Đề tài: Tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người và ý nghĩa lịch sử của nó
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Huỳnh Bích Phương
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trịnh Doãn Chính
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã để lại cho chúng ta nhiều tư tưởng có giá trị, trong đó tiêu biểu và xuyên suốt, đó là tư tưởng về giải phóng con người. Để xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta cần phải bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Với tinh thần ấy, nghiên cứu tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người, từ đó khái quát lên những đặc điểm, vạch ra những giá trị, hạn chế và nêu lên ý nghĩa lịch sử của nó là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực.
Sự hình thành tư tưởng về giải phóng con người của Phan Bội Châu là sản phẩm tất yếu của điều kiện lịch sử - xã hội thế giới và Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là sự kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời gắn liền với phẩm chất và tài năng của nhà tư tưởng, nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn Phan Bội Châu.
Sự hình thành, phát triển tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người là một quá trình phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn với những bước chuyển linh hoạt. Đó là những quan điểm về mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp và lực lượng giải phóng con người; về đoàn kết dân tộc, đánh đuổi thực dân Pháp và bọn tay sai; về xóa bỏ chế độ phong kiến lỗi thời, lạc hậu; nhằm giành lại độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, con người được phát triển toàn diện, đất nước trở nên giàu mạnh, hùng cường.
Tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người có những đặc điểm đặc trưng cho khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, có giá trị thiết thực, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc cả về lý luận giải phóng con người nói chung và thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc ta nói riêng. Song, do bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng và lập trường giai cấp, nên tư tưởng về giải phóng con người của ông không thể tránh khỏi những hạn chế. Mặc dù vậy, tư tưởng ấy đã trở thành ngọn cờ tư tưởng tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam trong suốt những thập niên đầu thế kỷ XX; đồng thời tiếp thêm sức mạnh và động lực tinh thần to lớn cho nhân dân ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
2. Những kết quả mới của luận án
Thứ nhất, trên cơ sở làm rõ điều kiện lịch sử - xã hội thế giới và Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những tiền đề hình thành, phát triển tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người, qua các giai đoạn hình thành, phát triển, luận án phân tích một cách hệ thống nội dung cơ bản tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người, đó là: Mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp và lực lượng giải phóng con người.
Thứ hai, trên cơ sở nội dung tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người, luận án đã khái quát để rút ra những đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng ấy đối với tiến trình cách mạng Việt Nam và quá trình xây dựng, phát triển đất nước ta hiện nay.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Một là, bằng sự trình bày một cách có hệ thống nội dung, đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người, luận án không chỉ giúp người đọc có sự nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng của Phan Bội Châu, mà còn giúp có sự đánh giá khách quan những giá trị, ý nghĩa tư tưởng của Phan Bội Châu trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Hai là, những bài học lịch sử rút ra từ tư tưởng của Phan Bội Châu về giải phóng con người là những vấn đề có ý nghĩa thực tiễn thiết thực trong việc xây dựng, cổ vũ, động viên và phát huy sức mạnh con người Việt Nam trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Kết quả của luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên