Tên đề tài: Vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 92.29.002
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Mai
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Mai Ước, TS. Hà Thiên Sơn
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận văn
Đồng Nai được xem là một trong những cửa ngõ đi vào vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Mô hình tăng trưởng kinh tế Đồng Nai những năm vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, có bước chuyển biến theo chiều hướng tăng sự đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đội ngũ trí thức đã từng bước xây dựng nền tảng kinh tế tri thức tại Đồng Nai, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. So với trước, đội ngũ trí thức Đồng Nai đến nay tăng nhanh về số lượng, chất lượng từng bước được nâng cao và được sử dụng có hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và phục vụ cuộc sống, đội ngũ trí thức của tỉnh biết tiếp thu, vận dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ mới và ứng dụng trong sản xuất và phục vụ đời sống đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.
Vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai hiện nay có thể khái quát ở các nội dung sau đây:
Thứ nhất, đội ngũ trí thức là bộ phận nguồn lực khoa học, trực tiếp tham gia xây dựng, góp ý, dự thảo các văn kiện lý luận chính trị nói chung và các quyết sách về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cũng là đội ngũ trực tiếp giáo dục, đào tạo nhân lực của địa phương trong thời kỳ mới. Đội ngũ trí thức Đồng Nai trong thời gian qua được coi là nguồn lực quan trọng không chỉ đối với việc lựa chọn quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh mà còn là nguồn điển hình đối với các cơ quan trung ương. Nhiều người trong số họ hiện giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan khoa học, đơn vị sự nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tại địa phương và một số cơ quan lãnh đạo của Trung ương.
Thứ hai, đội ngũ trí thức Đồng Nai không những có vai trò quan trọng trong việc tăng nhanh số lượng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn lực mà còn góp phần thay đổi tư duy, tác phong làm việc theo hướng phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế. Lao động qua đào tạo có trình độ cao tham gia hầu hết vào các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đảm nhận được các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao, phức tạp mà trước đây do các chuyên gia nước ngoài đảm nhận. Trình độ lực lượng lao động của tỉnh Đồng Nai ngày càng được nâng cao góp phần làm tăng trưởng liên tục Năng suất các yếu tố tổng hợp (Total factor Productivity - TFP - là một trong những chỉ tiêu phản ánh chính xác và khái quát nhất hiệu quả sử dụng vốn và lao động) trong tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học thiết thực và tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đã góp phần tích cực thúc đẩy củng cố hệ thống chính trị, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với việc xây dựng mô hình nông thôn mới. Nhìn chung, hoạt động của đội ngũ trí thức đóng góp ngày càng rõ nét vào việc nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hoá chủ yếu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều công trình nghiên cứu của trí thức trong tỉnh góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng hằng năm của ngành nông nghiệp. Nhiều biến chuyển tích cực đã được thực hiện trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin. Tính đến thời điểm hiện nay, Tỉnh đã xây dựng và triển khai đầy đủ các chương trình công nghệ thông tin từ trung ương đến địa phương. Với những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao cũng đồng nghĩa là tỉnh Đồng Nai đang bắt nhịp được cùng với thời đại. Hiện nay, kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa đã và đang đưa nhân loại vào thời đại phát triển mới để thực hiện tốt được mục tiêu này còn phụ thuộc nhiều vào trình độ, năng lực và sự tích cực của đội ngũ trí thức tỉnh.
Thứ tư, trí thức Đồng Nai góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trên nhiều phương diện như: ngôn ngữ, lối sống, nghệ thuật, kho tàng văn hoá dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, v.v. . . Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đạt được những thành tựu đáng kể. Đã phát hiện và sưu tầm được hàng trăm ngàn hiện vật, di vật văn hoá có giá trị. Những nét văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em cũng được tái hiện một cách sống động nhờ sử dụng những kỹ thuật hiện đại. Trong các lĩnh vực Văn hoá, Thông tin, Du lịch, Trí thức Đồng Nai đã thực hiện nhiều dự án, chương trình, đề tài nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các địa phương.
Với những vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là một yêu cầu thiết thực đối với tỉnh Đồng Nai hiện nay.
2. Kết quả nghiên cứu của luận án
- Thứ nhất, luận án trình bày, luận giải những vấn đề lý luận chung về trí thức, về vị trí và vai trò của trí thức trong khối liên minh công - nông - trí thức, về vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội;
- Thứ hai, luận án phân tích, đánh giá thực trạng và việc thực hiện vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai hiện nay;
- Thứ ba, luận án đề xuất phương hướng, xây dựng một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai hiện nay.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Luận án góp phần làm rõ lý luận về trí thức và vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; về thực trạng thực hiện vai trò; về phương hướng và giải pháp nhằm phát huy vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai.
Từ những đánh giá về thực trạng của việc thực hiện vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai hiện nay, luận án đề xuất phương hướng chủ yếu và một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai. Đây là một nguồn tham khảo để Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Đồng Nai hoạch định chủ trương, chính sách khoa học, hợp lý phát huy hơn nữa vai trò của trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.
Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các ngành kinh tế học, giáo dục học, chính sách công, xã hội học… ở các viện, trung tâm nghiên cứu lý luận, các trường đại học trên cả nước.
Hãy là người bình luận đầu tiên