Tên đề tài: Văn hóa du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Võ Văn Thành
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Tóm tắt: Ngày nay, đã có nhiều nghiên cứu về mối tương quan giữa du lịch và các lĩnh vực khác chẳng hạn như du lịch và sinh thái tự nhiên, du lịch và kinh tế, du lịch và cộng đồng, du lịch và văn hóa v.v... Tuy nhiên, “văn hóa du lịch” là một lĩnh vực chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều. Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một điểm đến hàng đầu Việt Nam và sớm mở cửa phục vụ du khách từ năm 1990 với một chuỗi các sự kiện trong “Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc Việt Nam”. Trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành du lịch TP.HCM tuy chưa có bước phát triển đột phá về du lịch nhưng dần dần sản phẩm du lịch đa dạng hơn, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao hơn, và cho đến nay. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều du khách nước ngoài qua cửa ngõ TP.HCM và xem nó như là một điểm trung chuyển để họ đi đến các vùng du lịch khác ở Việt Nam. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là văn hóa du lịch ở TP.HCM còn nhiều bất cập bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ những vấn đề còn tồn tại (khoảng trống) về mặt lý thuyết về “văn hóa du lịch” cũng như thực tiễn nghiên cứu về vấn đề này tại một địa bàn cụ thể, tác giả quyết định chọn đề tài Văn hóa du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế để thực hiện nghiên cứu. Qua nghiên cứu này, tác giả hy vọng sẽ củng cố thêm cơ sở lý thuyết về văn hóa du lịch nói chung, tại một địa bàn nghiên cứu cụ thể là văn hóa du lịch tại TP.HCM trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói riêng.
Mục đích và đối tượng nghiên cứu
Về mục đích nghiên cứu: Đề tài Văn hóa du lịch ở TP.HCM trong bối cảnh hội nhập quốc tế làm rõ vấn đề văn hóa du lịch ở TP.HCM trên bình diện lý thuyết cũng như thực trạng phát triển của nó trong bối hội nhập quốc tế.
Về đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung làm rõ các yếu tố hình thành nên văn hóa du lịch tại TP.HCM thông qua tương tác chủ yếu giữa chủ nhà và du khách. Chủ nhà ở đây bao gồm các tác nhân chính là cộng đồng địa phương, chính quyền địa phương, nhà cung ứng dịch vụ du lịch địa phương. Du khách là du khách quốc tế và du khách nội địa từ các vùng miền ở Việt Nam đến TP.HCM tương tác và kiến tạo ra văn hóa du lịch mang đặc thù của TP.HCM với đối tượng du khách quốc tế có những đặc điểm về văn hóa đa dạng và tạo ra văn hóa du lịch tại các điểm đến rõ nét nhất.
Nội dung luận án gồm 4 chương chính:
Chương 1. Cơ sở lý luận và bối cảnh địa bàn nghiên cứu
Chương này làm rõ các lý thuyết khoa học, các khái niệm có liên quan, mối quan hệ giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về du lịch, giao lưu và tiếp biến văn hóa, và phát triển du lịch bền vững gắn với địa bàn nghiên cứu để từ đó hình thành nên khung nghiên cứu của luận án.
Chương 2: Văn hóa chủ nhà và văn hóa du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh
Trong chương này, tác giả xem xét văn hóa du lịch tại TP.HCM trên hai bình diện văn hóa chủ nhà và văn hóa du khách cũng như những yếu tố dịch vụ và sản phẩm du lịch mới xuất hiện trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở TP.HCM
Chương 3: Những vấn đề nảy sinh trong không gian tương tác giữa chủ nhà và du khách
Trong chương này, tác giả trình bài những vấn đề nảy sinh trong không gian tương tác giữa chủ nhà và du khách. Văn hóa du lịch hình thành và phát triển trong tương tác giữa khách và chủ nhà tại không gian du lịch TP.HCM.
Chương 4: Các giải pháp thúc đẩy văn hóa du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Trong chương này, tác giả trình bày các giải pháp thúc đẩy văn hóa du lịch ở TP.HCM phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những giải pháp liên quan đến việc kiến tạo văn hóa du lịch sẽ góp phần phát triển du lịch tại TP.HCM theo hướng bền vững.
Kết quả nghiên cứu
Về mặt khoa học: Nghiên cứu đạt được tri thức lý luận từ góc nhìn tính hệ thống của văn hóa và cách sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để chỉ ra đặc điểm của văn hóa du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh.
Về mặt thực tiễn: đóng góp mới của luận án là chỉ ra văn hóa du lịch không chỉ có vai trò quan trọng đối với du lịch nói chung mà còn có ý nghĩa tích cực phát triển du lịch ở TP.HCM nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Tổng quan bài nghiên cứu về văn hóa du lịch và khái quát lên các góc độ tiến cận đối với vấn đề văn hóa du lịch cụ thể như tiếp cận giá trị, tiếp cận ứng xử, tiếp cận giá trị kết hợp với ứng xử và tiếp cận kiến tạo để xây dựng khung lý thuyết văn hóa du lịch cho nghiên cứu trường hợp của luận án. Về mặt khoa học, luận án đóng góp về lý luận văn hóa du lịch trong bối cảnh hội nhập ở TP.HCM. Về mặt thực tiễn, luận án góp phần phân tích thực trạng văn hóa du khách và văn hóa chủ nhà trong tương tác và thúc đẩy văn hóa du lịch tại TP.HCM phát triển. Thông qua văn hóa du lịch, luận án góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch tại TP.HCM trong bối cảnh hội nhập quốc tế bằng những giải pháp cơ bản nhất.
Từ khung lý thuyết đã được chọn lựa, phát triển và diễn giải, tác giả luận án giới thiệu văn hóa chủ nhà, văn hóa du khách trong không gian tương tác cụ thể ở TP.HCM để từ đó thấy được sự hình thành của các dịch vụ và sản phẩm du lịch mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Về văn hóa chủ nhà, tác giả luận án phân tích dưới góc độ: đặc trưng chung về văn hóa; lễ hội và vui chơi giải trí; hành vi ứng xử và văn hóa sống; cơ sở hạ tầng và sự hình thành, phát triển ngành du lịch tại TP.HCM và văn hóa kinh doanh của chủ nhà. Về văn hóa du khách, tác giả vận dụng dữ liệu du khách quốc tế đến TP.HCM trong thời gian nghiên cứu đã được chọn (từ năm 2011 đến nay). Mười một quốc gia (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Malaysia, Úc, Đài Loan, Singapore, Pháp, Liên Bang Nga và Thái Lan.) là những thị trường gửi khách nước ngoài đông nhất đến TP.HCM được nhóm thành văn hóa Đông Bắc Á, văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Tây Âu và Bắc Mỹ và văn hóa Đông Âu (chủ yếu là Liên Bang Nga) được tóm tắt và phân tích các đặc điểm tôn giáo, văn hóa, lối sống, phong cách trải nghiệm và văn hóa đi du lịch. Thông qua việc vận dụng mô hình phân tích PESTLE cho thấy xuất hiện các dịch vụ và sản phẩm du lịch mới tại TP.HCM trong thời gian nghiên cứu (2011 - đến nay).
Những nhận thức của du khách về môi trường văn hóa TP.HCM trong quá trình họ tương tác với chủ nhà. Kết quả khảo sát ý kiến cho thấy du khách cảm nhận và quan tâm đến môi trường nơi họ du lịch về mặt an ninh, an toàn, về sốc văn hóa, về những ấn tượng của họ về văn hóa và con người địa phương. Những ý kiến trái chiều theo cảm nhận của du khách có thể giúp cho việc xem xét kiến tạo văn hóa du lịch tại các điểm tham quan nói riêng và điểm đến TP.HCM nói chung. Những mối quan hệ chủ nhà và du khách tại TP.HCM được phân tích trên ba bình diện chính: chính quyền địa phương tại TP.HCM ứng xử với du khách; cộng đồng địa phương ứng xử với du khách và nhà cung ứng dịch vụ du lịch ứng xử với du khách. Từ những ý kiến khảo sát từ du khách quốc tế, cộng đồng địa phương và các chuyên gia, nhà quản lý du lịch địa phương là những nhóm giải pháp cụ thể cho các vấn đề nêu trên.
Hướng phát triển tiếp theo của luận án: Đề tài Văn hóa du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế qua những nổ lực của tác giả cùng với sự đồng hành và hướng dẫn tận tình của người hướng dẫn khoa học trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, lý thuyết nghiên cứu văn hóa du lịch vẫn đang vận động và phát triển, và địa bàn nghiên cứu tại TP.HCM rộng lớn với nhiều đối tượng du khách mà tác giả luận án chưa thể bao quát hết. Do đó, tác giả sẽ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này trong tương lai ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trọng yếu phát triển du lịch ở Việt Nam
Hãy là người bình luận đầu tiên