Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông và ý nghĩa lịch sử của nó - NCS. Đinh Văn Chiến

  • 06/09/2019
  • Tên đề tài: "Tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông và ý nghĩa lịch sử của nó"

    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 62.22.03.01
    Họ và tên NCS: Đinh Văn Chiến
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trịnh Doãn Chính 
    Cơ sở đào tạo: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HỒ CHÍ MINH
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Là một trong những yếu tố quan trọng của hình thái ý thức xã hội, chính trị được hình thành khi xã hội có sự phân chia giai cấp và sự xuất hiện của nhà nước, là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của xã hội. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, trong quá trình cách mạng cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò và vị trí của chính trị, đặc biệt là về quyền lực chính trị, Đảng ta đã khẳng định: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”  . Chính vì thế, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, những thành quả mà Đảng ta đã đạt được chỉ là bước đầu, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa công cuộc đổi mới đến thành công. Trong đó, vấn đề xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị tinh gọn và hoạt động hiệu quả là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Vì thế, nghiêu cứu tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông, từ đó rút ra những bài học lịch sử, góp phần vào hoàn thiện hệ thống chính trị và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực.
    Tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông được hình thành và phát triển trên cơ sở của sự phản ánh đặc điểm, điều kiện và yêu cầu lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XIV - XV đặt ra. Đó là yêu cầu xây dựng một quốc gia Đại Việt thống nhất, độc lập, tự chủ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và tập hợp sức mạnh toàn dân tộc để chống những âm mưu, thủ đoạn xâm lược của giặc Minh, bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông hình thành còn là sự tiếp thu có chọn lọc những những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu trong đó là tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết cố kết cộng đồng dân tộc và lòng nhân ái, khoan dung đã được hun đúc nên trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước. Không những thế, tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông còn là sự tiếp thu tư tưởng về lòng nhân ái, đại từ đại bi, chúng sinh bình đẳng của Phật giáo; tư tưởng tự do, bình đẳng theo đạo tự nhiên, vô vi của Đạo gia; đặc biệt là sự tiếp thu có chọn lọc học thuyết “Tam cương”, “Ngũ thường” của Nho gia; và tư tưởng đề cao pháp, thế, thuật trong quản lý xã hội bằng pháp luật của Pháp gia. 
    Tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông khá phong phú và sâu sắc, có thể khái quát lại, qua những nội dung chủ yếu: quan điểm về thể chế chính trị, cũng như trong nguyên tắc trị nước; quan điểm về đường lối chính trị được biểu hiện qua quan điểm về xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường quản lý kinh tế, phát triển văn hóa giáo dục, quân sự và ngoại giao; và quan điểm “thân dân”, “dân là gốc”, quan điểm đào tạo và sử dụng hiền tài. 
    Với nội dung và đặc điểm đặc sắc, có thể nói tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông không chỉ góp phần làm phong phú, sâu sắc, sinh động nội dung tư tưởng chính trị của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt phát triển đến đỉnh cao ở thế kỷ XIV - XV. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và quan điểm, lập trường giai cấp quy định, đặc biệt là ảnh hưởng quan điểm của Nho giáo, do đó khi đi vào lý giải quyền lực của vua cũng như các mối quan hệ xã hội ông vẫn đứng trên quan điểm đề cao “Thiên mệnh” và mang dấu ấn của sự phân biệt đẳng cấp. Thực chất tư tưởng chính trị cũng như quan điểm quản lý xã hội bằng pháp luật của ông là để bảo vệ cho địa vị và lợi ích của dòng họ nhà Lê. Mặc dù còn những hạn chế nhất định do điều kiện lịch sử và quan điểm, lập trường giai cấp quy định, nhưng với những đóng góp trong lịch sử dân tộc, tư tưởng chính trị của ông vẫn còn gợi mở nhiều bài học lịch sử bổ ích đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. 
    2. Những kết quả mới của luận án
    Luận án đã trình bày, phân tích, hệ thống hóa và làm rõ những nội dung cơ bản và những đặc điểm chủ yếu trong tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông. Trên cơ sở đó, luận án phân tích, đánh giá, chỉ ra những ý nghĩa lịch sử và hạn chế trong tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông; từ đó rút ra bài học lịch sử thiết thực và bổ ích, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. 
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Bằng sự trình bày một cách có hệ thống những nội dung, đặc điểm và ý nghĩa trong tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông, luận án không chỉ giúp người đọc có sự nhận thức sâu sắc hơn giá trị, vai trò của tư tưởng Lê Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIV - XV, mà còn là những bài học lịch sử bổ ích và thiết thực góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Đó là bài học kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong trị nước; bài học cải tổ, kiện toàn hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước; bài học quản lý xã hội bằng pháp luật; bài học đề cao vai trò của dân và đào tạo, tuyển chọn và sử dụng hiền tài.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên