Kinh tế - Xã hội

Hành lang pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện

  • 23/08/2021
  • ThS. Nguyễn Thị Thu Sương
    Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. HCM
    Phó Trưởng phòng Phòng Pháp lý Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha
    ---------

     

    Đặt vấn đề

    Đại dịch COVID-19 đang bùng phát vô cùng mạnh mẽ. Tính đến ngày 19/8/2021, toàn thế giới có 210.362.067 ca, 4.410.594 ca tử vong, 188.444.909 ca hồi phục. Tại Việt Nam là 312.611 ca, 7.150 ca tử vong, 120.059 ca hồi phục. Những con số “biết nói” đã phản ánh rõ tốc độ bùng phát đáng báo động của dịch bệnh COVID-19.

    Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Nhà nước đã và đang triển khai áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó, phải kể đến các hành lang pháp lý – công cụ quan trọng để điều chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) có liên quan. Bởi lẽ, các quy định pháp luật là một bộ phận không thể tách rời trong một chỉnh thể của chiến lược phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

    Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực thi các quy định còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xử lý hành vi vi phạm. Do vậy, trong bài nghiên cứu này, trên cơ sở nhận diện, phân tích các quy định pháp luật, đánh giá tầm quan trọng của hành lang pháp lý đối với phòng, chống dịch COVID-19 và một số vướng mắc, tác giả đưa ra một số đề xuất, trao đổi liên quan đến hoạt động xử lý, truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi phạm.

    1. Hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19

    Trước thời điểm đại dịch COVID-19 khởi phát, pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định điều chỉnh hoạt động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Đầu tiên là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (Luật PCBTN). Luật này quy định một số nội dung chính như: (i) Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Điều 4; (ii) Những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8; (iii) Nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong phòng lây bệnh truyền nhiễm; (iv) Việc khai báo, tổ chức cách ly y tế, các biện pháp bảo vệ cá nhân, chống dịch khác trong thời gian có dịch và việc kiểm soát ra vào vùng có dịch.

    Hướng dẫn Luật PCBTN, tại thời điểm thực hiện bài nghiên cứu này, có các văn bản đang có hiệu lực pháp luật như: Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCBTN về kiểm dịch y tế biên giới; Nghị định số 101/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCBTN về áp dụng các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;....

    Để xử lý hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các hành vi khác có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, pháp luật hiện hành đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ, rõ ràng, minh bạch. Gắn liền với từng giai đoạn bùng phát dịch bệnh, các cơ quan nhà nước đã có những đánh giá, dự liệu để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hơn. Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan, tác giả sẽ phân loại các hành vi vi phạm và chế tài xử lý tương ứng đối với từng nhóm hành vi vi phạm sau đây.

    1.1. Xử lý hành vi vi phạm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng biện pháp hành chính

    1.1.1. Nhóm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế trong phòng, chống dịch COVID-19

    Hành vi vi phạm các quy định về quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực y tế liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 bị xử lý vi phạm hành chính (VPHC) được điều chỉnh chủ yếu bởi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế (Nghị định 117). Văn bản này quy định cụ thể chế tài xử phạt những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về QLNN trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC.

    Nghị định 117 được ban hành trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Thực tế các hành vi VPPL về phòng, chống dịch ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất, hơn nữa, các quy định xử lý trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế còn chưa đủ bao quát, chế tài xử phạt còn khá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, cho nên chưa đủ sức răn đe. 

    Nghị định 117 có các quy định chính như sau:

    • Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (như không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
    • Hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng,... để phòng ngừa COVID-19 như vứt khẩu trang, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh COVID-19 bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
    • Hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19 bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
    • Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh COVID-19; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh COVID-19;... bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
    • Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cuỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
    • Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh COVID-19 bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
    • Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống COVID-19 bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
    • Hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khấn cấp dịch bệnh COVID-19 sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

    1.1.2. Nhóm hành vi cung cấp, chia sẻ nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc

    Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15) là văn bản chủ yếu quy định các chế tài xử lý hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Nghị định này được xem như là phương thuốc mạnh hơn để ngăn chặn thông tin giả, sai lệch, gây hoang mang dư luận; đồng thời là yếu tố góp phần xây dựng văn hóa mạng.

    Điểm a, điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định này quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: (i) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; và (ii) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

    1.1.4. Nhóm hành vi vi phạm khác 

    • Hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng; 
    • Hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
    • Hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam,… sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức.
    • Hành vi cản trở; xúi giục, lôi kéo; kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.
    • Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với tổ chức.

    1.2. Xử lý hành vi vi phạm phòng, chống dịch COVID-19 bằng chế tài hình sự

    Chế tài hình sự được áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 có dấu hiệu cấu thành tội phạm đối với một trong các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS), được hướng dẫn chi tiết tại Công văn số 45/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Công văn 45). Nội dung chính của công văn là hướng dẫn áp dụng pháp luật và xét xử đối với một số hành vi VPPL phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gồm:

    (i) Các hành vi phạm tội, xâm phạm trực tiếp khách thể là các quy định về phòng, chống dịch bệnh ở người, điển hình là Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 BLHS).

    (ii) Hành vi vi phạm, xâm phạm khách thể khác có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Về phần này, Công văn 45 hướng dẫn rõ các tội danh cụ thể được áp dụng với người thực hiện hành vi VPPL trong từng trường hợp cụ thể như: Tội đầu cơ (Điều 196 BLHS); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS); Tội buôn lậu (Điều 188 BLHS); Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 BLHS).

    1. Đánh giá vai trò của hành lang pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19

    Từ các nội dung đã phân tích nêu trên, có thể khẳng định, Việt Nam đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ điều chỉnh hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trên bình diện thực tiễn, hệ thống các quy định đã trở thành công cụ hữu hiệu để xử lý các hành vi VPPL, đảm bảo tính hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Có thể kể đến các vai trò cụ thể như sau:

    Một, là công cụ pháp lý quan trọng điều chỉnh, định hướng hành vi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hệ thống quy định chặt chẽ, rõ ràng, bao quát (nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh; các hành vi bị nghiêm cấm, quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể; chế tài phải chịu nếu có hành vi vi phạm) đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo quyền lợi mỗi người dân, nâng cao ý thức cộng đồng, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19 được vận hành theo khuôn khổ pháp lý.

    Hai, là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầy đủ, chính xác nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

    Ba, là căn cứ để áp dụng các chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi VPPL về phòng, chống COVID-19. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ, chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Xét ở góc độ thực tiễn, trong thời gian vừa qua, đi đôi với công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân thì cơ quan nhà nước đã rất quyết liệt trong việc rà soát, thanh tra và xử phạt VPHC đối với các hành vi vi phạm. Trường hợp có dấu hiệu VPPL hình sự, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị kiến nghị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự và thực tế, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nhanh chóng, kịp thời, thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, góp phần gióng lên “hồi chuông cảnh báo”, răn đe, nâng cao ý thức cộng đồng.

    1. Đánh giá một số khó khăn khi áp dụng pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 và ý kiến trao đổi, kiến nghị

    Bên cạnh những vai trò mà hệ thống quy định pháp luật mang lại, xét thấy việc triển khai, áp dụng và thực thi trong thực tiễn còn tồn tại một số vướng mắc. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: một số quy định, văn bản chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ cho phù hợp với tình hình thực tế; chưa có sự thống nhất trong việc hiểu, áp dụng quy định pháp luật của từng cơ quan, từng địa phương; nhiều hành vi vi phạm tăng nhanh, khó kiểm soát, khó xác minh, xử lý.

    Do vậy, nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật, việc nghiên cứu chỉ rõ các khó khăn là cần thiết. Trên cơ sở đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá vai trò của hành lang pháp lý trong phòng, chống dịch bệnh của quốc gia (tập trung vào vấn nạn tin giả và công tác áp dụng các văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước), tác giả đưa ra những ý kiến trao đổi, đề xuất, để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật hiện hành.

    3.1.  Vấn nạn “tin giả” (fake news) liên quan đến COVID-19

    Thứ nhất, cần khẳng định rằng, vấn nạn tin giả, không chỉ mới xuất hiện hay chỉ tồn tại ở Việt Nam mà trên thế giới, tại nhiều quốc gia, tình trạng này cũng đáng báo động, làn sóng thông tin sai lệch (misinformation) lớn đến mức nhiều nhà chức trách ở các quốc gia đã sử dụng thuật ngữ đại dịch thông tin “infordemic” để đặt cho nó. Tổ chức y tế thế giới WHO cũng đã đưa ra những cảnh báo và lưu tâm đến đại dịch này, cơ quan này cho rằng COVID-19 là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội đang được sử dụng với quy mô lớn để đảm bảo sự an toàn cho mọi người được an toàn. “Infordamic” có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người; tăng kỳ thị; đe dọa lợi ích sức khỏe; dẫn đến việc tuân thủ kém các biện pháp y tế công cộng, do đó làm giảm đi hiệu quả của các biện pháp này cũng như khả năng ngăn chặn đại dịch của các quốc gia. Cạnh đó, WHO đã xác định rằng đợt bùng phát của nCoV 2019 đã đi kèm với một “bệnh dịch khổng lồ” - một lượng thông tin quá dồi dào - một số chính xác còn một số thì không, điều này khiến mọi người gặp khó khăn khi trong việc xác định nguồn tin đáng tin cậy.

    Thứ hai, tại Việt Nam, ngày càng nhiều người dùng mạng xã hội có xu hướng đăng tải, chia sẻ rộng khắp các thông tin không chính thống, giả mạo, sai sự thật liên quan đến COVID-19 như: số ca mắc bệnh, số ca tử vong, “thuốc đặc trị COVID-19”, công dụng của các loại vắc xin, các văn bản của cơ quan nhà nước,… Điều đáng lưu tâm, đó là tình trạng này đang diễn ra vô cùng phức tạp, chiêu thức ngày càng tinh vi (sử dụng các tài khoản ảo, giả mạo,…), các hành vi có xu hướng khai thác, lợi dụng tình thương, lợi dụng tâm lý của những người dùng khác để bóp méo sự thật, hậu quả là một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội không phân biệt được đâu là tin giả, đâu là tin thật, cho nên đã vô tình trở thành nạn nhân của vấn nạn “tin giả”.

    Thứ ba, ngoài chủ thể trực tiếp tung tin giả, đưa ra thông tin sai lệch thì tốc độ lan truyền chuỗi “tin độc” còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ rất nhiều chủ thể khác, bao gồm cả những người dùng có hành vi “like”, “comment”, “share”. Hành vi này có thể do cố ý, nhưng cũng có trường hợp do không có sự đánh giá, chọn lọc, cho nên vô tình trở thành “công cụ đắc lực” tiếp tay cho những chủ thể tung tin, làm cho tốc độ lay lan và phổ biến của các “tin độc” tăng chóng mặt trên không gian mạng, gây hoang mang cho người dân, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây, đó là trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền chỉ mới xử lý các hành vi vi phạm do chủ thể thực hiện là người tung tin, một số trường hợp là người chia sẻ, còn các chủ thể còn lại thì chưa thể xử lý. Điều này có thể được lý giải bởi việc rà soát, phát hiện, xác minh gặp rất nhiều khó khăn, hơn nữa trong xử lý VPHC, cơ quan nhà nước là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm, do vậy một khi không có cơ sở vật chất rõ ràng để chứng minh thì “bỏ lọt” rất nhiều hành vi VPPL.

    Thứ tư, rõ ràng pháp luật Việt Nam đã có một hành lang pháp lý khá đầy đủ điều chỉnh về hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với chủ thể cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật,.... Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, cần thừa nhận một thực tế rằng, mặc dù Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15, BLHS đã có những điểm tiến bộ, khắc phục được những “lỗ hổng pháp lý” trước đây, song vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Một trong đó đó là quy định hiện hành chỉ đưa ra hành vi vi phạm là cung cấp, chia sẻ “thông tin sai sự thật”, “xuyên tạc”, “bịa đặt gây hoang mang nhân dân”,… nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể từng hành vi vi phạm này được hiểu như thế nào? Làm sao để có thể phân biệt từng hành vi vi phạm? Hậu quả xảy ra có là yếu tố bắt buộc cấu thành hành vi VPPL hay không? Công văn 45 cũng đã hướng dẫn xác định nhiều hành vi vi phạm và cơ chế xử lý trách nhiệm pháp lý tương ứng, tuy nhiên chưa bao quát.

    Cạnh đó, đối với các chủ thể có hành vi “like”, “comment” thì chưa có căn cứ pháp lý xử lý.

    Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tác giả đề xuất:

    Một, ban hành văn bản hướng dẫn rõ quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15 về việc xác định, giải thích rõ một số thuật ngữ, hành vi vi phạm như: “thông tin giả mạo”, “thông tin sai sự thật”, “xuyên tạc”, “thông tin bịa đặt” được hiểu như thế nào? Qua đó, phân biệt rạch ròi giữa hành vi vi phạm tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15.

    Hai, trước mắt cần có văn bản hướng dẫn, đưa những chủ thể vi phạm các quy định về đưa thông tin giả mạo, sai sự sự thật là chủ thể có hành vi “like” (tương tác), “comment” vào nhóm đối tượng sẽ bị xem xét xử lý khi có hành vi tương tác đối với các bài viết, bài chia sẽ có thông tin không chính thống, tùy thuộc và mức độ lỗi, hậu quả gây ra mà sẽ chịu chế tài tương ứng.

    Ba, một trong những điểm sáng trong công tác xử lý tin giả hiện nay nói chung, tin giả về COVID-19 nói riêng, đó là sự ra đời của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), với chức năng như phối hợp cơ quan khác thẩm định, công bố tin giả; tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác thực; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả;... Đây được xem là “liều thuốc đặc trị” kịp thời giải quyết đáng kể tình trạng tin giả hiện nay. Tuy nhiên, để VAFC vận hành hiệu quả, tác giả cho rằng, phải có sự tuyên truyền, phổ biến rộng khắp trong người dân, để người dân biết đến VAFC, qua đó kịp thời gửi thông tin, phản ánh đến VAFC khi chưa xác định được thông tin là giả hay thật đồng thời biết cách nhận biết, phân loại các nguồn thông tin tiếp nhận được. Bên cạnh đó, VAFC cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc phát hiện, xác minh và kịp thời xử lý các hành vi tung tin giả đồng thời đưa thông tin chính thống để bác bỏ tin giả.

    3.1.2. Công tác triển khai các chính sách pháp luật, các chỉ thị của Chính phủ còn tính thiếu đồng bộ giữa các địa phương

    Nội dung các chỉ thị, trong đó có Chỉ thị 16, mang ý nghĩa chỉ đạo, triển khai, cho nên mỗi địa phương sẽ áp dụng tuân theo nguyên tắc chung nhưng căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, và chủ động hướng dẫn cụ thể cho phù hợp.

    Qua thực tiễn, trong nhiều trường hợp việc triển khai, áp dụng nội dung Chỉ thị 16 còn tồn tại những cách hiểu khác nhau, không có sự thống nhất. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn trường hợp “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”, “trường hợp không cấp bách”. Xét ở góc độ lý luận, pháp lý, việc một số điều khoản được quy định bằng biện pháp liệt kê có hạn chế là không mang tính bao quát, đầy đủ, cho nên không mang tính dự liệu, khi áp dụng thì gặp nhiều khó khăn.

    Đáng quan ngại hơn, một khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thì việc xử lý hành vi vi phạm đôi khi còn phụ thuộc vào sự cảm tính của cơ quan có thẩm quyền, điều nay vô hình trung ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, thậm chí gây nên tâm lý chống đối.

    Do vậy, tác giả cho rằng, mỗi địa phương cần bám sát tình hình thực tế, xin ý kiến góp ý, chỉ đạo của cơ quan trung ương, để xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, quy định rõ một số nội dung của Chỉ thị 16, về việc như thế nào là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”, “trường hợp không cấp bách”. Nội dung hướng dẫn có thể theo hướng liệt kê cụ thể hơn Chỉ thị 16, hoặc đưa ra các tiêu chí để nhận diện, làm căn cứ cho việc xác định. Bên cạnh đó, cần rút kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện dần trong các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo tiếp theo. Đi đôi với việc xây dựng nội dung văn bản, cần tăng cường phổ biến, cập nhật rộng khắp trong quần chúng, vừa đảm bảo mọi người được tiếp cận, hiểu được và tuân thủ, vừa đảm bảo hiệu quả của công tác xử lý hành vi vi phạm. 

    1. Kết luận

    Hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cần tiếp tục được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tiếp tục là cơ sở quan trọng mang tính định hướng, điều chỉnh hành vi; vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa đảm bảo hài hòa lòng dân. Bởi lẽ, pháp luật bắt nguồn từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cho cuộc sống, do đó, các quy định được ban hành phải đảm bảo tính thực thi thì mới có hiệu quả, bằng không nếu chỉ dừng lại trên giấy, hoặc áp dụng cứng nhắc, rập khuôn thì vô hình trung trở thành cản lực lớn, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của việc thực thi pháp luật nói chung, trong công tác phòng chống COVID-19 nói riêng./.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên