháp quyền trong điều hành và tôn trọng các “thỏa ước” (khế ước) giữa các cá nhân khi chuyển từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái dân sự.
    Hiện nay nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương, đường lối về sự phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Một số luận điểm cơ bản của triết học chính trị T.Hobbes trong tác phẩm “Leviathan” thể hiện mối liên hệ lịch sử giữa quá khứ và hiện tại, quy luật kế thừa của tư tưởng. Có thể nói, ở thời đại lịch sử nào thì nhu cầu hàng đầu của sự phát triển và tiến bộ vẫn là hòa bình và an ninh. Điều này càng có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi mà chiến tranh xung đột, sự đối đầu về chuẩn mực, lý tưởng chính trị vẫn diễn ra sâu sắc, cần được giải quyết trên tinh thần đồng thuận về lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc.
    Luận án tập trung làm rõ trong ba chương, chương 1: tìm hiểu những chuyển biến kinh tế, chính trị - xã hội, tiền đề lý luận hình thành triết học chính trị của T.Hobbes trong tác phẩm “Leviathan”, quá trình hình thành, phát triển triết học chính trị của T.Hobbes; chương 2: phân tích một số nội dung của triết học chính trị trong tác phẩm “Leviathan”, trong đó có nội dung và thực chất thuyết khế ước xã hội, quyền lực chính trị, hình thức nhà nước, quan hệ giữa “quyền” và “luật”, tự do và tất yếu, và một số vấn đề khác; chương 3: phân tích các đặc điểm chủ yếu, giá trị, hạn chế của triết học chính trị T.Hobbes trong “Leviathan” và một số bài học lịch sử từ tác phẩm đó.    
    2. Những kết quả mới của luận án
    Thứ nhất, hệ thống hóa các vấn đề của triết học chính trị Thomas Hobbes trong tác phẩm “Leviathan”;
    Thứ hai, bước đầu làm rõ các đặc điểm cơ bản, giá trị, hạn chế của triết học chính trị Thomas Hobbes trong tác phẩm Leviathan, từ đó rút ra một số bài học lịch sử đối với thời đại hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Nghiên cứu về triết học chính trị của T.Hobbes trong tác phẩm Leviathan có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn thiết thực, góp phần làm sáng tỏ sâu sắc thêm cơ sở thế giới quan của triết học chính trị T.Hobbes, dấu ấn của T.Hobbes trong dòng chảy của lịch sử triết học chính trị phương Tây cận, hiện đại. Đồng thời, kết quả nghiên cứu về triết học chính trị của T.Hobbes trong “Leviathan” có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu triết học phương Tây cận đại, từ đó rút ra một số vấn đề bổ ích đối với đời sống chính trị - xã hội hiện nay.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên