Kinh tế - Xã hội

Hộ chiếu vắc xin - giải pháp khôi phục ngành du lịch

  • 04/10/2021
  • ThS Trần Thiên Trang
    ---------

    Đứng trước đại dịch COVID-19, không chỉ Việt Nam mà gần như cả thế giới đã và đang chịu rất nhiều hậu quả từ nó như mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng, bất ổn xã hội, kinh tế suy giảm. Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư với nhiều chuyển biến phức tạp, Việt Nam - một nước đang phát triển phải đứng trước sức ép rất lớn về kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Ngành du lịch từng được đánh giá là ngành tăng trưởng ổn định nhất lại trở thành đối tượng chịu tổn thương nghiêm trọng nhất kể từ năm 2020 do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 [1]. Trước các phương án nhằm phục hồi nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng, từ năm 2020, Việt Nam đã bắt đầu xem xét về việc thí điểm “Hộ chiếu vắc xin”. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức và các quốc gia về triển khai hộ chiếu vắc xin, tác giả đặt ra một số vấn đề cần cân nhắc liên quan đến cơ chế áp dụng hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn.

    Nhu cầu về một giải pháp trước thách thức quá lớn từ đại dịch COVID-19

    Theo Báo cáoCOVID-19 và Du lịch – Cập nhật” của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) [2], hầu như tất cả quốc gia đều thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển như lệnh cấm đi lại, kiểm soát thị thực, cách ly. Du lịch quốc tế gần như bị tạm ngưng hoàn toàn vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020, sau đó có sự tăng nhẹ và lại giảm mạnh từ cuối năm 2020. Lượng khách quốc tế của thế giới năm 2020 giảm 74% so với năm 2019. Số liệu báo cáo cũng cho thấy lượng khách du lịch đến một số nước đang phát triển vào năm 2020 giảm đáng kể, phần lớn nằm trong mức giảm từ 60% đến 80%. Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm đến 79%, chỉ đứng sau Mông Cổ, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Nepal và con số này là tương tự như các nước Malaysia, Peru. Hơn nữa, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng ước tính có khoảng 100-120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch đang bị đe dọa [2].

    Có thể thấy rằng, ngành du lịch các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển đang đứng trước nguy cơ lớn. Điều này đặt ra nhu cầu về một giải pháp mang tính cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát dịch bệnh. Tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên toàn cầu đã trở thành một trong những giải pháp tiềm năng mang lại cơ hội lớn cho sự phục hồi của không chỉ riêng ngành du lịch mà còn của cả nền kinh tế quốc gia. Trên cơ sở đó, một số quốc gia đã áp dụng hoặc bắt đầu xem xét về việc cấp thẻ tiêm chủng hoặc hộ chiếu vắc xin như một “giấy thông hành” chứng minh đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và đáp ứng một trong các điều kiện nhập cảnh ở những quốc gia yêu cầu về minh chứng này.

    Quy định về hộ chiếu vắc xin ở một số quốc gia trên thế giới

    Liên minh châu Âu (EU) đã gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020. Ngành du lịch được xác định là một trong những vấn đề cần được giải quyết sớm tại EU. Theo đó, Quy định về hộ chiếu vắc xin EU (The EU COVID-19 Vaccine Passport) hoặc Chứng nhận COVID điện tử EU (EU Digital COVID Certificate) được triển khai áp dụng từ ngày 01/7/2021 [3]. Chứng nhận COVID điện tử EU có thể được cấp theo 3 loại: Chứng nhận đã tiêm vắc xin, Chứng nhận xét nghiệm âm tính và Chứng nhận phục hồi từ COVID-19. Chứng nhận này có giá trị trong tất cả các nước EU nhằm tạo điều kiện thuận lợi (không phải là điều kiện tiên quyết) cho công dân hoặc người sống tại các quốc gia EU tự do di chuyển trong EU. Chứng nhận COVID điện tử EU là cơ sở để các quốc gia thành viên EU dỡ bỏ những hạn chế đang áp dụng, trừ những trường hợp cần thiết và hướng đến bảo vệ sức khỏe cộng đồng như nguy cơ về các biến thể mới đáng lo ngại [3]. Ngoài ra, trong trường hợp chứng nhận được cấp bởi các nước ngoài EU đảm bảo tương thích với hệ thống của EU về các tiêu chuẩn cũng có thể được Ủy ban châu Âu xem xét công nhận. Quy tắc công nhận bằng chứng tiêm chủng, được áp dụng cho cả các quốc gia EU và ngoài EU, đó là vắc xin tiêm chủng phải là vắc xin đã được cấp phép lưu hành trên toàn EU, hoặc vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt [4].

    Tương tự, Trung Quốc cũng đã bắt đầu chấp nhận các minh chứng về tiêm vắc xin của Hoa Kỳ trong các hồ sơ du lịch đến nước này, mặc dù trước đây, Trung Quốc cho biết quốc gia này sẽ chỉ tạo điều kiện nhập cảnh cho những người đã tiêm vắc xin của Trung Quốc. Đối với các minh chứng về tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson có thể được nộp như một phần của hồ sơ xin cấp mã coronavirus QR (“health code”) – một phiên bản hộ chiếu vắc xin và yêu cầu nhập cảnh của Trung Quốc [5].

    Tại Hoa Kỳ, chính phủ đang xem xét rất kỹ lưỡng vấn đề hộ chiếu vắc xin cho du lịch quốc tế hoặc từ Hoa Kỳ đến các quốc gia khác và cũng đối mặt với nhiều tranh cãi về vấn đề này [6]. Trong khi bang Florida đã ban hành luật cấm đối với hộ chiếu vắc xin [7] thì New York vừa trở thành tiểu bang đầu tiên cung cấp hộ chiếu vắc xin điện tử thông qua ứng dụng Excelsior Pass để chứng minh đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã nhận được kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính gần đây [8].

    Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng bắt đầu mở cửa cho khách du lịch đến từ khoảng 50 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia EU, Mỹ, Canada, Nga và Trung Quốc với điều kiện phải có giấy chứng nhận tiêm vắc xin, xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng nhận hồi phục sau COVID-19. Đồng thời, chính phủ Hy Lạp cũng liệt kê các loại vắc xin được chấp nhận, bao gồm: Pfizer-BioNtech, Moderna, AstraZeneca, Novavax, Johnson và Johnson, Sinovac, Sputnik V, Casino Biologics và Sinopharm [9].

    Cùng với việc triển khai hộ chiếu vắc xin, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đưa ra một thử nghiệm hữu ích, đó là ứng dụng IATA Travel Pass. IATA Travel Pass giúp khách du lịch lưu trữ và quản lý các chứng nhận về việc họ đã thực hiện các xét nghiệm COVID-19 hoặc đã tiêm vắc xin [10]. IATA Travel Pass không phải là hộ chiếu vắc xin mà là công cụ quản lý dữ liệu sức khỏe chính xác và an toàn trên nền tảng điện tử nhằm tạo ra sự thuận tiện trong quản lý lượng dữ liệu khổng lồ về sức khỏe (ví dụ Chứng chỉ Tiêm chủng quốc tế). Do đó, chính các quốc gia vẫn sẽ là chủ thể quyết định về các yêu cầu nhập cảnh đối với khách du lịch. Trong trường hợp một quốc gia cụ thể có yêu cầu về tiêm chủng cho chuyến bay du lịch đến quốc gia đó thì IATA Travel Pass sẽ hỗ trợ thực hiện yêu cầu. Và điều này sẽ phần nào giúp cho các quốc gia có cơ sở để tự tin hơn cho việc mở lại biên giới. Cũng như nhiều hãng hàng không trên thế giới, tại Việt Nam, Vietnam Airlines, Bamboo và Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng trên [11].

    Hộ chiếu vắc xin: Nên hay không trong thời điểm hiện tại?

    Trong Thư Trình bày ý kiến tạm thời về việc cân nhắc liên quan đến bằng chứng tiêm chủng COVID-19 cho khách du lịch quốc tế [12], WHO cho rằng tình trạng tiêm chủng vắc xin chỉ là sự phản ánh về việc một người đã được tiêm chủng vắc xin COVID-19 hay chưa. Dưới góc độ pháp lý, đại diện WHO nhận định rằng, ở thời điểm hiện tại, WHO không ủng hộ việc yêu cầu hộ chiếu vắc xin như một điều kiện cho việc nhập cảnh hoặc xuất cảnh, bởi việc tiêm chủng không đảm bảo tính chắc chắn trong ngăn ngừa sự lây nhiễm của vi rút cũng như những lo ngại về tính công bằng, bình đẳng [13]. Thêm vào đó, do nguồn cung cấp vắc xin đang còn hạn chế, việc tiêm phòng ưu tiên cho khách du lịch có thể dẫn đến nguồn cung cấp vắc xin không đủ cho các nhóm người ưu tiên có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng. WHO cũng khuyến cáo rằng những người đã được tiêm chủng không nên được miễn tuân thủ các biện pháp giảm thiểu rủi ro khi đi du lịch [12]. Nếu yêu cầu bằng chứng về việc tiêm chủng COVID-19 cho khách du lịch quốc tế được áp dụng trong tương lai theo quy định của Điều lệ Y tế Quốc tế 2005 (International Health Regulations 2005), thì vắc xin phải được WHO phê duyệt, có chất lượng phù hợp và phổ biến rộng rãi, để bảo vệ tất cả mọi người khỏi sự lây lan quốc tế của dịch bệnh [14].

    Trên thực tế, trước tình hình dịch bệnh kéo dài, việc đóng cửa biên giới của các quốc gia đã thiệt hại không nhỏ đến ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh trong ngành du lịch. Tính riêng ở Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 34,1%; tổng thu du lịch giảm 58,7% (tương đương 19 tỷ USD) [15]. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động và nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15% [16]. Điều đáng nói là, trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, ngành du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước, tạo ra 2,9 triệu việc làm [16]. Du lịch Việt Nam đã rất nỗ lực để đạt được thành tích đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNTWO). Ngoài ra, nhu cầu đi lại, du lịch của công dân từ các quốc gia khác sau một thời kỳ đóng băng cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Trên các cơ sở đó, hộ chiếu vắc xin sẽ là một trong các giải pháp hữu ích đáng để cân nhắc. Mặc dù, đây không phải là một giải pháp an toàn tuyệt đối trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu nhưng sẽ là cơ hội để phá vỡ “tảng băng” của ngành du lịch và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch của Việt Nam.   

    Một số vấn đề cần cân nhắc khi triển khai hệ thống Hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam

    Theo Luật Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm, vắc xin  “chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh” [17]. Từ góc độ tiếp cận của ngành y tế, hộ chiếu vắc xin bản chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19. Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận hộ chiếu vắc xin. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố du lịch của Việt Nam như Kiên Giang, Khánh Hòa cũng đã đề xuất thực hiện thí điểm mở cửa đối với du khách đã có hộ chiếu vắc xin. Và để triển khai trên thực tế, hộ chiếu vắc xin cần được xem xét dưới nhiều góc độ như xã hội, pháp lý và sức khỏe cộng đồng.

    Theo Dữ liệu tiêm chủng COVID của The Our World in Data (cập nhật ngày 14/7/2021), có 3,54 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu và 29,96 triệu liều hiện được sử dụng mỗi ngày [18]. Chỉ 1% người dân ở các nước thu nhập thấp đã nhận được ít nhất một liều thuốc. Tính đến thời điểm này, thế giới đạt 25,78% dân số tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 và tỷ lệ dân số thế giới đã được tiêm đầy đủ hai liều vắc xin là 12,55%. Riêng Việt Nam bắt đầu đạt tỷ lệ tiêm chủng 0,01% vào ngày 30/4/2021 và sau hơn 2 tháng, tỷ lệ dân số tiêm một liều vắc xin là 3,97%, chỉ 0,29% dân số đã được tiêm đủ hai liều vắc xin. Từ các số liệu trên có thể thấy, tỷ lệ dân số thế giới được tiêm đầy đủ để đạt chuẩn “Hộ chiếu vắc xin” là không cao, chưa kể Việt Nam vẫn còn đang gặp khó khăn trong nguồn vắc xin và việc đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng (ước tính khoảng trên 70% dân số) sẽ còn là quá trình lâu dài và đòi hỏi nhiều sự nỗ lực.  

