GS.TS NGUYỄN SĨ HUYÊN
(CHLB ĐỨC)
----------
Trước tình hình bùng phát lại dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nơi trên thế giới, ngay cả ở những quốc gia đã được tiêm chủng cao, gây quan ngại trong cộng đồng, những kinh nghiệm chống dịch tại các quốc gia Anh, Israel và Đức có thể gợi ra một số biện pháp để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.
Tóm tắt
Các phân tích về diễn tiến dịch bệnh thế giới cụ thể là ở Anh, Israel và Đức đã dẫn đến những nhận định cơ bản sau:
Trong đợt dịch đầu tiên (4/2020) và đợt dịch thứ hai (10/2020 dưới ảnh hưởng của biến thể Alpha) số ca tử vong tăng tương ứng với số ca nhiễm mới. Nhưng ở làn sóng đợt dịch thứ ba (6/2021), dưới tác dụng của vaccine, tỷ lệ tử vong giảm hẳn và không tăng theo số ca nhiễm mới dù chịu ảnh hưởng của biến thể Delta.
Đợt dịch mới hiện nay tại Việt Nam có một sự tương đồng nhất định với diễn tiến dịch bệnh ở các nước Anh, Israel và Đức: số ca lây nhiễm tăng nhanh, nhưng tử vong rất thấp, một hiện tượng chỉ có thể thấy được ở những quốc gia có mức độ chủng ngừa cao. Điều này nói lên, với xác suất rất cao, rằng dịch bệnh từ Vũ Hán đã qua đường khách du lịch và khách nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc đến Việt Nam gây lây nhiễm mạnh ở người trẻ nhưng không gây triệu chứng và tạo miễn nhiễm cho họ. Đó cũng là một cách giải thích cho tỷ lệ ca bị nhiễm không triệu chứng rất cao, 70-80%, gấp 2 lần so với Đức cũng như số ca tử vong và cần nhập viện điều trị thấp.
Vì vậy, theo tôi, cần tập trung tiêm chủng cho những đối tượng nguy cơ (người trên 65 tuổi, hay có bệnh nền) để bảo vệ họ nhằm tránh quá tải về chăm sóc y tế. Tranh thủ có nhiều vắc xin nhanh nhất có thể. Cách ly và phong tỏa không phải là những biện pháp lý tưởng để kiểm soát F0, F1 trong mọi trường hợp. Giãn cách xã hội chỉ cần thiết khi khả năng chăm sóc y tế có nguy cơ bị quá tải để tránh thiệt hại kinh tế quá lớn. Tạo điều kiện cho người dân sớm trở lại cuộc sống thường ngày “chung sống với dịch bệnh trong một hình thức sinh hoạt và sản xuất trong xã hội với hậu quả thấp nhất”. Khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế, những biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao (chứng thực gián tiếp qua Nghiên cứu Gutenberg COVID-19, Đức) cần được tuân thủ trong nhiều năm tới.
Những đánh giá khái quát về tình hình đại dịch COVID-19 thế giới hiện nay
Diễn tiến của dịch bệnh COVID-19 hiện nay với sự xuất hiện của nhiều biến thể vi rút đáng lo ngại (Viral variants of concern gọi tắt là VOC) (1,2) như Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Ba Tây), Delta plus (Ấn) và đặc biệt trong thời điểm này biến thể Delta (Ấn) đang là một mối lo lớn cho nhiều quốc gia.
Nguyên nhân của sự bộc phát lây nhiễm dịch bệnh ngay cả trên những nước có tỷ lệ chủng ngừa cao là sự xuất hiện của biến thể Delta, một biến thể mới có sức lây nhiễm nhanh (tăng khoảng 40-50% so với các biến thể trước đây). Bệnh nhiễm với biến thể Delta có tải lượng vi rút cao, do đó dễ phát tán nhanh qua dung khí (Aerosol) trong lúc trò chuyện tiếp xúc gần. Cho đến nay, chưa thấy có chứng cứ là biến thể Delta có sức độc hại (virulence) hơn biến thể Alpha. Sự nguy hiểm của biến thể Delta hiện nay là tính chất lây lan nhanh của nó, qua đó, nó có khả năng làm tăng tỷ lệ tử vong khi lây lan đến nhóm người cao tuổi hay người nằm trong hệ nguy cơ (bệnh nền hay hệ miễn dịch suy yếu).
