Tên đề tài: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 9220121
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trương Thị Linh
Người hướng dẫn khoa học: TS. Hà Thanh Vân; PGS. TS. Trần Thị Phương Phương.
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX đã được nghiên cứu rộng rãi ở nhiều khía cạnh những năm gần đây, tuy nhiên Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX vẫn chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Vì thế chúng tôi chọn đề tài này để nghiên cứu nhằm bổ khuyết những vấn đề thuộc về văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX cho một nền văn học Việt Nam thêm phần thống nhất và trọn vẹn. Câu hỏi đặt ra khi nghiên cứu là: các nhà văn Nam Bộ đã thực sự sáng tác theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa hay chưa? Nếu có, thì những đặc trưng và đặc điểm của khuynh hướng sáng tác này là gì và được thể hiện như thế nào? Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu chung (như sưu tầm và xử lý tư liệu, sau đó sẽ thống kê, phân tích, tổng hợp và miêu tả); phương pháp chuyên ngành (văn học sử, cấu trúc - hệ thống, tác giả - tác phẩm, so sánh) và phương pháp liên ngành (xã hội học, văn học, văn hóa…)… trong những phần cụ thể của luận án nhằm khám phá đặc điểm của đối tượng nghiên cứu. Để triển khai nghiên cứu, luận án tìm hiểu các vấn đề thuộc về: tổng quan tình hình nghiên cứu về đối tượng; những vấn đề lý thuyết và lịch sử của chủ nghĩa hiện thực trong lịch sử văn học và trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX tại Việt Nam; cảm hứng nghệ thuật; nghệ thuật thể hiện. Thông qua nghiên cứu, chúng tôi tạm thời khẳng định, khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa là một khuynh hướng sáng tác chính trong dòng chủ lưu của tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX bên cạnh các dòng khác như: chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn.
2. Những kết quả của luận án
Luận án đã tổng hợp, phân tích, nhận diện những dấu ấn của thời đại và sự sáng tạo của nhà văn trong việc kế thừa và phát huy truyền thống văn học dân tộc.
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Ở chương này, chúng tôi tiếp cận những tài liệu nghiên cứu: Về sự xuất hiện của khuynh hướng sáng tác chủ nghĩa hiện thực trong văn học đại chúng Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX; về văn học đại chúng Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 2. Chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX: Những vấn đề lý thuyết và lịch sử. Trong chương này, chúng tôi tìm hiểu các vấn đề: Thực tại và chủ nghĩa hiện thực trong văn học; những tiền đề cơ bản của chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX; những biểu hiện cơ bản của chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 3. Chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX: nhìn từ cảm hứng nghệ thuật. Trong chương này, chúng tôi tìm hiểu khái niệm cảm hứng và cảm hứng nghệ thuật; những dạng thức của cảm hứng nghệ thuật trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 4. Chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX: nhìn từ nghệ thuật thể hiện. Trong chương này, chúng tôi triển khai nghiên cứu: nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật xây dựng kết cấu; nghệ thuật kể chuyện và các loại hình người kể chuyện trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Luận án là công trình có tính tiên phong trong việc tiếp cận Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu mang tính tham khảo cho những ai muốn nghiên cứu vấn đề văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX và những vấn đề liên quan.
Hệ thống các tác phẩm cũng như những gương mặt tác giả tiêu biểu của dòng văn học mang khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa trong tiểu thuyết Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX sẽ là nguồn tư liệu để các bạn đọc có thể xem xét, nghiên cứu và hình dung trọn vẹn hơn về dòng chảy văn học dân tộc.
Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi gặp không ít khó khăn về nguồn tư liệu cũng như quá trình tìm tòi những nội hàm mới của đề tài. Một số nội dung trong luận án đôi lúc cũng không tránh khỏi chủ quan, phiến diện và chưa đủ sức thuyết phục. Vì thế, chúng tôi mong người đọc, người quan tâm nếu phát hiện vấn đề nào đó không phù hợp hoặc thiếu căn cứ khoa học thì rộng lòng lượng thứ, chỉ dẫn để chúng tôi có thể suy xét, bổ sung khi có điều kiện.
Các vấn đề còn bỏ ngỏ về dòng văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX như việc ứng dụng lý thuyết phê bình mới (phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, lý thuyết chấn thương…) vào trong nghiên cứu văn học vẫn còn hạn chế. Vì thế, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà nghiên cứu thỏa sức khám phá trong tương lai.
Hãy là người bình luận đầu tiên