Tên luận án: Tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm – Nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Lưu Đình Vinh
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Trọng Nghĩa và TS. Nguyễn Trung Dũng
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án
Ở Việt Nam, thế kỷ XVIII là giai đoạn lịch sử đầy biến động. Quá trình thoái trào trong thời gian dài của triều đình phong kiến nhà Lê và ý thức hệ Nho giáo tỏ rõ sự bất lực trong quản lý xã hội, đã đẩy đời sống người dân vào cảnh lầm than, đói khổ, tạo điều kiện cho nước ngoài thực hiện dã tâm xâm lược lãnh thổ. Trong hoàn cảnh đó, Ngô Thì Nhậm xuất hiện như là một nhân vật đặc biệt và nổi bật với tư tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc. Bằng tư tưởng yêu nước, Ngô Thì Nhậm đã vượt qua mọi biến động của cuộc đời, vượt lên mọi thành kiến, mặc cảm của giới trí thức Nho học để đứng về phía người dân trong công cuộc chống lại và ngăn chặn sự xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc, tái thiết và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nội dung và đặc điểm của tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm được thể hiện khá phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc. Nghiên cứu tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm, rút ra ý nghĩa lịch sử của nó trong lịch sử tư tưởng Việt Nam và lấy đó làm hành trang thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
Kết quả nghiên cứu của luận án đã làm rõ những nội dung cơ bản của tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm qua các quan điểm về dân, khoan thư sức dân; về chữ trung; về tinh thần tự tôn, lòng tự hào dân tộc và quan điểm về phương pháp đấu tranh bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của luận án còn làm rõ những đặc điểm cơ bản của tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm thể hiện qua các nội dung: Tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm phản ánh lập trường tích cực của trí thức phong kiến yêu nước; tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm đề cao tinh thần hành động và kiên trì mục tiêu đã đề ra; tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm thể hiện tính linh hoạt, uyển chuyển trước những biến động của thời cuộc; tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm đề cao tính dân tộc và thể hiện tính nhân văn sâu sắc; tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm có tính cục bộ và thiếu triệt để. Từ đó, luận án rút ra ý nghĩa lịch sử của tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm đối với tư tưởng yêu nước Việt Nam trước đó, đối với tư tưởng yêu nước và phong trào yêu nước đương thời và đối với tư tưởng yêu nước trong giai đoạn hiện nay.
2.2. Về phương diện thực tiễn
Những phân tích, đánh giá của luận án về nội dung, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của tư tưởng yêu nước Ngô Thì Nhậm góp phần nâng cao nhận thức về tư tưởng yêu nước, khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, cũng cố “sức mạnh nội tại” cho con người Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, học tập môn Lịch sử tư tưởng Việt Nam và cho những ai quan tâm.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Đề tài có thể tiến hành nghiên cứu thêm theo hai hướng dưới đây:
Hướng thứ nhất: Đề tài luận án có thể tiếp tục dùng để so sánh trong nghiên cứu tư tưởng của các nhà trí thức đương thời như Lê Quí Đôn, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích… Đồng thời, cũng là chất liệu để nghiên cứu luồng tư tưởng chủ đạo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII nói riêng và tư tưởng Việt Nam nói chung.
Hướng thứ hai: Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp nguồn tư liệu quan trọng trong việc xây dựng bộ giáo trình lịch sử tư tưởng Việt Nam, phục vụ cho nghiên cứu khoa học của sinh viên các ngành khoa học xã hội nói chung.
Hãy là người bình luận đầu tiên