Chúng ta cùng khảo sát diễn tiến dịch bệnh COVID-19 ở một vài nước tiêu biểu đã có mức chủng ngừa cao cũng như diễn tiến dịch bệnh tại Việt Nam, nơi đang có mức độ chủng ngừa rất thấp (1,3% dân số với một liều tiêm chủng, nhỏ hơn 0,1% dân số đã tiêm phòng đầy đủ, thông tin của VNVC, Vietnam vaccine JSC, số liệu ngày 9/6/2021) (3):
Anh là nước đầu tiên ở Châu Âu đã tiến hành sớm việc chủng ngừa COVID-19 một cách có hệ thống và hiệu quả, khởi đầu với vắc xin mRNA của Biontech & Pfeizer (Đức và Mỹ), vắc xin vector của AstraZeneca (công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển) và vắc xin mRNA Moderna (Mỹ), sau đó thì vắc xin vector của Janssen Pharmaceutica (Bỉ), một công ty con của nhóm y tế quốc tế Johnson & Johnson (Mỹ) cũng được chuẩn y vào danh sách chủng ngừa.
Đến đầu tháng 6/2021, chủng ngừa đầy đủ hai liều tại Anh đã đạt đến 49,5% dân số và một liều cho 75,2% dân số. Ngày 1/6/2021 cũng là ngày được nước Anh ghi nhận là không có ca lây nhiễm nào mới. Nhưng chỉ bốn tuần lễ sau đó, ngày 1/7/2021, số ca nhiễm mới đã tăng vọt lên một cách đáng quan ngại là 22.515 ca trong ngày và có chiều hướng gia tăng. Phần lớn thành phần mới nhiễm là giới trẻ và một phần là tái nhiễm COVID-19 ở người đã có chủng ngừa. Tử vong ghi nhận trong ngày vẫn nằm trong mức độ thấp là 16 ca. Nguyên nhân của tăng vọt lây nhiễm là sự xâm nhập của biến thể Delta vào nước Anh.
Ở nước Anh, trong thống kê ngày 15/7/2021 cho thấy con số nhiễm mới trong ngày là 43.861 ca gần gấp đôi số ca lây nhiễm hai tuần trước đó, số tử vong là 44 ca. Tổng số ca nhiễm COVID-19 cho đến nay là 4,13 triệu với một con số tử vong tích lũy là 129.000 ca (4).
Con số ca nhiễm mới tăng vọt trong những ngày gần đây là hậu quả của những trận bóng đá giải Châu Âu đã diễn ra sôi nổi ở Anh với con số 60.000 người được cho vào sân xem trực tiếp ở mỗi trận bán kết và chung kết. Sự việc những ca nhiễm tiếp tục tăng trong những ngày tới, chắc chắn sẽ là chuyện không tránh khỏi. Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson chấp nhận việc tăng lây nhiễm, bởi số ca tử vong và số ca cần nhập viện điều trị vẫn còn thấp hơn so với mức ghi nhận vào hồi tháng 1. Chính phủ Anh tin tưởng rằng những người bị nhiễm bệnh sẽ không bị bệnh nặng nhờ vào sự bảo vệ của vắc xin hoặc tuổi trẻ của dân số chưa được chủng ngừa. Bộ trưởng Bộ Y Tế của Anh, ông Sajid Javid tuyên bố “Các loại vắc xin đang phát huy tác dụng, chúng là bức tường bảo vệ của chúng tôi. Chúng ta phải học cách sống chung với vi rút” (21). Chiến lược chủ yếu: tập trung chủng ngừa nhanh cho những thành phần còn lại.
Đối với việc chủng ngừa, dân số được chia thành mười nhóm ưu tiên, những nhóm này được chủng ngừa lần lượt theo thứ tự nguy cơ tử vong như sau (5):
1. Cư dân và nhân viên trong viện dưỡng lão;
2. Người trên 80 tuổi và nhân viên đặc biệt tiếp xúc trong các cơ sở chăm sóc và sức khỏe;
3. Nhóm tuổi 75 đến 80;
4. Nhóm tuổi từ 70 đến 74 và tất cả những người trên 16 tuổi được coi là có nguy cơ đặc biệt cao (bệnh nhân ung thư, cấy ghép nội tạng, bệnh nhân mắc bệnh phổi nặng);
5. Nhóm tuổi từ 65 đến 69;
6. Nhóm 16 đến 64 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo;
7. Nhóm tuổi từ 60 đến 64;
8. Nhóm tuổi từ 55 đến 59;
9. Nhóm tuổi từ 50 đến 54;
10. Phần còn lại của dân số (từ 16 đến 49 tuổi).
Phía trên là đường biểu diễn của số ca lây nhiễm tích lũy. Đồ họa dưới là hiển thị cho con số lây nhiễm hàng ngày. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).Nguồn: https://de.wikipedia.org/wiki/COVID-19-Pandemie_im_Vereinigten_K%C3%B6nigreich
Phía trên là đường biểu diễn của con số tử vong tích lũy. Đồ họa dưới là hiển thị cho con số tử vong hàng ngày. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguồn: https://de.wikipedia.org/wiki/COVID-19-Pandemie_im_Vereinigten_K%C3%B6nigreich
Ở đây, so sánh hai đồ họa trên, chúng ta thấy rõ rằng số ca tử vong tăng tương ứng theo độ tăng của số người bị nhiễm COVID-19 mới trong làn sóng đợt dịch thứ nhất (4/2020) và thứ hai (10/2020 dưới ảnh hưởng của biến thể Alpha). Nhưng ở làn sóng dịch đợt ba (6/2021) thì tỷ lệ tử vong giảm hẳn (dưới tác dụng của vắc xin chủng ngừa), không tăng theo số lượng ca nhiễm mới đang tăng trở lại dưới ảnh hưởng lây nhiễm nhanh của biến thể Delta.
Israel: Cho đến thời điểm này (6/7/2021) trên 65% dân số đã được chủng ngừa COVID-19 một liều và khoảng 60% đầy đủ với hai liều vắc xin của Biontech & Pfeizer. Một thành công lớn cần ghi nhận là chính sách chủng ngừa sớm và nhanh gọn của nhà nước Israel đã kìm hãm hiệu quả sự lây nhiễm COVID-19. Ngày 16/5/21, con số người mới lây nhiễm COVID-19 được ghi nhận giảm xuống tận cùng là 1 ca trong ngày. Nhưng con số lây nhiễm COVID-19 mới cập nhập cho ngày 4/7/2021 đã tăng lên trở lại là 321 ca trên một dân số là 8,7 triệu dân. Tử vong ghi nhận trong ngày là 0 ca. Nguyên nhân cho sự bùng phát dịch trở lại này là sự xuất hiện mới của biến thể Delta trong quần thể dân Israel.
Tổng số người nhiễm COVID-19 (có test dương tính với SARS-CoV-2) ở Israel được ghi nhận cho đến nay là 843.892 với số tử vong là 6.429 ca. Điều này tương ứng với tỷ lệ nhiễm bệnh là 9,75% và tỷ lệ tử vong là 0,76%. Theo một nguồn tin đáng tin cậy (6), tác dụng vắc xin mRNA của Biontech & Pfeizer thấp hơn khi bị nhiễm biến thể Delta. Nhưng thật ra không có điều gì để hoảng sợ. Thuốc chủng này cho thấy vẫn tiếp tục bảo vệ khỏi diễn tiến bệnh nghiêm trọng với COVID-19. Bộ Y tế Israel cho biết hiệu quả chống lại sự lây nhiễm của biến thể Delta chỉ là 64%, nhưng việc tiêm chủng giúp bảo vệ chống lại việc nhập viện và phát bệnh nghiêm trọng với biến thể Delta là 93%. Điều này giải thích được tại sao con số người bệnh nhập viện và tử vong thấp. Khoảng 50% trong nhóm người được ghi nhận là mới lây nhiễm là người đã được chủng ngừa và khoảng 50% còn lại là người trẻ chưa có chủng ngừa.
Phía trên là đường biểu diễn của số ca lây nhiễm tích lũy. Đồ họa dưới hiển thị cho con số lây nhiễm hàng ngày. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguồn: https://de.wikipedia.org/wiki/COVID-19-Pandemie_in_Israel
Phía trên là đường biểu diễn của con số tử vong tích lũy. Đồ họa dưới là hiển thị cho con số tử vong hàng ngày. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguồn: https://de.wikipedia.org/wiki/COVID-19-Pandemie_in_Israel
So sánh hai đồ họa trên, cùng một khuôn mẫu như ở nước Anh, chúng ta thấy số ca tử vong tăng tương ứng theo độ tăng của số người bị nhiễm COVID-19 mới trong làn sóng đợt dịch thứ nhất (4/2020) và thứ hai (10/2020 dưới ảnh hưởng của biến thể Alpha). Nhưng ở làn sóng dịch đợt ba (6/2021) thì tỷ lệ tử vong giảm hẳn (dưới tác dụng của vắc xin chủng ngừa), không tăng theo số lượng ca nhiễm mới đang tăng trở lại dưới ảnh hưởng lây nhiễm nhanh của biến thể Delta.
Đức, một đất nước có diện tích đất đai và dân số gần như là tương tự với Việt Nam. Khởi đầu dịch bệnh COVID-19 cũng vào tuần lễ thứ ba của tháng hai như Việt Nam. Con số người nhiễm bệnh cho đến ngày 5/7/2021 là 3,74 triệu, tử vong đợt 1 gần 10.000 ca và đợt 2 trên 80.000 ca (lây nhiễm chủ yếu trong đại dịch đợt 2 là biến thể Alpha từ Anh). Tình hình chủng ngừa cho dân chúng đến ngày 13/7/2021: 43% đã tiêm chủng đầy đủ hai liều và 15.7% đang còn tiêm chủng một liều (vắc xin dùng chủ yếu là của AstraZeneca, Biontech & Pfeizer và Moderna), 32,3% vẫn chưa được tiêm chủng (thành phần này bao gồm người chưa được tiêm chủng, người cự tuyệt tiêm chủng, trẻ dưới vị thành niên và trẻ em dưới 12 tuổi). Cùng với việc thực hiện những quy tắc đã biết - giảm tiếp xúc, giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét, thực hiện các đề nghị kiểm tra, tuân thủ các quy tắc vệ sinh, đặc biệt là trong phòng kín đeo khẩu trang và thông gió (tương tự khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế Việt Nam), nước Đức đã ngăn chặn sự lây truyền và làm chậm sự lây lan của COVID-19, đưa tỷ lệ mắc bệnh ổn định ở mức dưới 10/100.000 dân (cập nhật mới ngày 16/7/2021 là 8). Tình hình cho thấy những ca lây nhiễm mới trong ngày đang tăng dần dưới ảnh hưởng lây nhiễm mạnh của biến thể Delta.
Mục tiêu cho thời gian sắp đến: đặc biệt là với sự chiếm ưu thế lây nhiễm ngày càng tăng của biến thể Delta, chiến dịch tiêm chủng cần được tiếp tục với cường độ cao cho đến khi ít nhất 85% người từ 12-59 tuổi hoặc 90% người 60 và trên 60 tuổi được tiêm chủng đầy đủ COVID-19 (7). Theo những thông tin mới nhất từ nhà chế tạo vắc xin Biontech & Pfeizer thì “dựa vào những dữ kiện thu nhận được từ chủng ngừa trong thời gian qua, Bộ Y Tế Do Thái cho biết hiệu quả của thuốc chủng ngừa suy giảm trong việc bảo vệ tái nhiễm COVID-19 và nhiễm bệnh có triệu chứng. Từ cơ sở của những dữ kiện này, cho thấy việc tiêm phòng với liều thứ ba sau sáu tháng đến một năm sau ngày đã được tiêm chủng đầy đủ hai liều vắc xin là cần thiết”. Kết quả nghiên cứu về dữ kiện này đang được chuẩn bị công bố trong một thời gian gần. Theo cơ quan chuẩn y thuốc của Châu Âu thì việc này đang còn được theo dõi, chưa có quyết định vì chưa có đầy đủ dữ kiện (8).
Phía trên là số ca nhiễm COVID-19 được xác định mỗi ngày ở nước Đức. Đồ họa dưới là con số tử vong hàng ngày. Dữ liệu của Viện Robert Koch (RKI). Nguồn: https://de.wikipedia.org/wiki/COVID-19-Pandemie_in_Deutschland
So sánh hai đồ họa trên, cùng một khuôn mẫu như ở nước Anh và Israel, chúng ta thấy số ca tử vong tăng tương ứng theo độ tăng của số người bị nhiễm COVID-19 mới trong làn sóng đợt dịch thứ nhất (4/2020) và thứ hai (10/2020 dưới ảnh hưởng của biến thể Alpha). Nhưng ở làn sóng dịch đợt ba (6/2021) thì tỷ lệ tử vong giảm hẳn (dưới tác dụng của vắc xin chủng ngừa), số lượng ca nhiễm mới đang có khuynh hướng tăng trở lại dưới ảnh hưởng lây nhiễm nhanh của biến thể Delta, nhưng còn trong mức độ ổn định.
Bảng liệt kê con số tử vong tính theo tuổi và giới tính
(Báo cáo của Viện Robert Koch Đức ngày 6/7/2021)
Anzahl Todesfälle: Con số tử vong; Altersgruppen in Jahren: Nhóm tuổi tính theo năm; mänlich: nam; weiblich: nữ. Nguồn: https://de.wikipedia.org/wiki/COVID-19-Pandemie_in_Deutschland
Thống kê về tử vong có liên quan đến COVID-19 ở Đức của viện Robert Koch cho thấy rõ nhóm tuổi nguy cơ có nguy cơ rơi vào tử vong cao là bắt đầu từ nhóm tuổi 70 trở lên và giới nam ở tuổi 60-69 cũng cần phải được lưu ý.
Việt Nam sau một thời gian ổn định đã đi vào đợt dịch mới, bùng phát từ nhiều nơi khác nhau trên hầu như mọi miền đất nước (9). Tin mới nhất cho thấy TP.HCM hiện nay có mức độ lây nhiễm cao chưa từng có.
Từ ngày 1/7/2021, TP.HCM trung bình ghi nhận 1.305 ca nhiễm mỗi ngày, hầu hết trong khu cách ly, phong tỏa. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn phát hiện ca nhiễm qua xét nghiệm giám sát tại cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết từ 27/4/2021 đến nay, thành phố phát hiện 20.411 ca dương tính, 246 ca đang thở máy và 7 ca cần can thiệp ECMO” (10). Dữ liệu lây nhiễm trong ngày 14/7/2021 ở Việt Nam là 2.830 ca, tử vong trong ngày là 6 ca, tử vong tích lũy 138 ca, số ca nhiễm tích lũy là 38.239 (11).
Phía trên là đường biểu diễn số ca lây nhiễm tích lũy. Đồ họa dưới là hiển thị cho số ca lây nhiễm mới hàng ngày. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Các bài học từ những dữ liệu trên
Những dữ kiện nêu trên và cùng với những diễn tiến dịch bệnh của những nước khác, cho phép ta có một số kết luận tóm tắt như sau:
• Biến thể Delta lây lan rất nhanh và là mối đe dọa gây tăng tử vong khi lây nhiễm đến các nhóm người trong hệ nguy cơ (người cao tuổi, bệnh nền, suy giảm sức đề kháng).
• Điều mới là những phát hiện cho thấy ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn bị tái nhiễm với vi rút Corona và biến thể của nó. Nhưng sự khác biệt rõ ràng đối với những người không được tiêm chủng là những người được tiêm chủng có bảo vệ tốt hơn khỏi bệnh nặng, trong trường hợp tái nhiễm với SARS-CoV-2.
• Tiêm chủng ngừa COVID-19 ưu tiên cho thành phần người dân nằm trong hệ nguy cơ (người cao tuổi trên 65 tuổi, bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch) là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả và cực kỳ quan trọng cho việc giảm tử vong và giảm áp lực cho nguy cơ quá tải về chăm sóc y tế (xem đồ họa hiển thị tử vong hàng ngày trong làn sóng đợt dịch 3 ở các nước được báo cáo trên với một điểm chung: lây nhiễm tăng dưới ảnh hưởng của biến thể Delta, nhưng tử vong thấp và con số những ca phải nhập viện điều trị cũng thấp).
• Những thông báo khoa học gần đây cho thấy tiêm chủng liều thứ 3 khoảng 6 tháng sau khi được tiêm chủng đầy đủ 2 liều nhằm để bảo đảm kéo dài sức đề kháng chống lại COVID-19 có khả năng lớn là cần thiết (8).
• Tử vong có liên quan đến COVID-19 ở người dưới 60 tuổi trước sau vẫn là rất thấp (16).
• Có một khuynh hướng chung trong dân chúng trên nhiều quốc gia là muốn sớm trở lại cuộc sống bình thường bởi những đòi hỏi cần thiết của đời sống sinh hoạt kinh tế tối thiểu để tồn tại hoặc do đời sống tâm lý gia đình và xã hội có quá nhiều xung đột không còn chịu đựng nổi bởi tình trạng tù túng của biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội …
Nhận định về tình hình Việt Nam và biện pháp
Sự kiện COVID-19, đặc biệt là với biến thể Delta hiện nay đang lây lan mạnh là chuyện không tránh khỏi vì tính chất lây lan mạnh của nó, đặc biệt là trong một xã hội nhiều người trẻ với mức độ di động cao. Theo kết quả của Nghiên cứu Gutenberg COVID-19, số ca lây nhiễm ở Đức không có triệu chứng là 42,4%. Như vậy, cứ 10 người bị nhiễm COVID-19 ở Đức có triệu chứng, thì phải tính thêm là có đến 8 người lây nhiễm không có triệu chứng. Theo bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn ngày 14/7/2021 trên trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Bộ Y Tế (14) thì con số F0 không có triệu chứng trong thời gian qua tại Việt Nam là 70-80%. Như vậy, cứ 10 người ở Việt Nam bị nhiễm bệnh có triệu chứng thì phải tính đến có thêm 40 người nữa đã có bị lây nhiễm không có triệu chứng! 1.000 người bị lây nhiễm, thì con số người lây nhiễm không triệu chứng đi kèm sẽ là 4.000 người. Với con số lây nhiễm không triệu chứng trong suy luận trên, hy vọng kiểm soát được F0 trong thời điểm dịch lan rộng bởi biến thể Delta là không thể thực hiện được. Chưa kể là theo thông tin dịch bệnh hàng ngày của Bộ Y Tế, con số ghi nhận những ca mới trong ngày phần lớn là xuất phát từ những khu cách ly hay phong tỏa. Đây cũng là những tụ điểm nguy cơ cho biến thể Delta lây mạnh, một khi khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế không thể được tuân thủ nghiêm chỉnh trong tâm trạng hoang mang của người dân: bị phong tỏa bao lâu, giải quyết vấn đề gia đình con cái ra sao, tiền đâu cho gia đình sinh sống, ăn uống thế nào…
TP.HCM đã tiến hành biện pháp giãn cách xã hội 14 ngày, bắt đầu từ ngày 9/7/2021. Giãn cách xã hội là một giải pháp triệt để trong phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, nhưng không nên quên rằng, biện pháp này tự nó cũng mang đến những hệ lụy về kinh tế xã hội, tâm lý cho người dân chưa lường hết được.
Trước khi trả lời câu hỏi, Việt Nam trong lúc này cần những biện pháp gì, tôi nghĩ là chúng ta cần ghi nhận một số nhận thức chủ yếu rút ra từ những trải nghiệm của các quốc gia đã nói trên:
1. So sánh đồ họa các nước Anh, Israel và Đức về số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong hàng ngày, ta thấy nó theo một khuôn mẫu tương đối đồng nhất. Những ca tử vong tăng cao tương ứng với ca nhiễm mới trong ngày ở đợt dịch 1 và 2. Trong đợt dịch 3, ca nhiễm mới tăng trở lại dưới ảnh hưởng lây lan mạnh của biến thể Delta, nhưng tử vong thấp nhờ vào chủng ngừa COVID-19 rộng rãi trong dân chúng, đặc biệt đã ưu tiên chủng ngừa sớm cho nhóm người có hệ nguy cơ cao. Thành phần được chủng ngừa với phản ứng miễn dịch hiệu quả chống SARS-CoV-2 đã là rào cản cho sự lan rộng lây nhiễm và giảm biến chứng nghiêm trọng của COVID-19 trong trường hợp tái nhiễm.
2. Trong những điều kiện nhất định, thì con số lây nhiễm mới hàng ngày không phải là mối lo âu, nếu tử vong thấp (lệ thuộc vào tỷ lệ chủng ngừa nhóm nguy cơ có đầy đủ chưa) và số ca nhiễm cần nhập viện điều trị thấp (nhờ phần còn lại hầu như là giới trẻ chưa chích ngừa). Nước Anh trong thống kê ngày 14/7/2021 cho thấy con số nhiễm trong ngày là 37.341 ca, tử vong là 36 ca. Nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn không thay đổi quyết định chấm dứt những biện pháp phòng chống COVID-19 vào ngày thứ hai 19/7/2021, khi không thấy có những dấu hiệu quá tải chăm sóc y tế có thể xảy ra. Quyết định này đang được tranh luận sôi nổi ngay cả trong giới chuyên môn. Nhưng theo tôi, quyết định của Johnson, mặc dù số ca lây nhiễm trong ngày còn rất cao, là chấp nhận được trong tình hình dịch bệnh tạm ổn định (tử vong thấp) và vì sự cần thiết của việc ổn định kinh tế và giảm dịu tâm lý xã hội trên đất nước của ông, một điều mà nhiều quốc gia ít quan tâm hay không quan tâm vì bất lực.
3. Sự khác biệt cơ bản của diễn tiến dịch bệnh ở Việt Nam với các nước trên là đợt dịch 1 rất ít ca lây nhiễm và không có tử vong, đợt dịch 2 chủ yếu là dịch bùng phát tại Đà Nẵng với 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 có ghi nhận gia tăng lây nhiễm nhưng không đáng kể. Trong đợt dịch mới hiện nay, ta lại thấy có một sự tương đồng nhất định về diễn tiến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước Anh, Israel và Đức. Sự tương đồng đó là số ca lây nhiễm tăng nhanh, nhưng tử vong thấp. Một hiện tượng chỉ có thể thấy được ở những quốc gia có mức độ chủng ngừa cao. Việc này nói lên sự kiện là chủng ngừa đã tạo ra phản ứng miễn dịch rất hiệu quả trong phòng chống COVID-19. Nhìn vào diễn tiến dịch bệnh tại Việt Nam, chúng ta sẽ không có giải trình nào khác hơn, trong điều kiện tỷ lệ chủng ngừa cực thấp, để phải đi đến kết luận là dịch bệnh từ Vũ Hán đã qua đường khách du lịch và khách nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc đến Việt Nam rất sớm, lây nhiễm mạnh ở người trẻ không gây triệu chứng và tình trạng hiện nay có khả năng lớn là biểu hiện cho phần lớn dân số đã được miễn nhiễm (15). Số ca lây nhiễm trong thời gian tới sẽ vẫn tăng dưới ảnh hưởng lây nhiễm lan nhanh của biến thể Delta, trong thành phần người mới nhiễm, theo giả thuyết miễn dịch đã nêu, một phần sẽ là tình trạng tái nhiễm. Số ca nhiễm không có triệu chứng ở Việt Nam cao bất thường (70-80%) cũng có thể là một biểu hiện của tình trạng tái nhiễm. Đó cũng là một hướng giải thích cho tử vong và số ca cần nhập viện điều trị thấp.
Từ những nhận thức trên và dựa vào kết quả của nghiên cứu Gutenberg COVID-19 ta có thể ghi nhận một số biện pháp áp dụng cho Việt Nam trong điều kiện dịch bệnh hiện nay:
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là việc tiến hành chủng ngừa sớm nhất có thể được, đặc biệt là trong lúc vắc xin chưa được cung cấp đầy đủ cho dân chúng và biết trước là sẽ còn khó khăn lâu dài, cần ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ tử vong cao (người trên 65 tuổi, bệnh nền, suy giảm chức năng hệ miễn dịch), nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ quá tải chăm sóc y tế. Thống kê của nghiên cứu phân tích tổng hợp và riêng rẽ của các quốc gia cho thấy tử vong dưới 65 tuổi là 0,01-0,4% (16). Nếu không chủng ngừa sớm thành phần có nguy cơ tử vong thì khả năng lây nhiễm lan rộng nhanh như hiện nay đến một lúc nào đó, trong thời gian gần, dịch sẽ xâm nhập được vào nhóm nguy cơ và hậu quả sẽ khó lường. Mỗi một tiêm chủng cho người trẻ lành mạnh hiện nay (nguy cơ tử vong 0,01-0,4%) về dịch tễ học là một điều không thể hiểu nổi trong tình hình người cao tuổi trong nhóm nguy cơ phần lớn chưa được sự bảo vệ của chủng ngừa.
Theo như phần trình bày trên, thì con số những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng ở Việt Nam nhiều gấp bốn lần người bị nhiễm có triệu chứng. Cộng thêm vào đó là sức lây nhiễm nhanh của biến thể Delta, cho thấy thực tế là con số lây nhiễm thật sự không còn kiểm tra được nữa. Những phát hiện lây nhiễm hàng ngày chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì vậy cách thức phòng ngừa dịch cũng cần thay đổi:
a. Tạo ý thức cao cho người dân về lây nhiễm dịch bệnh: thấy có triệu chứng bệnh thì tự ra y tế phường hay quận làm test SARS-CoV-2 (điều này nhà nước phải lo cho dân được làm miễn phí). Test dương tính thì cách ly tại nhà 14 ngày có kiểm tra qua điện thoại hay thăm viếng bất chợt của phường hay quận. Nếu vì lý do nào khác không muốn làm test thì cũng nên tự ý thức cách ly 14 ngày ở nhà.
b. Không nên cách ly người bị lây nhiễm trong cộng đồng, nếu điều kiện sinh sống trong hộ gia đình của họ cho phép (xem phần kết quả Nghiên cứu Gutenberg COVID-19). Chưa kể là ở những khu cách ly, mức độ lây nhiễm theo những báo cáo y tế gần đây, cho thấy là tăng cao hơn rõ rệt so với ngoài cộng đồng. Trong điều kiện hiện nay với số ca lây nhiễm càng ngày càng tăng, e rằng cũng sẽ không còn cơ sở để cách ly. Nhìn về mặt dịch tễ học đúng ra cách ly cũng chỉ cần thiết cho một số trường hợp nhất định, không đại trà cho F0 và F1, ví dụ như cách ly khách nhập cảnh vào Việt Nam với test SARS-CoV-2 dương tính để bảo đảm cho theo dõi kiểm dịch từ ngoài vào.
c. Giãn cách xã hội chỉ cần thiết khi khả năng chăm sóc y tế có nguy cơ bị quá tải. Trên thực tế, giãn cách xã hội bao giờ cũng làm giảm tình trạng lây nhiễm cấp thời, nhưng cũng đồng thời gây nên bất ổn về đời sống kinh tế và xáo trộn nặng nề về tâm lý xã hội, đặc biệt cho nhóm người dân có thu nhập thấp.
d. Do đó, trong tình hình hiện nay với diễn tiến dịch bệnh theo kịch bản 2 (17): lây nhiễm tăng, tử vong thấp và cũng chưa có dấu hiệu quá tải chăm sóc y tế, không nên kéo dài tình trạng giãn cách xã hội. Tạo điều kiện cho người dân sớm trở về cuộc sống thường ngày, nhưng đặc biệt phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế, những biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao (Nghiên cứu Gutenberg COVID-19 của Đại học Y Khoa Gutenberg Mainz). Cần lưu ý giữ khoảng cách tiếp xúc ngay cả trong gia đình và đặc biệt là đối với người cao tuổi.
e. Đề nghị nhà nước tổ chức làm test miễn phí cho người dân tại mỗi quận. Khuyến khích người dân tự ý thức đến kiểm tra và tự cách ly tại nhà (xem phần a.). Đồng thời thực hiện test SARS-CoV-2 theo chiến lược cụm để ngăn chặn siêu lây nhiễm (superspreader).
f. Theo Nghiên cứu Gutenberg COVID-19 thì ảnh hưởng của đại dịch vào thu nhập của người dân nặng nề nhất là vào nhóm người có thu nhập thấp. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chính cho thành phần này trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch là cần thiết. Ở đây, cần ghi nhận hết sức trân trọng là đã có nhiều tổ chức tự nguyện dân sự từ nhiều nơi hoạt động tích cực hỗ trợ cho người nghèo trên nhiều địa phương khác nhau (18,19,22) và nhà nước cũng đã công bố những chính sách hỗ trợ tài chính cho thành phần thu nhập thấp (20).
g. Cuối cùng là một câu hỏi gợi ý để nhận định về thực tại của nền y tế trong nước và hướng vọng về một sự phát triển của ngành y học nước nhà trong tương lai: khi nào thì chúng ta có được một nghiên cứu PHẠM NGỌC THẠCH về COVID-19?
Trích dẫn:
1. https://www.rki.de/DE/Content/InfAZ/N/Neuartiges_Coronavirus/Virusvariante.html
2. https://www.livescience.com/coronavirus-variants.html
3. https://vnvc.vn/tinh-hinh-tiem-vac-xin-covid-19/
4. Quelle: JHU CSSE COVID-19 Data 15.7.2021
5. https://de.wikipedia.org/wiki/COVID-19-Pandemie_im_Vereinigten_K%C3%B6nigreich
6. https://www.faz.net/aktuell/politik/ausland/israel-neue-daten-zeigen-wirkung-der-delta-variante-bei-geimpften-17425213.html#?cleverPushBounceUrl=https%3A%2F%2Fwww.faz.net%2Faktuell%2F&cleverPushNotificationId=kk3MbzHR4rtSeHEJR
7.https://www.rki.de/DE/Content/Infekt/EpidBull/Archiv/2021/Ausgaben/27_21.pdf?__blob=publicationFile
8. https://www.aerzteblatt.de/nachrichten/125447/Pfizer-Biontech-Auffrischungsimpfung-wahrscheinlich-erforderlich
9. https://diendankhaiphong.org/2021/06/07/mot-cach-nhin-ve-tinh-hinh-dai-dich-corona-hien-nay-tai-viet-nam/
10. https://diendankhaiphong.org/2021/06/07/mot-cach-nhin-ve-tinh-hinh-dai-dich-corona-hien-nay-tai-viet-nam/
11. Số liệu từ Wikipedia và JHU CSSE COVID-19 Data
12. https://www.youtube.com/watch?v=DGZTupmgNAs
13. https://www.unimedizin-mainz.de/gcs/informationen-zur-studie/studienablauf-und-datenerhebung.html
14. https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-5756
15. https://diendankhaiphong.org/2020/04/16/corona-tai-sao-so-ca-nhiem-o-viet-nam-thap/
16. G. Meyerowitz-Katz et al., Assessing the age specificity of infection fatality rates for COVID-19: systematic review, meta-analysis, and public policy implications, European Journal of Epidemiology, volume 35, pages1123–1138
17. https://diendankhaiphong.org/2021/06/07/mot-cach-nhin-ve-tinh-hinh-dai-dich-corona-hien-nay-tai-viet-nam/
18. https://thanhnien.vn/doi-song/chuyen-tu-te-nha-chua-ho-tro-nguoi-ngheo-vuot-qua-covid-19-1408794.html
19. https://thanhnien.vn/doi-song/chuyen-tu-te-quan-com-5000-dong-giup-nguoi-ngheo-vuot-dich-covid-19-1397610.html
20. https://vov.vn/kinh-te/tphcm-de-xuat-chi-886-ty-dong-ho-tro-cho-cac-doi-tuong-anh-huong-boi-covid-19-868742.vov
21. https://www.merkur.de/politik/aufhebung-aller-corona-massnahmen-in-england-britischer-minister-verteidigt-geplante-lockerungen-90844199.html
22. https://vnexpress.net/sai-gon-bao-thuong-4326211.html
Hãy là người bình luận đầu tiên