    Trên các cơ sở dữ liệu tiêm chủng tại Việt Nam và thế giới cũng như thực tiễn triển khai hộ chiếu vắc xin tại các nước, bài viết đặt ra một số vấn đề cần xem xét, cân nhắc khi thực hiện hộ chiếu vắc xin trong bối cảnh Việt Nam hiện tại như sau:

    Thứ nhất là dưới góc độ bình đẳng. Trong khi các nước trên thế giới đều hướng tới miễn dịch cộng đồng và đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin ngăn ngừa COVID-19 thì vắc xin vẫn chưa thể là một giải pháp tối ưu. Thực tế, có một số đối tượng thuộc trường hợp không tiêm chủng do không đáp ứng điều kiện sức khỏe hoặc độ tuổi. Do đó, vấn đề đặt ra là nếu công dân Việt Nam không đủ điều kiện để được cấp hộ chiếu vắc xin thì có đồng nghĩa với việc họ bị tước bỏ hoặc bị hạn chế quyền đi lại, nhập cảnh đến các quốc gia có yêu cầu về hộ chiếu vắc xin hay không? Ngược lại, du khách quốc tế có thể đến Việt Nam khi họ không được cấp hộ chiếu vắc xin hay không? Nếu quy định về hộ chiếu vắc xin không phải là điều kiện tiên quyết để nhập cảnh vào Việt Nam hoặc xuất cảnh thì những giải pháp thay thế làm cơ sở đảm bảo ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19 cần được cụ thể trong các quy định pháp luật, chủ trương và chính sách nhà nước.

    Thứ hai là các quy định về tiêu chuẩn công nhận giữa Việt Nam và các quốc gia. Hiện thế giới có nhiều loại vắc xin với các mức độ phòng ngừa nhiễm bệnh và hạn chế lây lan COVID-19 khác nhau (hiện có ít nhất là 13 loại vắc xin đang được sử dụng) [19]. Vì vậy, việc quy định cụ thể về những loại vắc xin thuộc danh mục được Việt Nam công nhận là đáp ứng điều kiện phòng dịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, trên tinh thần hợp tác quốc tế, Việt Nam và các quốc gia khác cần có thỏa thuận về việc công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau. Điều này có thể đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện hộ chiếu vắc xin cho công dân Việt Nam; giảm bớt áp lực trong công tác kiểm soát, xem xét loại trừ các biện pháp hạn chế đi lại đối với du khách quốc tế và tạo cơ chế thuận tiện cho du khách đến Việt Nam trên cơ sở hộ chiếu vắc xin được cấp bởi một quốc gia cụ thể có thỏa thuận công nhận với Việt Nam. 

    Thứ ba là thời hạn hiệu lực của hộ chiếu vắc xin. Liệu rằng thời hạn của hộ chiếu vắc xin có phụ thuộc vào thời hạn bảo vệ của vắc xin? Theo cơ chế hoạt động của vắc xin, người tiêm cần khoảng hai tuần sau khi được tiêm chủng đầy đủ để cho phép cơ thể tạo ra miễn dịch với vi rút gây bệnh COVID-19 [20]. Thêm vào đó, vắc xin COVID-19 mới chỉ được phát triển gần đây nên còn quá sớm để biết thời hạn bảo vệ của vắc xin và các nghiên cứu của WHO vẫn đang được thực hiện để có dữ liệu chính xác về khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ kéo dài bao lâu [21]. Như vậy, hộ chiếu vắc xin có hiệu lực bắt đầu từ thời gian nào, có thời hạn trong bao lâu cũng như các tiêu chí để xem xét về thời hạn của một hộ chiếu vắc xin là vấn đề đáng cân nhắc.

    Thứ tư là giải pháp phòng ngừa dịch bệnh cần mang tính tích hợp. Điều này có nghĩa là hộ chiếu vắc xin không nên là giải pháp duy nhất để xem xét về điều kiện của một người nhập cảnh vào Việt Nam hoặc xuất cảnh ra khỏi Việt Nam. Trong diễn biến đầy bất ngờ của đại dịch COVID-19, sự bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia rơi vào từng thời điểm khác nhau và đặc biệt hiện nay số lượng người tiêm chủng vắc xin đầy đủ hai liều vẫn còn rất thấp, việc mở cửa hội nhập và du lịch quốc tế đòi hỏi nhiều giải pháp kết hợp để tránh rủi ro lây nhiễm cho những người không thể hoặc chưa được tiêm chủng vắc xin đầy đủ. Trong trường hợp xuất hiện những biến thể nhanh chóng của SARS-CoV-2, các tiêu chuẩn đối với hộ chiếu vắc xin và các giải pháp kết hợp cũng cần được áp dụng linh hoạt và tính toán đến các phương án dự phòng cho những ngoại lệ phát sinh. 

    Kết luận

    Hộ chiếu vắc xin là một mô hình được chấp nhận ở các nước châu Âu và một số quốc gia khác với những điều kiện cụ thể. Hộ chiếu vắc xin không thể là một giải pháp an toàn tối ưu và không nên là điều kiện tiên quyết đối với việc di chuyển giữa các quốc gia. Tuy nhiên, đây có thể là một trong những giải pháp cấp thiết trong tình hình đại dịch kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Để giải bài toán khó về đảm bảo mục tiêu kép bao gồm phát triển kinh tế và phòng, chống dịch thì việc đưa ra các giải pháp trong tình thế “sống chung” với đại dịch là không thể né tránh. Bởi vì khả năng miễn dịch từ các loại vắc xin không thể đạt mức 100% cũng như tỷ lệ tiêm chủng không thể đạt 100% dân số, do đó, mô hình hộ chiếu vắc xin cần đảm bảo cân nhắc các yếu tố, phù hợp với bối cảnh cụ thể của Việt Nam và tình hình chung của thế giới. Các biện pháp phòng dịch khác như xét nghiệm âm tính với COVID-19, nguyên tắc 5K cũng nên đóng vai trò quan trọng trong việc mở cửa biên giới an toàn, không “nhập khẩu” vi rút và đảm bảo khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

     

    Tài liệu tham khảo

    1. ND.Doanh nghiệp du lịch thử thách mới trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.” Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. (06/07/2021). https://dangcongsan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-du-lich-thu-thach-moi-trong-boi-canh-dich-benh-keo-dai-584198.html, cập nhật ngày 16/7/2021. 
    2. United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). “COVID-19 and tourism - An update." Internet: https://unctad.org/system/files/official-document/ditcinf2021d3_en_0.pdf, cập nhật ngày 16/7/2021.
    3. European Union. “EU Digital COVID Certificate Factsheet.” Internet: https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/FS_21_2793, cập nhật ngày 16/7/2021.
    4. European Union. “Questions and Answers – EU Digital COVID Certificate”. Internet: https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/qanda_21_2781, cập nhật ngày 16/7/2021.
    5. Eva Dou. “China to recognize Western shots for its vaccine passports, as it seeks to reopen.” The Washington Post. (20/4/2021). https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/china-vaccine-passport-visas-covid/2021/04/20/8a6422d0-a14e-11eb-8a6d-f1b55f463112_story.html, cập nhật ngày 14/7/2021.
    6. Alexandra Villarreal. “US taking ‘very close look’ at vaccine passports for international travel”. The guardian. (28/5/2021). https://www.theguardian.com/us-news/2021/may/28/homeland-security-biden-alejandro-mayorkas, cập nhật ngày 14/7/2021.
    7. Office of Governor Ron DeSantis. “Governor Ron DeSantis Signs Landmark Legislation to Ban Vaccine Passports and Stem Government Overreach.” Internet: https://www.flgov.com/2021/05/03/governor-ron-desantis-signs-landmark-legislation-to-ban-vaccine-passports-and-stem-government-overreach/, cập nhật ngày 16/7/2021.
    8. Geoffrey A. Fowler. “We tested the first state ‘vaccine passport.’ Here’s what worked — and didn’t.” The Washington Post. (9/4/2021). https://www.washingtonpost.com/technology/2021/04/08/vaccine-passport-new-york-excelsior-pass/, cập nhật ngày 14/7/2021.
    9. Greece. “COVID-19.” Official website of the Greek National Tourism Organisation. https://www.visitgreece.gr/before-travelling-to-greece/covid-19/, cập nhật ngày 14/7/2021
    10. IATA. “IATA Travel Pass Q&A.” Internet: https://www.iata.org/contentassets/2b02a4f452384b1fbae0a4c40e8a5d0c/travel-pass-faqs.pdf, cập nhật ngày 14/7/2021.
    11. IATA. “IATA Travel Pass Initiative.” Internet: https://www.iata.org/en/programs/passenger/travel-pass/, cập nhật ngày 14/7/2021.
    12. WHO. “Interim position paper: considerations regarding proof of COVID-19 vaccination for international travellers.” Internet: https://www.who.int/news-room/articles-detail/interim-position-paper-considerations-regarding-proof-of-covid-19-vaccination-for-international-travellers, cập nhật ngày 15/7/2021.
    13. The United Nations. “Clarity still needed on effectiveness of COVID-19 vaccine passports, says UN health agency.” Internet: https://news.un.org/en/story/2021/04/1089082, cập nhật ngày 15/7/2021.
    14. Điều 31, 36, 40, 43 và Phụ lục 6 và 7 của Điều lệ Y tế Quốc tế 2005
    15. Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Đưa du lịch ASEAN thoát khỏi vòng xoáy của đại dịch COVID-19.” Internet: https://bvhttdl.gov.vn/dua-du-lich-asean-thoat-khoi-vong-xoay-cua-dai-dich-covid-19-20210705112329464.htm, cập nhật ngày 16/7/2021.
    16. Trang Linh, “Du lịch Việt Nam 2020: phát huy nội lực trong “bão Covid-19”.” Báo Nhân dân Điện tử. (03/01/2021). https://nhandan.vn/dien-dan-dulich/du-lich-viet-nam-2020-phat-huy-noi-luc-trong-bao-covid-19-630469/, cập nhật ngày 16/7/2021. 
    17. Khoản 10 Điều 2 Luật Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm
    18. Our World In Data. “Coronavirus (COVID-19) Vaccinations.” Internet: https://ourworldindata.org/covid-vaccinations?country=OWID_WRL, cập nhật ngày 15/7/2021.
    19. Yale Medicine. “Comparing the COVID-19 Vaccines: How Are They Different?.” Internet: https://www.yalemedicine.org/news/covid-19-vaccine-comparison , cập nhật ngày 16/7/2021.
    20. U.S. Department of Health & Human Services. “Hiểu biết về cách thức hoạt động của vắc-xin COVID-19.” Internet: https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/how-they-work.html, cập nhật ngày 15/7/2021.
    21. WHO. “Coronavirus disease (COVID-19): Vaccines.” Internet: https://www.who.int/news-room/q-a-detail/coronavirus-disease-(covid-19)-vaccines?adgroupsurvey={adgroupsurvey}&gclid=CjwKCAjw3MSHBhB3EiwAxcaEuy2vEg2ekRpWHYsE-uu5y9V7kExnGTWbVD6VHwxdu2jiG0YT86I4ThoCAWcQAvD_BwE, cập nhật ngày 15/7/2021.
    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên