Từ dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) với kinh phí 2,5 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Viện Công nghệ Nano ĐHQG-HCM (INT) đã hoàn thiện và đưa ra thị trường 4 sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng.
Đó là Mực in nano bạc dùng trong chế tạo linh kiện vi điện tử, Hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản, Vật liệu nano bạc khử khuẩn và Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động.
Từ 2 sản phẩm lên 4 sản phẩm
Tháng 6/2017, INT được Bộ Khoa học và Công nghệ và WB phê duyệt dự án “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua việc hoàn thiện và làm chủ công nghệ sản xuất mực in nano bạc dùng trong chế tạo linh kiện vi điện tử và hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản”.
Đây là hai trong nhiều sản phẩm nghiên cứu chủ lực của INT. PGS.TS Đặng Mậu Chiến - Viện trưởng INT cho biết: “Trong quá trình thương thảo thỏa thuận tài trợ với Ban quản lý Dự án FIRST, từ 2 sản phẩm chính như dự kiến ban đầu, chúng tôi đề xuất phát triển thêm 2 sản phẩm là Vật liệu nano bạc khử khuẩn và Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động”.
Sau 2 năm thực hiện dự án, INT đã làm chủ công nghệ sản xuất không chỉ 2 mà là 4 sản phẩm. “Các sản phẩm này sẽ góp phần cho INT phát triển theo định hướng thị trường và phục vụ nhu cầu phát triển của kinh tế Việt Nam. Các thiết bị được đầu tư trong dự án không chỉ dùng cho 4 sản phẩm nêu trên, mà cho nhiều sản phẩm tương tự sau này” - Viện trưởng INT nói.
Ngoài ra, thông qua dự án, INT còn xây dựng được Phòng thí nghiệm ISO 17025. Theo PGS.TS Đặng Mậu Chiến, với định hướng chuyên sâu về 3 lĩnh vực: vật liệu, sinh học, điện tử, phòng thí nghiệm này sẽ đưa INT lên một tầm cao mới.
Nhiều địa phương đặt hàng
PGS.TS Đặng Mậu Chiến cho biết: “Trước đây, khi chưa có ‘Hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản’, nông dân phải đến trực tiếp ao lấy mẫu nước và đo thủ công. Tuy nhiên, giờ sử dụng hệ thống này, người nông dân có thể theo dõi, đánh giá chất lượng nước từ xa để điều chỉnh, đồng thời hệ thống còn ra tín hiệu cảnh báo khi chất lượng nước ở mức độ nguy hiểm cho vật nuôi”.
Cầm trên tay mực in nano bạc dùng trong chế tạo linh kiện vi điện tử, ThS Trần Kim Hương - Nghiên cứu viên INT, giới thiệu: “Mạch điện tử thông thường được sản xuất bằng phương pháp quang khắc. Phương pháp này thường mất nhiều thời gian, gây ô nhiễm môi trường và tốn nhiều nguyên vật liệu, còn với mực in nano, mình chỉ cần thiết kế mạch trên laptop, thiết bị in phun sẽ giúp chúng ta dễ dàng chế tạo linh kiện vi điện tử”.
Theo đánh giá của Viện Pasteur, vật liệu nano bạc khử khuẩn có thể diệt được hơn 8 loại vi khuẩn gây hại cho tôm, giúp nâng cao năng suất.
Nhờ những tính năng vượt trội và tính ứng dụng cao, các sản phẩm được nhiều công ty, địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đặt hàng.
PGS.TS Đặng Mậu Chiến chia sẻ: “INT mong muốn đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường để phục vụ cộng đồng. Đồng thời đưa cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại vào phục vụ cho tất cả đơn vị KHCN trong nước theo mô hình ‘Phòng thí nghiệm dùng chung’”.
Bài, ảnh: ĐOÀN CHÂU
Hãy là người bình luận đầu tiên