ThS Mai Hoàng Phước, Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
---------
Theo báo cáo của Cục quản lý kinh doanh trong quý I năm 2021, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại là 5.203 doanh nghiệp, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các số liệu trên đã phần nào phản ánh những ảnh hưởng không cần phải bàn cãi của đại dịch COVID -19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, việc hiện thực hóa trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn và không phải doanh nghiệp nào cũng kịp thời nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng. Như vậy, lối thoát nào cho các doanh nghiệp giữa ma trận doanh thu sụt giảm thảm hại hoặc về 0, trong khi các khoản lãi suất vẫn đều đặn được thông báo hàng tháng, chi phí hoạt động vẫn phải duy trì mặc dù đã cố gắng cắt giảm hết sức? Liệu chủ sở hữu doanh nghiệp có nên gồng gánh tiếp tục và chờ đợi một phép màu, một tương lai tươi sáng khi đại dịch qua đi?
Dưới góc nhìn của một người đã và đang làm công tác cố vấn pháp lý cho các doanh nghiệp, từ start-up cho đến doanh nghiệp thuộc top Việt Nam 30, phá sản doanh nghiệp đang là phương án khả dĩ nhất và là đáp án rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay của nền kinh tế trước sức ép của đại dịch kéo dài.
Trước hết, tôi muốn nêu lên một số vấn đề vẫn còn tồn tại về mặt tư tưởng của những người làm kinh doanh, đặc biệt là người Á Đông đối với phá sản. Thứ nhất, phá sản vẫn đang được xem là một cái gì đó tiêu cực, một sự thất bại theo kiểu “tán gia bại sản” mà chúng ta vẫn hay dùng để chỉ sự thất bại của một người trong kinh doanh. Điều này khác hẳn với các quốc gia phương Tây, khi mà phá sản được xem là một hành vi rất văn minh, thậm chí hết sức bình thường. Cụ thể, khi một doanh nghiệp ở phương Tây nhận thấy họ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì họ thường chủ động nộp đơn yêu cầu phá sản đến Tòa án để chấm dứt ngay việc kinh doanh thua lỗ, giải quyết các khoản nợ và sẵn sàng cho một business mới ngay sau đó. Thứ hai, nhiều người vẫn còn suy nghĩ việc nộp đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp đồng nghĩa với việc “đặt dấu chấm hết” cho doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy, quá trình tố tụng phá sản ở Việt Nam và trên thế giới đều có những quy định nhằm cố gắng hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm “cứu sống” doanh nghiệp. Bởi một nguyên lý hết sức cơ bản là chỉ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường thì các chủ nợ mới cơ hội được thanh toán đầy đủ các khoản nợ.
Tiếp theo, hiện nay nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch, sắp tiêu đến những đồng cuối cùng mà họ đã vất vả cầm cố từ ô tô cho đến nhà cửa để “chạy đong từng ngày” thì phá sản sẽ giúp cho doanh nghiệp tìm “con đường sống” như thế nào theo những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam?
Điều cần thiết là các doanh nghiệp cần nắm được những vấn đề pháp lý cơ bản nhất về phá sản cũng như thủ tục phá sản theo luật định để xem xét, cân nhắc và đưa ra phương án phù hợp cho doanh nghiệp trước nguy cơ lớn từ đại dịch kéo dài.
Thứ nhất, việc nộp đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp có thể được thực hiện dễ dàng với bộ hồ sơ không quá phức tạp gồm: Đơn yêu cầu; Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất; Bản giải trình nguyên nhân mất khả năng thanh toán; Bảng kê chi tiết tài sản và Danh sách chủ nợ. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải nộp lệ phí phá sản 1.500.000 đồng và tạm ứng chi phí phá sản do tòa án ấn định.
Thứ hai, ngay sau khi có thông báo thụ lý, những vụ tranh chấp kiện tụng mà doanh nghiệp đang gặp phải tại tòa án, trọng tài thương mại sẽ bị tạm đình chỉ. Đồng thời, việc thi hành án, xử lý các tài sản bảo đảm nếu đang thực hiện cũng sẽ bị tạm dừng. Hơn nữa, lưu ý rằng sau khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và trong suốt quá trình tố tụng phá sản, doanh nghiệp vẫn được phép hoạt động bình thường, thậm chí còn được huy động vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, ngay sau khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì các chủ nợ buộc phải ngồi lại với nhau tại hội nghị chủ nợ và doanh nghiệp có cơ hội trình bày phương án phục hồi doanh nghiệp. Chính lúc này hơn ai hết, các chủ nợ hiểu rõ chỉ có tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thực hiện phương án phục hồi (gồm nhiều biện pháp: tái cơ cấu; huy động vốn; giảm, miễn, hoãn nợ/lãi,…) thì họ mới có thể được thanh toán hết các khoản nợ. Còn khi doanh nghiệp không được hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi, bị tuyên bố phá sản thì các chủ nợ chỉ được thanh toán bằng tài sản còn lại của doanh nghiệp với thứ tự ưu tiên thứ 4. Khi đó hầu như doanh nghiệp không còn tài sản để thanh toán nợ cho các chủ nợ và chủ doanh nghiệp cũng chính thức thoát khỏi các nghĩa vụ kể từ thời điểm hoàn tất việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp.
Do đó, nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, bị các chủ nợ bủa vây, đối mặt với vô vàng khó khăn, áp lực do đại dịch, nguy cơ phải đi hầu tòa hoặc trọng tài thương mại đang hiện hữu, việc chọn con đường phá sản doanh nghiệp là một phương án nên được cân nhắc. Như đã phân tích ở trên, khi đó doanh nghiệp sẽ có cơ hội trình bày phương án phục hồi và thuyết phục các chủ nợ cho phép thông qua. Đồng thời, những áp lực về kiện tụng, thi hành án, nợ và lãi đến hạn sẽ bị tạm dừng, tất cả tập trung cho nỗ lực phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp sau đó doanh nghiệp được thông qua phương án phục hồi và hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường và mang lại lợi nhuận, một điều hết sức có khả năng khi Nhà nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh và việc tiêm chủng đang được tiến hành khẩn trương, thì đây là phương án đạt nguyên tắc “win-win” cho cả doanh nghiệp và các chủ nợ. Trường hợp, các chủ nợ không thông qua phương án phục hồi thì việc bị tuyên bố phá sản cũng giải thoát chủ sở hữu doanh nghiệp khỏi những áp lực tinh thần và thể chất rất nặng nề và sau đó họ lại có thể bắt đầu một dự án mới của mình mà không cần bận tâm đến các nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ.
Tóm lại, hơn ai hết chủ doanh nghiệp không bao giờ mong muốn doanh nghiệp của mình bị phá sản. Đồng thời, việc sử dụng phương án này rất cần sự cân nhắc thấu đáo trên nhiều phương diện, bao gồm từ hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp, dự đoán về khả năng vực dậy trong bối cảnh “bình thường mới” sắp tới và trách nhiệm xã hội của chính doanh nghiệp. Bởi vì những hệ lụy kéo theo của nó sẽ là khôn lường, không chỉ về mặt pháp lý mà còn về mặt an sinh xã hội, trách nhiệm đối với cộng đồng, khách hàng và những chủ thể có liên quan. Cụ thể, một số lượng người lao động sẽ mất việc làm kéo theo gia đình của họ sẽ gặp thêm nhiều khó khăn. Hơn nữa, các chủ nợ bao gồm ngân hàng, doanh nghiệp đối tác sẽ rơi vào tình trạng không thể thu hồi được đầy đủ các khoản nợ hoặc thậm chí không thể thu hồi được nợ và điều này có thể gây ra sự phá sản mang tính dây chuyền cho chính các chủ nợ của doanh nghiệp. Do đó, chủ doanh nghiệp cần hết sức cân nhắc những hệ luỵ của phá sản đối với các chủ thể khác và xã hội. Đồng thời, phương án phá sản chỉ nên là một lối thoát khi doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác trong bối cảnh “đóng băng” vì đại dịch COVID.
Hãy là người bình luận đầu tiên